Wednesday, October 21, 2015

Thể chế “trọng xã hội - khinh nhân văn” có tự bao giờ?

Phùng Hoài Ngọc (VNTB)- Nhân đọc “Bộ chương trình tổng thể Trung học Phổ thông dự thảo của Bộ Giáo dục đào tạo”, thấy sự phân chia hai nhóm ngành học cơ bản như sau: khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội (KHXH), vắng mặt khoa học nhân văn (KHNV).
Điều đó chứng tỏ Bộ GD chưa chú trọng môn Khoa học Nhân văn. 
Đi ngược về quá khứ, tìm hiểu xem từ thời kỳ “cách mạng thành công” đến nay, hai ngành KHXH và KHNV đã được nhìn nhận như thế nào.
Định nghĩa đơn giản về 2 nhóm KHXH và KHNV
Trước hết, xin trình bày quan niệm của chúng tôi về KHXH và KHNV. Theo đó, Khoa học xã hội nghiên cứu đối tượng là “xã hội” (nhân tố thứ 1) đặt trong liên hệ với con người “cá nhân/nhân văn” (nhân tố thứ 2).
Khoa học nhân văn nghiên cứu “con người cá nhân”, nhằm bảo đảm nhân văn (nhân tố thứ 1), đặt trong quan hệ qua lại với “xã hội” (nhân tố thứ 2).
Trang web của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: chụp màn hình
Ngược về quá khứ, chúng ta tìm hiểu quan niệm cổ truyền dân tộc về XH và NV. Theo nhận thức cổ xưa, “xã hội” và “ nhân văn” thể hiện ngay trên nét chữ, con chữ. Cụ thể, xã hội *[1] được hiểu là nhiều xã tụ hội, nhiều người cùng sống chung một bàn thờ thần, cùng bàn tính công việc chung. Trong khi đó, nhân văn *[2] là con người biết chữ, nét phong phú trong phẩm chất tự nhiên.
Ở khái niệm tổng hợp, thì nhân văn chỉ rõ chất người rõ nét nhất so với sinh vật khác, là sự phong phú và vẻ đẹp của con người cần được bảo vệ, phát huy.
Tục ngữ, ca dao Việt Nam là nơi bày tỏ nhiều quan niệm phong phú về nhân văn (như Người ta là hoa đất.Thương người như thể thương thân . v.v…)
(Xếp cùng loại từ: nhân văn, thiên văn, địa văn. Vẻ phong phú của trời, đất, người).
Trong khi đó, quan niệm phương Tây về XH và NV đơn giản hơn nhưng có tính bao quát:
Xã hội (society): một nhóm đông người sống chung theo một cách thức nhất định, ra quyết định về việc làm và phân chia công việc cần thiết.
Nhân văn (chủ nghĩa): humanism.
Human (nhân): con người.
Khái niệm nhân văn rất đa dạng phong phú nhưng vẫn thống nhất cốt lõi, chúng tôi chọn vài nhận thức tiêu biểu trong các quan niệm đó.
Quan niệm cổ nhất:
- Anh: “Một hệ thống niềm tin đặt trên nguyên tắc là nhu cầu tinh thần và tình cảm của người cần được thỏa mãn bất chấp thượng đế và tôn giáo” (Định nghĩa này mang tính lịch sử, được hình thành ở Tây Âu trong cuộc đấu tranh chống lại thần quyền tôn giáo trung cổ vốn coi rẻ con người trần tục).
- Mỹ: “Nhận thức về chủ nghĩa nhân văn: Những nhu cầu và khát vọng của con người. Một niềm tin rằng nhu cầu và giá trị của con người là quan trọng hơn niềm tin tôn giáo.”
Quan niệm mới nhất *[3] ở Phương Tây (từ điển Webster 2013 và 2015):
a. Một hệ thống tư tưởng về con người với các giá trị, năng lực và phẩm giá của họ.
b.Thành tựu nghiên cứu của các khoa học nhân văn và sự học tập từ nghệ thuật tự do.
c. Chủ nghĩa nhân đạo thế tục, tính từ thiện.
d. Quan tâm tới lợi ích, nhu cầu và phúc lợi của con người- "bông hoa mới nhất trên cây nho của chủ nghĩa nhân văn hợp tác".
“Văn” cũng khởi đầu từ letters (con chữ, lá thư) dẫn đến literature (văn chương,văn học) và nâng cao tổng hợp thành văn hóa “culture” (vun trồng, phát triển).
Chủ nghĩa nhân văn “Humanism” nhấn mạnh tính người văn hóa, yêu cầu đối xử hợp lý hợp tình với con người khác với con vật.
