Saturday, September 12, 2015

Bao giờ mới hết phong bì trong bệnh viện?

Anh Vũ, thông tín viên RFA2015-09-12  000_TS-Hkg9725958.jpg
Một bệnh viện nhà nước ở Hà Nội ngày 17 tháng 4 năm 2014.-AFP PHOTO
Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tuyên bố dứt khoát nói không với việc người nhà bệnh nhân đưa phong bì cho y bác sĩ tại các bệnh viện công. Vậy đến nay tình trạng này ở trong các bệnh viện thế nào?

Do điều kiện dịch vụ y tế hạn hẹp?

Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia mà ở đó người dân muốn chữa bệnh phải mất tiền, người dân khi muốn khám chữa bệnh phải trả phí dịch vụ hoặc thông qua bảo hiểm y tế. Cho dù trước đây, hệ thống y tế ở Việt Nam được bao cấp hoàn toàn cho đến giữa những năm 80.
Do điều kiện dịch vụ y tế của nhà nước hạn hẹp, không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nên việc người dân phải có phong bì để lót tay cho các nhân viên y tế mỗi khi đến bệnh viện công là tình trạng phổ biến.
Chuyện đưa phong bì là có thật, vì cách ứng xử của bác sĩ luôn tỏ ra không hài lòng, hôm rồi tôi phải chờ bác sĩ đến hơn một tiếng song không thấy bác sĩ đâu cả. Nghe người ta bảo là phải biết đưa phong bì.
-Chị Phương Anh
Tháng 12/2012 người đứng đầu ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát biểu trước Quốc hội rằng “Bệnh nhân và người nhà dứt khoát không đưa phong bì và nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận thì chụp ảnh và gửi lại cho chúng tôi.”
Tuy vậy trên thực tế hiện nay cho thấy, tại các bệnh viện công tình trạng bệnh nhân đưa phong bì để cảm ơn y bác sĩ đã trở thành một thứ luật bất thành văn.
Chị Phương Anh ở Hà nội cho biết:
“Chuyện đưa phong bì là có thật, vì cách ứng xử của bác sĩ luôn tỏ ra không hài lòng, hôm rồi tôi phải chờ bác sĩ đến hơn một tiếng song không thấy bác sĩ đâu cả. Nghe người ta bảo là phải biết đưa phong bì.”
Tâm trạng chung của người nhà bệnh nhân là phải có qùa cáp, phong bì để cảm ơn bác sĩ; đây là điều bắt buộc phải có cho dù gia cảnh của họ cũng hết sức khó khăn.
Nói về lý do vì sao phải đưa phong bì cho y bác sĩ, chị Thuận ở Vĩnh Yên giải thích:
“Vì tôi thấy mọi người đưa (phong bì) thì tôi cũng đưa, cũng vì nếu đưa phong bì thì bác sĩ sẽ quan tâm đến con mình hơn, còn không đưa thì sợ bác sĩ sẽ chăm sóc không tận tình đối với con mình.”
000_Hkg9725957-305
Khoa nhi tại một bệnh viện nhà nước ở Hà Nội ngày 17 tháng 4 năm 2014. AFP PHOTO.
Ông Xuyến quê ở Thanh hóa, đang trông con hiện điều trị ở một bệnh viện Trung ương tiếp lời:
“Nói chung là phải bán dần mọi thứ đi để lo chữa bệnh cho cháu, vì dù sao cũng phải cho một chút quà gọi là để gửi cảm ơn các bác sĩ.”
Sự thiếu thân thiện của bác sĩ đối với người bệnh, là nguyên nhân khiến cho người nhà bệnh nhân nghĩ cần phải lót tay phong bì cho các y bác sĩ. Từ Hà nội, ông Nguyễn Hòa, một lãnh đạo bệnh viện đã nghỉ hưu nói với chúng tôi:
“Tôi cũng có biết, chuyện bác sĩ vòi vĩnh là có, song là rất ít. Cái chính là vì quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân bây giờ như là cái máy, tại mình không có thì giờ thăm hỏi bệnh nhân nên quan hệ 2 bên nó xa.”
Đáng chú ý, đến tháng 3/2013 cũng chính bà Bộ trưởng Bộ Y tế lại cho phép bác sĩ nhận phong bì, với điều kiện là chỉ sau khi đã điều trị xong cho bệnh nhân, vì thấy rằng “Hành vi đưa phong bì sau điều trị là hành động tỏ lòng biết ơn của người bệnh với y, bác sỹ. Đây là việc làm cần trân trọng”. Điều này được dư luận cho rằng làm cho vấn nạn phong bì trong bệnh viện ngày càng trầm trọng hơn.

