Tàu tuần duyên cao tốc loại Defiant 75 được Mỹ cung cấp cho Cảnh sát Biển Việt Nam. Trong hình là tàu trang bị để chữa cháy.(Hình: Internet)
Theo tin báo địa phương The Advocate ở Baton Rouge, thủ phủ tiểu bang Louisiana, thuật lời ông Greg Lambrecht, phó chủ tịch công ty đóng tàu Metal Shark, thì công ty của ông hiện đang ở trong giai đoạn thương thảo hợp đồng và hy vọng sẽ khởi công đóng tàu tuần cho Việt Nam từ Tháng Bảy.
Trong cuộc trò chuyện với nhà báo, ông Lambrecht không cho biết công ty của ông sẽ đóng bao nhiêu tàu cho Việt Nam và trị giá của gói hợp đồng là bao nhiêu, mỗi tàu giá bao nhiêu.
Công ty Metal Shark có cơ sở tại thành phố Jeanerette với diện tích nhỏ chỉ có thể đóng những tàu rất nhỏ. Từ đầu năm ngoái, công ty đã mua thêm một cơ sở rộng 25 ha sát bờ sông thuộc thành phố Franklin (cách Jeanerette khoảng 19 dặm) trong kế hoạch mở rộng sản xuất và đóng các loại tàu cỡ lớn hơn. Theo nguồn tin trên, tàu tuần duyên loại Defiant 75 sẽ được đóng tại đây cho Việt Nam.
Tàu loại Defiant 75 vỏ nhôm, chiều dài 22.86 mét là loại tàu cỡ nhỏ. Nó được thiết kế và trang bị cho nhiều nhiệm vụ khác nhau tùy nhu cầu từ chữa cháy trên biển, dẫn đường, tuần tra hay các nhiệm vụ khác. Nhờ chiều ngang rộng 6.4 mét, con tàu khá vững khi có thể chạy nhanh tới hơn 40 hải lý/giờ.
Một người thợ đang làm việc trên sườn nhôm của chiếc tàu cỡ nhỏ tại cơ sở của công ty Metal Shark ở Jeanerette, tiểu bang Louisiana. (Hình: Advocate)
Ngày đầu Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, khi đến Hà Nội, lập lại lời loan báo hai năm trước của Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry, là cung cấp cho Việt Nam 18 triệu USD để mua một số tàu tuần cao tốc. Trước đây, người ta không biết đó là những tàu loại nào, lớn nhỏ ra sao, nay thì thấy lộ thêm những chi tiết cụ thể hơn.
Báo chí tại Việt Nam cũng bàn tới bàn lui về một số mẫu tàu tuần cỡ lớn hơn mà công ty Metal Shark thỏa hiệp mua mẫu vẽ và có thể một số trang bị của công ty Damen bên Hòa Lan để đóng cách loại tàu tuần cao tốc như Defiant 165 (dài 50 mét), Defiant 140 (dài 43 mét) và Defiant 100 (dài 31 mét).
Nay thì thấy nhiều phần các tàu Mỹ cung cấp cho Việt Nam là loại nhỏ hơn nữa.
Greg Lambrecht, Phó chủ tịch công ty Metal Shark Aluminum Boats, nói chuyện về hệ thống điện dùng trong các tàu chế tạo tại công ty này ở thành phố Jeanerette. (Hình: Advocate)
Thiếu tá Lý V. Thắng, một sĩ quan Lục quân Mỹ, Trưởng Văn phòng Hợp tác quốc phòng Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tiếp xúc với báo chí hôm Thứ Sáu 6/3/2015 thông báo về các sự kiện sẽ được hai chính phủ cùng thực hiện trong tháng này để “nêu bật các mối quan hệ an ninh song phương đang ngày càng phát triển giữa hai nước” theo bản tin tờ Lao Động.
Theo lời ông Thắng cho hay dịp đó, một số sĩ quan Cảnh sát biển của Việt Nam đang được huấn luyện tại Mỹ để học cả sử dụng cũng như bảo dưỡng “các xuồng cao tốc”. Những sĩ quan vừa nói khi về Việt Nam sẽ huấn luyện lại cho các người khác.
Theo nguồn tin trên thuật lời ông Thắng, không những huấn luyện sử dụng và bảo trì, phía Hoa Kỳ còn trao thêm các phụ tùng và các trang thiết bị thay thế và giúp Việt Nam lập xưởng sửa chữa theo một chương trình yểm trợ “trọn gói” lâu dài. (TN)
06-08-2015 2:51:58 PM
No comments:
Post a Comment