Như vậy, quan niệm cơ bản về “nhân văn” phương Tây cũng tương tự như phương Đông.
(Lưu ý rằng hiện nay người ta hay dùng lẫn lộn “nhân văn” và “nhân đạo”.“Humanity” là “nhân đạo” với nội dung: Lòng từ thiện và đối xử tốt với người khác).
Nhiều khi từ ngữ bị lạm dụng do vô ý hoặc cố ý: đài báo, các địa phương gần Tết mở đợt quyên góp quà Tết từ thiện giúp người nghèo, đó chỉ là hành vi “nhân đạo”, tuy nhiên quan chức và nhà báo quốc doanh ưa dùng từ “nhân văn” cho to tát hơn. Một nhà nước chỉ làm được một số hành vi nhân đạo cụ thể mang tính từ thiện nhưng đối xử tồi tệ với con người (vật chất, tinh thần), bỏ mặc họ thất nghiệp, thả rông chi phí nằm viện, mặc cho nhà trường lạm thu học phí, cho đến việc ngăn cản quyền tự do, dân chủ đã được Hiến pháp qui định thì đó vẫn là một “nhà nước phản nhân văn”.
Tóm lại, nhân văn phong phú, toàn diện và bao trùm, nhân đạo chỉ là một phần cụ thể.
So sánh sơ qua như trên, ta thấy quan niệm truyền thống về XH và NV của phương Đông và phương Tây cơ bản đồng nhất.
Tuy nhiên, các nền văn hoá cao ở Tây Âu cố gắng cân bằng giữa xã hội và nhân văn, tiến bộ vượt phương Đông. Tây Âu từ thế kỷ18 đã có“Khế ước xã hội” chăm lo xây dựng xã hội, đồng thời cũng có “Tuyên ngôn nhân quyền, dân quyền” giữ thế cân bằng giữa hai khái niệm cốt lõi. Hai ý niệm “xã hội” và “nhân văn” tồn tại song song và quan hệ mật thiết hữu cơ. Xét đến cùng, mục tiêu của xây dựng xã hội là bảo đảm cho nhân văn tồn tại. Nhân văn là cứu cánh (mục tiêu cuối cùng) của xã hội.
Phong trào cách mạng văn hóa Phục Hưng (thế kỷ 14-16) ở châu Âu đã sớm đề cao con người cá thể, chống lại thần quyền câu kết vương quyền coi con người là bé nhỏ, tội lỗi và đàn áp con người. Trong khi đó, châu Á còn chìm sâu trong chế độ phong kiến coi rẻ thường dân và quyền con người nói chung. Thời cổ đại có bài dạy của Mạnh tử lưu truyền “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân là quý, đất nước thứ nhì, vua là bé nhất) nhưng chưa đủ là hệ tư tưởng và thiếu một cơ chế bảo đảm thực hành.
Nhà chính trị Hoa Kỳ đã rút gọn quan niệm nhân văn trong ba từ “Quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ 1776). Nhà chính trị Pháp cũng dùng ba chữ “Tự do- Bình đẳng- Bác ái” tóm tắt tính nhân văn rõ nét (Tuyên ngôn nhân quyền, dân quyền Pháp 1789).
Trở lại với chuyện chương trình giáo dục trung học PT của Bộ GD không ghi tên “khoa học nhân văn”.
Cũng khó mà trách Bộ Giáo Dục, Bộ chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về ngành giáo dục, không phải là cơ quan nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp.
Vậy, cần phải đi sâu tìm hiểu tới gốc là Viện Hàn Lâm*[4].
Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam và sự phân loại khoa học sai lầm.
Sai lầm thứ nhất thể hiện trong việc đặt tên Viện. Theo đó, ngay trong lời “Giới thiệu chung” trên trang chủ, Viện đã viết như sau:
“Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan khoa học thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội, cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước…”.
Tên chỉ là “Viện hàn lâm khoa học xã hội”, bỏ qua “khoa học nhân văn”. Vào trong mục cơ cấu các viện thì lại thấy có môn khoa học nhân văn. Thế nghĩa là“KHXH” đương nhiên chứa đựng “KHNV” ở trong (?!).
Tại sao một cơ quan khoa học quốc gia, một “rừng bút”, mà thiếu chữ viết đến thế ?
Sai lầm thứ hai là sắp xếp lộn xộn các Viện con.
Xem qua lịch sử tên gọi của Viện hàn lâm KHXH qua các thời kỳ:
• Năm 1953, Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học được thành lập
• Năm 1954 đổi tên thành Ban nghiên cứu Văn học, Lịch sử, Địa lý (gọi tắt là Ban Văn, Sử, Địa).