Khó có thể giải quyết?

Theo báo Đất Việt, báo cáo mới nhất của Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) - cơ quan đầu mối của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam (TI) cho biết: hiện tượng phong bì, vốn đã trở nên phổ biến và tràn lan tại nhiều bệnh viện. Giá trị các khoản tiền đưa theo phong bì dao động từ 50.000 đồng đến 5 triệu đồng, một số trường hợp ngoại lệ có giá trị tới vài chục triệu đồng.
Một cán bộ Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế không muốn nêu danh tính thừa nhận, đây thực sự là một vấn nạn, song khó có thể giải quyết được sớm vì liên quan đến nhiều vấn đề. Ông cho biết:
Những người thầy thuốc như chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, khi người ta coi rằng vào bệnh viện chỉ cần đưa cho chúng tôi vài đồng bạc lẻ thì sẽ mua chuộc được nhân viên y tế. Đó là một điều bất nhẫn đối với người bệnh và với cả nhân viên y tế.
-Một cán bộ y tế
“Những người thầy thuốc như chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, khi người ta coi rằng vào bệnh viện chỉ cần đưa cho chúng tôi vài đồng bạc lẻ thì sẽ mua chuộc được nhân viên y tế. Đó là một điều bất nhẫn đối với người bệnh và với cả nhân viên y tế. Đây chính là điều thiệt thòi đối với người bệnh và tôi coi rằng nó ảnh hưởng tới y đức.”
Với thu nhập của các y bác sĩ hiện nay không đủ sống, thì việc nhận phong bì nhằm để đảm bảo cuộc sống của gia đình họ là điều bắt buộc. Bác sĩ Bính công tác tại một bệnh viện tại Hà nội bày tỏ:
“Không nhận phong bì thì bác sĩ rất khó sống, tôi biết có nhiều người vì không nhận phong bì đã phải bỏ nghề hay làm nghề khác. Hoặc vừa làm nghề mà vẫn phải làm gia sư, làm bệnh viện tư bên ngoài, thậm chí làm cả lao động phổ thông bên ngoài để có thu nhập đủ sống cho gia đình.”
Ông Bính kêu gọi sự cảm thông của xã hội, vì việc có hay không có phong bì cũng không hề ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh của các y bác sĩ:
“Xã hội và mọi người cũng cần hiểu và thông cảm đối với chúng tôi, vì chúng tôi cũng phải chịu rất nhiều áp lực. Chuyện nhận phong bì có chăng thì nó chỉ ảnh hưởng đến thái độ của bác sĩ, còn về mặt chuyên môn thì tôi nghĩ rằng không có bác sĩ nào vì không có phong bì thì khi mổ chỉ cắt một nửa cả.”
Khi được hỏi, nhà nước cần có giải pháp gì để giải quyết tình trạng người bệnh phải đưa phong bì lót tay cho các y bác sĩ?
Thang lương của ngành y quá thấp, mỗi tháng chỉ khoảng 3-4 triệu đồng so với khối lượng công việc quá lớn, lại thêm trách nhiệm, áp lực tâm lý đó là những điều vô cùng bất hợp lý, đó là nguyên nhân chủ yếu. Bác sĩ Nguyễn Hòa khẳng định:
“Tôi nói thẳng cũng có người nghĩ không tốt, nhất là khi đã thương trường hóa ngành y tế rồi thì khó có thể phân biệt người thầy thuốc chạy theo đồng tiền và người thầy thuốc không chạy theo đồng tiền. Theo tôi chủ trương hiện nay đã đi lệch và không đúng. Hơn nữa ngành y có mức lương thấp, có lẽ chỉ hơn nông nghiệp. Học rất nhiều mà lương thì rất thấp, tôi không hiểu sao lại như vậy?”
Bên cạnh vấn đề quá tải của bệnh viện công, với mỗi giường bệnh có 2-3 bệnh nhân, thì việc người nhà bệnh nhân luôn phải có các phong bì để lót tay khi khám chữa bệnh là điều có thật trong các bệnh viện ở Việt Nam. Phải chăng đây là do sự thiếu quan tâm của nhà nước trong việc đầu tư ngân sách thỏa đáng cho lĩnh vực y tế? Nhiều người nêu vấn đề tại sao ở các bệnh viện của tư nhân hay của nước ngoài ở Việt Nam thì hoàn toàn không có hiện tượng đưa phong bì cho bác sĩ và nhân viên bệnh viện. Đó có lẽ là câu trả lời rõ ràng nhất.

No comments:

Post a Comment