Dân trí “Tôi có người bạn ở Châu Âu, mới đây trở lại Việt Nam đã rất khó chịu và thảng thốt khi thấy chiếc loa phường mà anh ấy thấy từ 20 năm trước, vẫn còn tồn tại. Người dân đang bị ép phải nghe loa phường” - luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM nói.
Hình ảnh một cây cột điện 3 chiếc loa phường có thể gặp khắp nơi ở Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu chia sẻ câu chuyện trên với PV Dân trí khi đề cập đến việc quản lý hệ thống loa phường hiện nay. Ông Hậu cho rằng Hà Nội cần “xách cặp” vào TPHCM học hỏi kinh nghiệm xóa bỏ loa phường.
“Mấy năm nay TPHCM đã vắng bóng loa phường rồi. Hình ảnh loa phường ở TPHCM giờ chắc chỉ còn tồn tại ở một số huyện xa trung tâm như Bình Chánh, nơi người dân thưa thớt và hệ thống loa vẫn còn hữu hiệu thôi. Tôi thấy Hà Nội nên học tập cách làm của TPHCM để chấm dứt việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Ở trong ngõ xóm yên tĩnh, chỉ vài âm thanh ồn ã thôi đã khiến cư dân cảm thấy khó chịu chứ đừng nói tiếng loa phường oang oang mỗi sáng khi người ta mới thức dậy và mỗi chiều muộn khi người ta uể oải sau một ngày làm việc căng thẳng đang cần nghỉ ngơi”- ông Hậu nói.
Dẫn ra chuyện nhiều phường, quận ở TPHCM tiếp cận, truyền tải thông tin tới người dân qua tin nhắn điện thoại, gửi email, thông báo trên website, ông Hậu khẳng định Hà Nội hoàn toàn có thể làm được điều này thay vì “gửi gắm” vào những chiếc loa đã tồn tại từ thời chiến tranh.
Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền tiếp cận thông tin của người dân. Người dân có quyền lựa chọn kênh thông tin và được đảm bảo cả về quyền tự do cá nhân, chăm sóc sức khỏe.
“Tôi đang bị sốt mà nghe tiếng loa phường là khó chịu lắm. Gia đình tôi đã từng sống gần những chiếc loa như thế nên thấu hiểu nỗi khổ của người dân. Người dân kêu ca xóa bỏ loa phường là phải. Đứng ở góc độ nào đó thì loa phường đang ép người dân phải nghe đủ thể loại thông tin mà chính quyền sở tại muốn truyền tải, trong khi ở đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM thì internet đã phổ cập, tràn lan rồi. Đứa con tôi mới 7 tuổi mà đã có thể thông thạo truy cập thông tin trên mạng thì tại sao lại phải duy trì hệ thống truyền tải thông tin cũ kỹ đến như vậy nữa”- ông Hậu bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên ông Hậu cũng nhìn nhận hệ thống loa vẫn còn hữu hiệu ở những khu vực nông thôn, miền núi, dân cư thưa thớt. Chính vì thế Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm xây dựng hướng dẫn về hệ thống loa để người dân có cơ sở giám sát việc thực hiện của chính quyền sở tại.
Loa phường dày đặc ở các quận trung tâm, khu tập thể cũ nhưng lại vắng bóng ở các khu đô thị mới, chung cư cao cấp.
Một điểm rất đáng chú ý, theo ghi nhận của chúng tôi, loa phường tập trung “số lượng lớn” ở các khu tập thể cũ, chung cư cũ, các quận trung tâm Hà Nội nhưng lại vắng bóng tại các khu đô thị mới, chung cư cao cấp. Ở những khu tập thể cũ như Thành Công, Bách Khoa, Trung Tự, Kim Liên, Thanh Xuân Bắc cứ vài dãy nhà lại có vài chiếc loa. Có khu vực bán kính chưa tới trăm mét nhưng có thể đếm được cả chục chiếc loa tỏa khắp các hướng. Ở nhiều địa điểm cứ 17 giờ chiều loa phường phát oang oang như hội, đủ các thể loại thông tin.
“Một trong nhưng điều tôi thấy sướng nhất khi chuyển về một khu đô thị mới ở Ngã Tư Sở là hàng ngày không còn phải nghe tiếng loa phường Thành Công nữa. Loa phường ở đây đúng là kinh khủng, phải nói chính xác là “ốm không tha, già không thương”, lúc nào phát cũng được mở to hết cỡ”- anh Trần Mạnh, từng sống ở khu tập thể Thành Công, kể lại.
Luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư Hà Nội) sinh sống tại một chung cư thuộc quận Hà Đông (Hà Nội). “Tôi chỉ nhìn thấy chiếc loa từ xa xa chứ không nằm gần khu chung cư chúng tôi sinh sống. Câu chuyện loa phường “đông đúc” ở các quận trung tâm, khu tập thể cũ và thưa thớt, vắng bóng tại các khu đô thị mới, chung cư cao cấp đặt ra một dấu hỏi lớn: Nghe loa phường là quyền hay nghĩa vụ?”- ông Phất nói.
Theo ông Phất, không có bất cứ một quy định pháp luật nào nói rằng người dân có nghĩa vụ phải nghe loa phường. Nếu việc nghe là quyền thì phải có sự lựa chọn, nghe hoặc không nghe như xem tivi, nghe đài: thích thì bật lên, không thích thì tắt bỏ, chuyển kênh khác.
“Ấy vậy nhưng loa phường đang không cho người ta thực hiện những quyền lựa chọn đó. Hôm nay loa phường phát thông tin về một người dân nào đó mới qua đời, lịch tiêm phòng chó mèo, đại hội đảng bộ phường, tổng vệ sinh,... thì dù muốn nghe hay không, dù đang khỏe hay đang ốm đau bệnh tật, người dân gần loa vẫn cứ phải nghe cho hết. Trong khi nhiệm vụ phủ sóng thông tin tới toàn phường cũng chỉ theo kịp tắc bụp, bởi vẫn có rất nhiều gia đình không nghe được thông tin từ loa phường. Hơn nữa nhiều khu đô thị mới, chung cư cao cấp nằm trọn vẹn trên địa bàn hành chính của một phường nhưng lại không “phải/được” nghe loa phường. Như vậy rõ ràng có sự bất công bằng trong việc nghe loa phường”- ông Phất ví von hình ảnh.
Ông Phất khẳng định một bộ phận không nhỏ người dân Thủ đô đang bị “tra tấn” âm thanh mỗi ngày mà không biết phải xử lý thế nào. Nếu muốn kiện ra tòa việc lắp đặt chiếc loa phường gây ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thì cũng không có cơ sở, quy định nào để so sánh về âm lượng. Trong khi đó những khiếu nại về vị trí lắp đặt loa cũng gặp rào cản không nhỏ vì chẳng khác nào mang "rác" chỗ này đổ sang chỗ khác.
"Việc không có những quy định cụ thể, rõ ràng về thời lượng phát sóng, nội dung, cường độ âm thanh, khoảng cách với khu dân cư gần nhất,... đang khiến loa phường trở thành một loại “rác âm thanh” cần phải tìm cách “dọn”, thay thế bằng những hình thức truyền thông tin khác phù hợp hơn"- ông Phất nói.
Thứ Bảy, 12/09/2015 - 07:33
Thế Kha
No comments:
Post a Comment