Saturday, November 14, 2015

Việt Nam: Chính quyền chỉ biết đòi chứ không muốn trả

HÀ NỘI (NV) - Sẽ có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa nếu chính quyền Việt Nam chậm hoàn thuế. Hoàn thuế là trả lại khoản thuế mà chính quyền đã thu trước, cao hơn số thuế mà doanh nghiệp phải nộp.

Chế biến hạt điều xuất cảng. Nhiều công ty, không ít là những công ty chuyên
xuất cảng tại Việt Nam, đang bị vắt cho kiệt sức. (Hình: Tuổi Trẻ)

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế và cũng là lời kêu cứu của nhiều doanh nhân.

Vì ngân sách thất thu, liên tục bội chi theo hướng năm sau cao hơn năm trước, chính quyền Việt Nam đang sử dụng nhiều biện pháp để ép các doanh nghiệp phải nộp thuế đúng hạn. Nộp trễ vừa bị phạt, vừa phải trả lại, chưa kể còn bị nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngược lại, sau khi doanh nghiệp hoàn tất thủ tục về thuế, chính quyền Việt Nam lừng chừng, không chịu hoàn lại khoản thuế đã thu dư. Theo tờ Tuổi Trẻ, riêng tại Sài Gòn, có 400 doanh nghiệp đang bị thiếu tiền hoàn thuế. Cục Thuế Sài Gòn tuyên bố sẽ chia các doanh nghiệp đang bị thiếu tiền hoàn thuế thành nhiều nhóm và sẽ hoàn thuế theo đợt. Đợt đầu tiên chỉ có 184 doanh nghiệp và chưa biết đến bao giờ những doanh nghiệp trong đợt này mới được nhận tiền hoàn thuế.

Đáng lưu ý là Bộ Tài Chính Việt Nam đã ban hành một số công văn, yêu cầu các cơ quan thuế “áp dụng các biện pháp nghiệp vụ” kiểm tra chặt chẽ những hồ sơ xin hoàn thuế và việc hoàn thuế chỉ được thực hiện trong phạm vi dự toán (khoản ngân sách đã được phân bổ cho chuyện này). Nếu nằm ngoài dự toán (không còn tiền) thì thông báo cho doanh nghiệp... biết!

Theo tờ Tuổi Trẻ, những công văn này đang khiến cho cục thuế của các địa phương thi nhau dựng lên “hàng loạt hàng rào kỹ thuật” nhằm kéo dài thời gian hoàn thuế.

Chẳng hạn, trước đây, nếu số thuế VAT của doanh nghiệp bị âm liên tục (đã trả dư tiền thuế) trong ba tháng thì họ sẽ được hoàn thuế. Bây giờ, thời gian số thuế VAT của doanh nghiệp bị âm phải liên tục trong... 12 tháng.
Do tính chất hoạt động, nhiều doanh nghiệp trước đây nằm trong diện “hoàn trước, kiểm tra sau” nay bị chuyển sang diện “kiểm tra trước, hoàn thuế sau.” Thủ tục hoàn thuế nay được nhận định là nhiêu khê hơn trước để kéo dài thời gian phải trả lại tiền cho doanh nghiệp.

Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, thực tế như vừa kể đang đẩy nhiều doanh nghiệp đến chỗ chỉ hoạt động cầm chừng vì khoản tiền thuế mà chính quyền phải hoàn nhưng không chịu trả quá lớn, thành ra họ thiếu vốn. Trong số này có không ít doanh nghiệp xuất cảng. Những doanh nghiệp chuyên gia công hàng xuất cảng đang đứng trước tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, không ký hợp đồng thì công nhân không có việc, khó có thể duy trì hoạt động bình thường. Còn ký hợp đồng thì bị chính quyền Việt Nam chiếm dụng tiền hoàn thuế. Hợp đồng có giá trị càng lớn thì số vốn bị chiếm dụng càng lớn. Đã thế, lại không biết tới lúc nào mới được trả lại.

Ai cũng biết “khoan” với doanh nghiệp là nuôi dưỡng và duy trì nguồn thu cho ngân sách. Có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Việt Nam đang làm ngược lại. Không chỉ chây ì đối với việc hoàn thuế, chính phủ Việt Nam đang đề nghị Quốc Hội tăng nhiều loại thuế. (G.Đ.)

11-14- 2015 1:35:27 PM

No comments:

Post a Comment