• Năm 1956, thành lập Ban Nghiên cứu lịch sử, văn học và địa lý Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục.
• Năm 1959, thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Ban khoa học xã hội nằm trong cơ cấu tổ chức của Ủy ban khoa học Nhà nước.
• Năm 1965, tách Ủy ban khoa học Nhà nước thành hai cơ quan độc lập: Ủy ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Viện khoa học Xã hội.
• Năm 1967, đổi tên Viện khoa học Xã hội thành Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam.
• Năm 1990, đổi tên: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
• Năm 1993, thành lập Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia .
• Năm 2003, lại đổi tên: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
• Năm 2008, Chính phủ lại ban hành Nghị định, theo đó tên Viện được đổi thành Viện Khoa học xã hội Việt Nam (trùng với tên đặt năm 2003, nội dung khác).
• Năm 2012, nghị định chính phủ đặt tên: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thi hành từ ngày 22 tháng 2 năm 2013.
Nhìn qua 11 lần đổi tên (số lần đạt kỷ lục) nêu trên, chỉ có một lần tên Viện đầy đủ “xã hội” và “nhân văn” là năm 1993. Thời điểm này đang cao trào Đổi mới ở Việt Nam. Giới trí thức tiến bộ tranh thủ thời cơ giành được hai chữ “nhân văn”.
Trải qua bãi bể nương dâu, tên Viện chính thống hiện tại lại bị xóa bỏ hai chữ “nhân văn”. Như vậy, rõ ràng Trung ương trăn trở đã nhiều với một cái tên Viện, chỉ lo sợ bị hớ, bị thiệt thòi (!). Và cũng qua cách đặt tên, dễ dàng thấy Trung ương coi trọng cái gì và coi rẻ cái gì!
Tình trạng đặt tên khoa KHXH và KHXH-NV lộn xộn cũng xảy ra ở nhiều trường cao đẳng, đại học. Chỉ có số ít trường tên đặt đầy đủ cho trường và khoa là “KHXH-NV”, phần nhiều cắt bỏ hai chữ “nhân văn”.
Trung ương tùy tiện thì địa phương cũng tùy nghi, tùy thích.
Đó là lẽ thường tình ở nước Việt Nam, nơi các danh xưng nhốn nháo chưa từng có.
Sai lầm thứ ba là phân loại lộn xộn các viện con. Theo trang web của Viện phân chia các đơn vị nghiên cứu khoa học như sau.
07 viện KHXH:
1. Viện Triết học
2. Viện Nhà nước và Pháp luật
3. Viện Kinh tế
4. Viện Xã hội học
5. Viện Nghiên cứu Con người
6. Viện Tâm lý học
7. Viện Địa lý nhân văn
Với cách phân chia nêu trên, thì bốn ngành (1,5,6,7) thuộc nhóm nhân văn đã bị xếp nhầm vào nhóm xã hội: Viện Triết học, Viện Nghiên cứu Con người,Viện Tâm lý học, Viện Địa lý nhân văn.
Vẫn biết rằng một số ngành khoa học mang tính kép, tức là vừa thuộc xã hội, vừa thuộc nhân văn, nhưng dứt khoát phải xác định tính thứ nhất (nhân tố thứ 1) cho môn đó.
09 viện KHNV:
1. Viện Sử học
2. Viện Văn học
3. Viện Ngôn ngữ học
4. Viện Nghiên cứu Hán Nôm
5. Viện Dân tộc học
6. Viện Khảo cổ học
7. Viện Nghiên cứu Văn hóa
8. Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới
9. Viện Nghiên cứu Tôn giáo
Với cách sắp xếp này, Viện hàn lâm đã xếp sai chỗ cho 6 ngành xã hội (1,5,6,7,8,9) vào nhóm nhân văn: Viện sử học, Viện dân tộc học, Viện Khảo cổ học, Viện Văn hóa, Viện Gia đình và Giới và Viện nghiên cứu tôn giáo. Sáu viện đó phải xếp vào KHXH mới đúng. Bởi vì đối tượng nghiên cứu là xã hội, cộng đồng.
Hầu hết cán bộ chủ chốt của các Viện (kể cả bộ máy chính trị) đều du học ở Liên Xô và các nước XHCN, giữ vai trò chủ đạo, quản lý hai ngành KHXH và KHNV ở Việt Nam, từ sau 1953 tới nay. Đương nhiên họ đi theo mô hình Liên Xô và Đông Âu đã lỗi thời.
Nếu chúng ta đi ngược lên tới ngọn nguồn thì thấy cái gốc sai lầm là ở đây: chủ nghĩa Marxism.
