Wednesday, October 21, 2015

Thay đổi lãnh đạo, thay đổi chính sách Canada-Mỹ-thế giới

CANADA - Từ hợp pháp hóa cần sa đến các thỏa ước tự do thương mại, chính quyền mới của Canada dưới quyền Justin Trudeau có khả năng mang đến những thay đổi đáng kể đối với Hoa Kỳ và thế giới.
Với khác biệt đáng kể so với Harper, người được xem là nhà lãnh đạo bảo thủ nhất lịch sử Canada, các chính sách mới của Justin Trudeau sẽ có ảnh hưởng vượt xa khỏi biên giới Canada và Hoa Kỳ. Tất cả sẽ được thể hiện qua cách giải quyết về biến đổi khí hậu, nhập cư và việc liệu mối quan hệ với Hoa Kỳ có nên xoay quanh tương lai các đường ống dẫn dầu Keystone XL hay không. Ðồng thời, theo các nhà phân tích, Trudeau sẽ có một cách tiếp cận cân bằng hơn đối với cuộc xung đột và cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Ðông.


Tân thủ tướng Canada, Justin Trudeau. (Hình: Geoff Robins/AFP/Getty Images)

Phát biểu tại cuộc mít tinh ở Ottawa sau chiến thắng, Trudeau nhấn mạnh: “Tôi muốn nói với bạn bè của đất nước này trên toàn thế giới: nhiều người lo lắng rằng suốt 10 năm qua Canada đã mất đi lòng trắc ẩn mang tính xây dựng của mình. Vâng, thay mặt cho 35 triệu dân Canada tôi có thông điệp đơn giản cho bạn. Chúng tôi đang trở lại.”
Về đối ngoại, trước mắt, có bốn nhiệm vụ ngoại giao mà Trudeau sẽ giải quyết:
1. Trong sáu tuần tới sẽ là các hội nghị quốc tế quan trọng: hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ và hội nghị thượng đỉnh APEC tại Philippines giữa Tháng Mười Một. Sau đó là hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Khối Thịnh Vượng Chung - Commonwealth ở Malta và hội nghị thượng đỉnh quốc tế về biến đổi khí hậu ở Paris. Vì phải thành lập nội các mới, Trudeau cho biết ông chỉ cam kết dự hội nghị khí hậu nhưng ông cũng “rất hy vọng” sẽ tham dự hai hội nghị thượng đỉnh G20 và APEC.
2. Dưới thời Trudeau, các ủng hộ của Canada với một số sáng kiến quân sự của Hoa Kỳ có thể suy giảm. Canada từng tham gia các kế hoạch quân sự chống lại Nhà Nước Hồi Giáo do Mỹ dẫn đầu cách đây một năm, nhưng Ðảng Tự Do cho biết sẽ chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của Canada, thay thế bằng việc tập trung đào tạo lực lượng địa phương trong khu vực để chống lại quân nổi dậy. Cụ thể, đối với mặt trận ở Iraq và Syria. Trudeau sẽ mang về sáu chiếc CF-18 của Canada, hiện đang tham gia chiến đấu cùng Hoa Kỳ trong khu vực.
3. Về thương mại: sẽ kết thúc một số thỏa thuận lớn. Canada và Liên Minh Châu Âu đã ký một thỏa thuận nguyên tắc về tự do thương mại rộng rãi của họ từ hơn hai năm trước, nhưng vẫn chưa thực sự hoàn tất. Các điều khoản chi tiết vẫn đang được sửa chữa và phải được phê chuẩn tại Quốc Hội Châu Âu và Canada.
4. Về di dân và nhân đạo: Ðưa 25,000 người tỵ nạn Syria đến Canada vào cuối năm nay. Ðiều này là một thách thức lớn cho Trudeau và rất có thể là ông phải thu hẹp lại.
Trong thời gian tranh cử, Trudeau từng tuyên bố rằng kỷ lục nghèo nàn trong việc tiếp nhận người tỵ nạn Syria của đảng Bảo Thủ cho thấy một khuôn mặt kém nhân đạo của Canada trước thế giới.
Ðối với láng giềng Hoa Kỳ ở phía Nam: Thương mại và an ninh là hai chủ đề quan trọng nhất trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Canada. Ngay khi đảng Tự Do đắc cử, Tổng Thống Mỹ Barack Obama và tân Thủ Tướng Justin Trudeau lập tức điện đàm với nhau về việc thực hiện TPP - Hiệp ước Thương mại Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương và việc cùng tiếp tục cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Về lãnh vực an ninh, Trudeau hứa hẹn sẽ hủy bỏ các yếu tố có vấn đề của đạo luật C-51, còn được gọi là đạo luật Patriot của Canada. C-51 là đạo luật mới ở Canada cung cấp cho cơ quan an ninh quốc gia các quyền hạn mở rộng để chống khủng bố. Việc này sẽ tạo cơ hội cho những người ủng hộ quyền riêng tư tại Hoa Kỳ, nơi đã nổ ra cuộc tranh luận về chiến tranh bí mật và sự giám sát của chính phủ kể từ khi Edward Snowden rò rỉ các tài liệu mật về an ninh quốc gia vào năm 2013.
