Lâm Viên-14/11/2015 07:29
(TNO) Những ngày qua, tại huyện Di Linh, Lâm Đồng, người dân xôn xao việc huyện này ban hành một quyết định “lạ”: cấm cán bộ, công chức, giáo viên đi mua sắm ở chợ cũ Di Linh.
Thực hiện chỉ đạo UBND huyện Di Linh, ngày 10.11, Tổ Thanh tra công vụ (Phòng Nội vụ huyện Di Linh) ban hành văn bản “lạ đời” khi cấm cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, người lao động của các cơ quan trong địa phương đi chợ, mua sắm tại khu vực chợ cũ Di Linh.
Thông báo số 156/TB-TTrCV do ông Đới Ngọc Văn, Tổ trưởng Tổ thanh tra công vụ ký được gửi đến tất cả các cơ quan đơn vị trong toàn huyện.
Văn bản nêu rõ: "... đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện việc mua sắm tại chợ Trung tâm (chợ mới) theo chủ trương chung của huyện”.
Đồng thời trưng tập công chức, viên chức, của cơ quan kiểm tra việc chấp hành theo chủ trương của huyện như sau: Phòng Nội vụ; Phòng Kinh tế và Hạ tầng; Phòng Giáo dục và Đào tạo; Đài Truyền thanh Truyền hình huyện. Hàng ngày mỗi cơ quan đơn vị cử một công chức, viên chức kiểm tra tại khu vực chợ cũ Di Linh.
Văn bản ghi rõ: “Nếu phát hiện cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan đơn vị của huyện vi phạm thì tiến hành nắm bắt thông tin, ghi hình, lập biên bản cuối ngày báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ trưởng Tổ thanh tra công vụ (Phòng Nội vụ) để tổ báo cáo UBND huyện".
Thời gian kiểm tra từ ngày có thông báo cho đến hết ngày 27.11.2015. Thời gian báo cáo về Tổ thanh tra công vụ từ 16h đến 16h30 hàng ngày.
Thông báo của Tổ Thanh tra công vụ
Qua tìm hiểu của Thanh Niên, chợ trung tâm mới xây dựng đi vào hoạt động từ ngày 25.9, UBND huyện này quyết định đóng cửa và chấm dứt hoạt động chợ Di Linh cũ kể từ ngày 1.10. Thế nhưng rất ít tiểu thương từ chợ cũ di dời sang chợ mới, trong khi đó chợ Di Linh cũ vẫn hoạt động tấp nập bình thường.
Dù huyện đã tổ chức nhiều buổi họp với bà con tiểu thương và chủ đầu tư để tìm sự đồng thuận về giá thuê quầy sạp; vận động bà con tiểu thương thực hiện chủ trương di dời từ cũ sang chợ mới nhưng đến nay hầu hết tiểu thương cho rằng vì trí khu chợ mới không phù hợp, giá thuê quầy sạp do chủ đầu tư đưa ra chưa hợp lý nên họ vẫn chưa di dời đến chợ mới.
Tiểu thương mong muốn thời gian di dời được kéo dài thêm 2 năm, đến ngày 1.10.2017. Trong quá trình di dời từ chờ cũ sang chợ mới, UBND huyện Di Linh đã phải nhận tới 294 đơn khiếu nại và kiến nghị của tiểu thương.
Tại cuộc họp báo gần đây, lãnh đạo UBND huyện Di Linh cho biết: Hiện trạng chợ Di Linh cũ đã xuống cấp, quá tải do được xây dựng từ năm 1993 nên cơ sở hạ tầng không đồng bộ, diện tích chật hẹp. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề như nước thải, vệ sinh môi trường, an toàn cháy nổ không đảm bảo theo quy định. Trong hai năm liên tiếp 2006, 2007 đã xảy ra hai vụ cháy chợ). Nên việc địa phương cần có chợ mới là tương xứng với định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương.
|
No comments:
Post a Comment