Nguồn cơn “xã hội” lấn át đè bẹp “nhân văn”.
Hai ông Marx và Engels tạo ra mô hình “Kommunismus” (tiếng Đức), dịch đúng là “chủ nghĩa cộng đồng” (nhưng bị Mao Trạch Đông dịch ẩu thành “cộng sản”*[5] theo quan điểm thực dụng, Đảng CSVN cũng noi theo cách gọi tên ấy).
Học thuyết Marx và Engels là nguồn gốc của mọi lầm lạc lớn lao, sâu sắc và lâu dài.
Khi một hiện tượng gì quá cực đoan, người ta thường chê là “chủ nghĩa” (không phải một học thuyết nghiêm túc). Ví như “chủ nghĩa thực dụng”, “chủ nghĩa cá nhân”, “chủ nghĩa quốc gia” (coi thường quốc tế, ích kỷ dân tộc), “chủ nghĩa bành trướng”, “chủ nghiã Đại Hán”,“chủ nghĩa sovin nước lớn”, “chủ nghĩa mackeno”.v.v… Đúng ra, phải gọi những cái đó là các “thói” nhưng người ta nói chữ là “chủ nghĩa” với ý mỉa mai để chỉ sự cuồng lệch của nó. Chẳng hạn, thói “chủ nghĩa tập thể”, ưa nhân danh tập thể mà chà đạp cá nhân, vì mục đích vụ lợi chính trị. Thời chiến tranh và bao cấp toàn diện nước ta đã từng trải qua xây dựng “chủ nghiã xã hội trại lính”, ở đó vai trò cá nhân bị thủ tiêu. Chủ nghĩa nhân văn bị chà đạp.
Thường nghe chính khách ngày nay kêu gọi vì “ổn định xã hội” và đương nhiên phớt lờ thân phận cá nhân. Vậy, trường hợp này cũng gọi là “chủ nghĩa…xã hội” (thói nhân danh xã hội, thói độc tôn cai trị xã hội)!
Chống tham nhũng, bất công, họ cũng kêu giữ lấy “ổn định xã hội” ! Chống “diễn biến hoà bình” cũng nhằm “ổn định xã hội” (xã hội cần hoà bình, sao lại chống ?!). Thực chất là họ chỉ muốn “ổn định quyền cai trị độc tôn”, nhưng ưa chơi chữ cho văn vẻ. Thực ra, họ nhẫn tâm làm tất cả dù có phải chà đạp “nhân văn” tức nhân quyền, dân quyền để ổn định “xã hội”.
Ngôn ngữ khoa học và chính trị đều cần phải chính danh. Ngôn ngữ phi chính danh lặp đi lặp lại như khẩu hiệu, ám ảnh lâu ngày thành bệnh, gây ra tác hại khôn lường.
Tuy nhiên, gần đây có “mốt” các quan chức, nhà báo quốc doanh ưa ca tụng chính quyền làm“việc đó, việc nọ, việc kia” là biểu hiện “giàu tính nhân văn”(!)
Kết luận:
Viện hàn lâm gồm 16 viện con (7 XH + 9 NV) đành bất lực không bênh vực được “Tam quyền phân lập” và cũng không chống chế giùm được “pháp quyền XHCN”, và cũng không giải thích được “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Ba chục năm qua, tình trạng khủng hoảng “lý luận xã hội nhân văn” rã rời thê thảm. Hệ thống chính trị Liên Xô và XHCN Đông Âu tan rã đã công bố kết quả kiểm chứng lạnh lùng khách quan của lịch sử. Trung cộng và Việt Nam vội vã tìm ra cùng một bài thuốc chữa chạy bằng cách xây dựng một hệ “Tư tưởng lãnh tụ” riêng cho xã hội, nhưng trên nhãn hiệu vẫn ghi kèm bài thuốc cũ, bỏ thì thương vương thì tội.
Tình trạng suy thoái đạo đức nhân cách và tệ nạn bùng nổ trong xã hội trở nên phổ biến.
Xã hội ngày càng nhiều người nghèo mạt rệp.
Xã hội ngày càng tràn lan án oan nhức nhối.
Người bị tước đoạt tự do (tự do ngôn luận, thông tin, lập hội, biểu tình).
Người khác bị tước đoạt tài sản (ruộng đất bị ép bán rẻ) nuôi béo bọn tư bản thân hữu và nhóm lợi ích. Khi chiếm được đất rồi, bọn họ còn tung tác phá hoại môi trường vì lợi nhuận.
