Saturday, November 14, 2015

Cán bộ vòi tiền dân là “chuyện thường ngày”?

MAI NGUYỄN tổng hợp-14/11/2015 06:53
TTO - Vụ việc chị Phạm Ngọc Yến xin giấy phép xây dựng (GPXD) bị cán bộ lợi dụng “làm tiền” khiến nhiều bạn đọc ngán ngẩm trước hiện trạng tham nhũng công khai của một số cán bộ công chức nhà nước.

   Vợ chồng bà Yến trình bày sự việc tại báo Tuổi Trẻ - Ảnh: D.N.Hà
Vợ chồng bà Yến trình bày sự việc tại báo Tuổi Trẻ - Ảnh: D.N.Hà
Nhiều bạn đọc cho rằng hiện tượng này xảy ra “như cơm bữa”, chẳng qua là ít có ai chịu tố cáo “nên mới tràn lan như vậy”.
Cùng chung hoàn cảnh
Một số bạn đọc tỏ ra đồng cảm với người tố cáo vì cùng chịu chung cảnh ngộ bị cán bộ “vòi vĩnh” khi xây nhà giống trường hợp của chị Phạm Ngọc Yến.
“Chúng tôi xây nhà mới, hở ra một tí gì cũng bị đòi tiền. Theo chủ trương của nhà nước thì lắp đồng hồ điện, đồng hồ nước mới trong khu dân cư thì không mất tiền, nhưng thực tế chúng tôi bị gợi ý trả tiền một cách trắng trợn. Mang tiếng là miễn phí, nhưng tính ra chúng tôi đã mất mấy triệu đồng”, bạn đọc Trịnh Thị Thu bức xúc.
Một bạn đọc chia sẻ với TTO chuyện phải “chung chi” cho thanh tra đô thị 20 triệu đồng để không bị làm khó khi sửa chữa nhà.
“Tôi đi xin GPXD nhà mất 2 tháng với 3-4 lần điều chỉnh bản vẽ. Có đi rồi mới biết nó tiêu cực như thế nào. Muốn có giấy phép trong vòng 10 -15 ngày thì phải mất 5 triệu. Còn nếu mình tự đi thì điều chỉnh lặt vặt tới khi nào mòn đôi dép thì thôi” - một bạn đọc khác kể.
Các bạn đọc còn chỉ ra: Vấn đề này thì nơi nào cũng có, nhưng không phải người dân ở nơi nào cũng dám nói. Nhiều bạn đọc cho là chuyện này đã trở thành “chuyện thường tình”.
Chuyện muôn thuở của cán bộ
Các bạn đọc thở dài khi vấn đề chống tham nhũng được dư luận cũng như tất cả các cấp, các ban ngành đặc biệt quan tâm, thế mà vẫn có cán bộ ngang nhiên ăn hối lộ, “làm tiền” người dân.
Tất cả các ý kiến đều cho rằng phải điều tra xử lý, kỷ luật nghiêm cán bộ vòi vĩnh người dân ra khỏi bộ máy nhà nước.
Nhiều bạn đọc đặt vấn đề "khi nào đồng lương của công chức nhà nước đủ sống thì mới giảm thiểu tình trạng này".
Ở chiều hướng khác, nhiều bạn đọc cho rằng việc quy hoạch không rõ ràng đang gây ra những hệ lụy cho cả người dân và cán bộ nhà nước.
Bạn đọc Phan Lê Phú Chính nêu: “Quy hoạch gì cứ thay đổi xoành xoạch lại không công khai. Như vậy nó mới trở thành một thứ đặc quyền thông tin, các cán bộ địa chính từ đó mới có cái cớ để hành dân”.
Nhiều ý kiến đề xuất nên công khai các đề án quy hoạch, quy hoạch nào chưa công khai cho dân thì phải cấp phép cho dân xây nhà. Các đồ án, qui hoạch, chậm nhất trong vòng 30 ngày phải công bố cho dân rõ.
Hầu hết các bạn đọc đều cho rằng các cơ quan báo chí nên tiếp tục mạnh dạn phanh phui những vụ việc như thế này để góp phần hạn chế việc cán bộ tham nhũng “vòi vĩnh” người dân.

No comments:

Post a Comment