Wednesday, June 10, 2015

Trung Quốc sẽ không ngưng làm đảo nhân tạo

 WASHINGTON (NV) - Các đảo nhân tạo đang trên đường xây dựng các cơ sở quân sự của Trung Quốc trên trên Biển Đông vẫn tiếp diễn chứ không dừng lại theo lời kêu gọi của Hoa Kỳ.


Bãi đá ngầm Gạc Ma (Johnson South Reef) mà Trung Quốc cướp của Việt Nam năm 1988 nay đã trở thành đảo nhân tạo khổng lồ với các cơ sở quân sự, cảng biển. (Hình: CSIS)

Diễn đàn thông tin Washington Free Beacon cho hay như vậy hôm Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015 dựa theo một bản phúc trình nội bộ của Hội Đồng Cố Vấn An Ninh Hải Ngoại (Overseas Security Advisory Council, gọi tắt là OSAC) gửi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

“Bắc Kinh sẽ tiếp tục phát triển các khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông.” Bản phúc trình của OSAC viết. “Khác với các tàu đánh cá hay các tàu tuần tiễu (có thể đến rồi đi), các đầu tư vào cơ sở hạ tầng chẳng hạn như làm đảo nhân tạo và xây dựng các phi đạo và hải đăng, báo hiệu một sự hiện diện thường trực hơn.”

Bản phúc trình kết luận rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa ở vùng biển này bất chấp lời kêu gọi của Bộ Trưởng Quốc Phòng Ash Carter hồi cuối tuần trước.

Ông Carter, qua các bài phát biểu tại nhiều nơi khác nhau, đã lên án các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông là vượt lên trên các thông lệ quốc tế và gây mất ổn định ở khu vực. Ông cũng đòi hỏi Bắc Kinh phải chấm dứt các hành động đang diễn ra, mà tới nay, họ đã biến 7 bãi đá ngầm thành 7 đảo nhân tạo cỡ lớn trên Biển Đông gộp chung diện tích lên đến 2,000 ha.

Các cơ sở gồm doanh trại, dinh thự nhiều tầng, phi trường, rồi đây các loại võ khí và trang bị từ radar, hệ thống truyền tin viễn thông, sẽ được Bắc Kinh mang tới đó, đe dọa an ninh trên toàn khu vực Biển Đông. Phi cơ tuần tra của Hoa Kỳ hồi tháng trước từng thấy hai hệ thống súng lớn đặt trên các xe bánh xích tự hành xuất hiện trên một hòn đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng tại Trường Sa.

“Hoa Kỳ chống việc quân sự hóa và sự gây mất ổn định trên Biển Đông.” Bộ Trưởng Ash Carter tuyên bố như vậy khi đến Hà Nội ngày 1 tháng 6, 2015 vừa qua. Tại đây ông cũng kêu gọi “dừng vĩnh viễn các hành động làm đảo nhân tạo và quân sự hóa” trên Biển Đông.

Dịp này, ông lập lại những lời tuyên bố trước đó rằng phi cơ và tàu chiến của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra các vùng của Biển Đông, những nơi mà luật lệ quốc tế cho phép, bất chấp những đòi hỏi của Bắc Kinh.

Ngày 20 tháng 5, 2015, máy bay tuần tra biển P-8 Poseidon của Hoa Kỳ khi bay trên vùng biển Trường Sa đã bị viên chức đài kiểm soát không lưu của Trung Quốc yêu cầu phải rời khỏi khu vực. Tuy nhiên ông Carter nói rằng, “Bất cứ hành động của ai cũng không làm thay đổi cách hành sử của Hoa Kỳ.”

Bản phúc trình của OSAC nhận định rằng chiến tranh giữa Trung Quốc và các nước tranh chấp tại khu vực nhiều phần sẽ không xảy ra. Tuy nhiên OSAC khuyến cáo rằng những nguy hiểm mức độ thấp cũng có thể dẫn đến các cuộc xung đột hay biến cố quân sự.

Bản đánh giá về các tranh chấp trên Biển Đông nói trên nằm trong một phúc trình nội bộ được Sở An Ninh Ngoại Giao của Bộ Ngoại Giao soạn thảo hầu giúp các công ty Hoa Kỳ hoạt động ở khu vực nắm bắt tình hình.

Nói rõ hơn, bản phúc trình nhằm giúp các công ty Hoa Kỳ đang hoạt động ở khu vực đối phó với các tác động từ các tranh chấp trên Biển Đông ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ, nếu chẳng may các căng thẳng leo thang.

Sự nguy hiểm chính yếu tóm tắt trong bản phúc trình được mô tả như một thứ “đối đầu bất ngờ” hoặc tính toán quân sự lầm lẫn có thể trở thành “một điểm nóng tiềm ẩn có thể dẫn đến leo thang căng thẳng hay xung đột.”

Bản phúc trình viết rằng, “Lịch sử đã chứng tỏ rằng sau một loạt những lời tuyên truyền và đe dọa, các cái đầu bình tĩnh hơn thường chiếm ưu thế. Trong bất cứ trường hợp nào, một biến cố nhiều phần có tác động lớn hơn đối với các mối quan hệ giữa các lực lượng quân sự hơn là đối với khu vực tư nhân.”

Bản phúc trình cho rằng một cuộc chiến trên biển nhiều phần sẽ không xảy ra vì không một nước nào trong số những nước tranh chấp hoặc cuộc xung đột kéo dài.

OSAC là một cơ quan được thành lập từ năm 1985 theo đạo luật “The Federal Advisory Committtee Act” với nhu cầu cổ động sự hợp tác về an ninh giữa khu vực tư nhân Hoa Kỳ hoạt động trên thế giới và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. (TN)
06-10-2015 7:03:27 PM


No comments:

Post a Comment