Báo chí quốc doanh chủ yếu thiếu tính nhân văn, không lên tiếng bênh vực hàng trăm người dân bị lôi vào đồn công an và chết thê thảm. Họ bỏ mặc cá nhân thất thế yếu lực, nhắm mắt làm ngơ trước nạn bạo hành của bộ máy công an. Vụ án thiếu niên Đỗ Đăng Dư bị bạo hành chết là nỗi nhục nhã của công an Hà Nội và lộ mặt báo chí nhát hèn.
Viện Hàn Lâm với nhân sự khổng lồ tiêu tiền thuế dân như nước chảy cũng chẳng giúp gì cho người dân oan sai, mặc cho bất công, tham nhũng tràn lan. Bộ trưởng khoa học Nguyễn Quân phải ngập ngừng thừa nhận tại quốc hội rằng đề tài nghiên cứu của các ngành XH-NV nghiệm thu rồi cất ngăn kéo.
Tất cả chỉ vì không học và không hiểu đúng hai chữ XH và NV.
Viện Hàn Lâm với một “rừng bút” gồm thập loại giáo sư, phó GS, bách loại tiến sĩ thạc sĩ (còn có cả viện sĩ danh dự nước ngoài) cũng không giúp đắc lực cho thể chế chính trị khá hơn. Đến nỗi tổng bí thư phải lập riêng một “Hội đồng lý luận trung ương” để cứu vãn khủng hoảng lý luận. Có lẽ vì ông Tổng cũng chẳng trông cậy được gì vào cái “Viện rừng bút” ấy.
Đọc bài viết của tác giả Lữ Hành Gia “Hãy cân bằng phần xác và phần hồn” (VNTB- ngày 12/10/2015), tôi đồng ý một phần với ý kiến: “Việc trọng kinh tế nên các ngành nhân văn tại Việt Nam càng kém hấp dẫn”. Theo chúng tôi, nguyên nhân “trọng kinh tế” chỉ là một yếu tố, cái chính là họ coi trọng quyền lực độc tôn nấp bóng chiêu bài “xã hội”, giơ chiêu bài “ổn định xã hội” để dễ chà đạp khinh rẻ nhân văn mà thôi.
Chúng tôi mong muốn góp phần chẩn trị căn bệnh lớn: “trọng xã hội, khinh nhân văn” . Căn bệnh này đã trải dài hơn nửa thế kỷ. Nó biểu hiện nhận thức sai lạc của thể chế ở nước ta, cũng như cả hệ thống XHCN trước đây.
Điều trị căn bệnh này không tốn kém lắm, chủ yếu là “bệnh nhân” có chịu chữa trị hay không.
Chú thích:
*[1] . Xã hội 社會 (theo truyền thống biểu đạt bằng chữ Nho).
“Xã”:社: vùng đất nhiều người sống cùng nhau, chung một bàn thờ thần đất.
Xưa, mỗi chòm xóm 25 nhà gọi là một xã, cùng bàn tính việc công ích chung.
“Hội”:會 tụ hội (4 bộ phận biểu tượng: mái che, con người, thạp đồng, miệng nói, nhất trí).
“Xã hội”: tụ hội nhiều xã. Sự kết hợp nhiều cá thể có quan hệ chung với nhau gọi là "xã hội".
(xã 社 kết hợp với tắc 稷: lúa, thần lúa, tạo ra “xã tắc”: lãnh thổ/đất nước chung của xã hội).
*[2] . Nhân văn 人文.
“Văn” 文 văn vẻ (như "thạch văn" 石文: vân đá, đá mài/cắt, nổi lên hoa văn tự nhiên, nét vằn trên mặt đá, thớ gỗ và cả trên sinh vật). Văn là phẩm chất tự nhiên tốt đẹp của vật.
“Nhân” 人: con người cá thể, bước đi hai chân, (thoát ra khỏi loài thú 4 chân), loài khôn nhất.
Con người khôn vì biết chữ (văn tự: chữ cái/con chữ là những nét văn kết hợp mà thành văn tự), đó là bằng chứng cụ thể nhất.
*[3].Từ điển Websters online dẫn từ Cty xuất bản Houghton Mifflin Harcourt 2013 và Cty LoveToKnow Corp 2015.
*[4] . Hàn lâm: 翰林 (hàn: lông chim, làm bút viết, lâm: rừng). Rừng bút. Nơi tụ hợp nhiều học sĩ.
Châu Âu gọi đơn giản “Academy” là học viện.
*[5] . Xem bài “Hãy đổi tên Đảng, trước hết để chính danh”, Việt nam Thời báo, javn.org/2015/06/vntb-hay-oi-ten-ang-truoc-het-e-chinh.html.
Thứ Tư, ngày 21 tháng 10 năm 2015

No comments:

Post a Comment