Về thương mại, Canada là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ. Thương mại giữa Canada và New York lên đến gần $34 tỷ một năm, hơn 680,900 việc làm ở New York phụ thuộc vào thương mại và đầu tư với Canada (theo Central New York International Business Alliance). Tân thủ tướng Canada hứa tài trợ các kế hoạch cập nhật hạ tầng cơ sở, bơm sức sống vào nền kinh tế đang trong tình trạng suy thoái của Canada. Ðiều này đồng nghĩa với cơ hội kinh tế lớn hơn cho các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ.
Mặc dù Canada và Hoa Kỳ đã có một thỏa thuận thương mại tự do từ nhiều thập niên, nhưng đảng Tự Do của Trudeau cũng có thể thay đổi kỳ hạn các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai.
Trước mắt, việc chuyển giao quyền lực cho đảng Tự Do đang dẫn đến một sự không chắc chắn đối với Hiệp ước Thương mại Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương, Trudeau từng nhấn mạnh sự ủng hộ của mình về hiệp định này nhưng phê phán Ðảng Bảo thủ không minh bạch. Ông hứa “cởi mở và trung thực về quá trình đàm phán, và sẽ chia sẻ ngay lập tức tất cả các chi tiết của thỏa thuận.” Trong khi đó, như đã tuyên bố vào hôm 5 tháng 10 khi hiệp định này được công bố, Trudeau cần đọc lại văn kiện này trước khi có quyết định cụ thể.
Quan điểm về TPP - Hiệp ước Thương mại Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương được nêu rõ trong tuyến bố của đảng Tự Do:
“Hiệp ước Thương mại Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương có mục đích loại bỏ các rào cản thương mại, mở rộng thương mại tự do Canada, và gia tăng cơ hội cho tầng lớp trung lưu và những người làm việc siêng năng. Ðảng Tự Do sẽ có cách tiếp cận có trách nhiệm để kiểm tra kỹ lưỡng Hiệp ước Thương mại Ðối tác xuyên Thái Bình Dương. Harper của đảng Bảo Thủ đã không minh bạch trong toàn bộ cuộc đàm phán - đặc biệt là những gì liên quan đến Canada.”
“Nếu Ðảng Tự Do được vinh dự thành lập chính phủ sau ngày 19, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc tranh luận công khai đầy đủ trong Quốc Hội để bảo đảm người dân Canada được có ý kiến về thỏa thuận thương mại lịch sử này.”
Trong lãnh vực môi trường, nhìn chung Trudeau hứa hẹn đầu tư mới về năng lượng sạch và sẽ hành động nhiều hơn về biến đổi khí hậu. Riêng trong quan hệ với Hoa Kỳ, các nhà hoạt động môi trường lạc quan rằng thủ tướng mới của Canada sẽ mở ra kỷ nguyên mới về chính sách khí hậu và quan hệ ngoại giao nồng ấm hơn, ngay cả khi ông ủng hộ đường ống dẫn dầu Keystone XL mà các nhà môi trường cảnh báo có thể dẫn đến sự cố tràn dầu nguy hiểm và lượng khí thải carbon tăng vì họ dự đoán rằng chính quyền Obama sớm từ chối và Trudeau sẽ không chống lại.
Bên cạnh đó, một thay đổi quan trọng khác có liên quan trực tiếp đến Hoa Kỳ là việc chính phủ Trudeau tiến hành hợp pháp hóa cần sa tại Canada. Ông tuyên bố, dưới sự lãnh đạo của mình, Canada sẽ tạo ra một hệ thống đánh thuế, điều chỉnh và bán cần sa, cùng hình phạt nghiêm khắc với bất cứ ai giao cần sa cho trẻ em hay bắt bị gặp dùng cần sa khi lái xe. Việc hợp pháp hóa cần sa của đảng Tự Do đồng điệu với những người ủng hộ việc hợp pháp hóa loại cỏ này ở Hoa Kỳ. Kỹ nghệ cần sa của Canada có thể nở rộ thành một thị trường trị giá đến $5 tỷ và thay đổi quan trọng này sẽ mang đến những thay đổi dọc biên giới Mỹ-Canada khi hàng cần sa qua lại giữa biên giới hai nước.
Hướng tiếp cận của Canada đến việc hợp pháp hóa chất cần sa còn có thể mang lại thêm ý nghĩa cho một cuộc thảo luận quốc tế ngày càng tăng về tàng trữ ma túy và hình phạt, từng trở thành nguyên nhân chính cho doamh nhân tỷ phú Mỹ Richard Branson, người vừa thúc đẩy Liên Hợp Quốc ủng hộ việc phi hình sự hóa việc sử dụng cần sa. (L.Q.T.)
10-21- 2015 6:33:47 PM

No comments:

Post a Comment