Wednesday, June 10, 2015

Nỗi khổ của dân miền núi Thanh Hóa

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-06-08
Những loại xe ngựa thồ vẫn còn xuất hiện trên đường phố ở Thanh Hóa

Những loại xe ngựa thồ vẫn còn xuất hiện trên đường phố ở Thanh Hóa- RFA
Với người dân miền núi Thanh Hóa, nỗi ám ảnh mất mùa bởi nắng hạn, cái đói giáp hạt, đi tìm việc làm bị chê vì là dân Thanh Hóa và bị nhiều khoản thuế chồng chất luôn hiện hữu trong từng bữa ăn, từng gương mặt thảm não và từng đám ruộng khô khốc, manh mún của người nông dân. Từ Ngọc Lặc đến Quan Hóa, Thường Xuân, Như Xuân… Đi đâu cũng gặp những con đường nhựa chảy thành nước, nắng hốc ruộng đồng và những cánh rừng luồng, nứa mát rượi nhưng sự hiện hữu của nó cũng thách thức nỗi đói khổ của người dân như bao sự hiện hữu xa hoa, giàu có khác.
Giới quan lại địa phương ăn bẩn
Một người dân ở Thường Xuân, Thanh Hóa, tên Xuân, buồn bã chia sẻ: “Nói chung thì cuộc sống của họ phụ thuộc vô khoai sắn hoặc mùa này người Kinh lên đầu tư, mía, cà phê hoặc những cây ăn quả thì họ làm theo, cuộc sống của họ rất thuần túy, đơn thuần không có đột phá, thu nhập không cao. Bữa ăn của họ giản dị, bình thường, nhưng có một nhóm người Kinh lên đó thì cuộc sống của họ (người Kinh) cao. Còn đồng bào thì tự cung tự cấp tự nuôi con heo con gà con vịt, trồng ngô khoai sắn để ăn, trừ cuối tuần hoặc dịp lễ hội gì lớn thì họ xuống xuôi mang theo con lợn để đổi thứ mình cần.”
Theo ông Xuân, vấn đề nặng nề nhất khiến cho đời sống của người dân miền núi Thanh Hóa trở nên ngột ngạt và thiếu hụt chính là sự không tử tế của các cơ quan cầm quyền địa phương. Nếu họ tử tế thì đời sống người miền núi không đến nỗi khốn đốn như hiện tại. Tài nguyên rừng bị khai thác triệt để, khánh tận, cán bộ cấp nhỏ thì vơ vét của dân theo cách của kẻ nhỏ, ăn chặn từng phần cứu trợ của nhân dân một cách bẩn thỉu.
Đơn cử vài ví dụ, ông Xuân nói rằng hiện tại, chỉ riêng việc khai thác các loại gỗ lim, sến trong rừng già và đào gốc lim để làm các bộ bàn ghế của giới có quyền thế ở Thanh Hóa đã khiến cho các khoản rừng trở nên trơ trọi, mất sức sống. Bởi vì với các loại lim, gụ, sến.. rừng phải tốn hàng trăm năm nuôi dưỡng cây trưởng thành, và khi cây trưởng thành, mọi khoản đất chung quanh đều không có những cây lớn tương đương bởi cây đã chiếm hết ánh sáng và dinh dưỡng tỉ lệ với bóng mát nó phủ xuống. Một khi cây ngã xuống, sẽ hiện ra một khoản rừng trơ trọi.
Bán rau rừng đổi gạo
Bán rau rừng đổi gạo
Và đây cũng là nguyên nhân của nắng nóng, sạt lở núi, những đám ruộng bậc thang bị tàn phá do thiếu nước mùa nắng nhưng lại bị đất sạt làm hư hỏng bờ quai vào mùa mưa. Và những đám ruộng bậc thang vốn dĩ thiếu nước, khô khốc, khó sản xuất lại càng gặp nhiều khó khăn khi bàn tay con người tác động vào, biến nó trở nên méo mó, dị dạng.
Đó chỉ là một phần nguyên nhân, sự thiếu tử tế của quan chức cầm quyền địa phương vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến đời sống bà con miền núi bi thảm. Bởi đa phần bà con miền núi nghèo khổ, chật vật lại thiếu ăn học nên mọi vấn đề thủ tục sẽ rất lủng củng, khó khăn, nhiều khi không đủ chữ để đọc và hiểu một văn bản.
Lợi dụng điểm yếu này, giới cán bộ địa phương thường làm những bộ hồ sơ khống để xin cứu trợ từ cơ quan bên trên, và khi các món hàng cứu trợ về đến ủy ban xã, họ tiếp tục làm các biên bản khống, mượn tên người dân nghèo để phát quà. Họ vẫn gọi bà con đến nhận quà, mời bà con ký vào biên bản và bà con cứ nghe có quà thì mừng mở cờ trong bụng, ký vào để được nhận. Trong khi đó, số quà trên biên bản có thể là mười con dê, thậm chí vài chục con dê nhưng khi nhận thì hai, ba gia đình được nhận chung một con dê để tự chia nhau mà nuôi.
Chuyện cứu trợ gạo ngày giáp hạt, mùa thiên tai hoặc những gói tiền hỗi trợ bà con nông dân làm vốn vượt nghèo, vượt khó đều bị giới cán bộ địa phương đục đẽo bằng mọi giá. Ví dụ như gói tiền hỗ trợ cho bà con dân tộc Thái Trắng ở Ngọc Lặc với mỗi sào đất được hơn mười triệu đồng nhằm cải tạo đất và trồng cây chiến lược.
Thay vì giao gói tiền và hướng dẫn kĩ thuật canh tác cho bà con, cán bộ địa phương đã ôm trọn gói tiền này, sau đó cho máy cày xuống cày đất của bà con và trồng sắn (tức khoai mì) lên đó, trồng xong thì bỏ mặc, bà con phải làm cỏ, bón phân, tát nước. Đến cuối mùa, mỗi sào ruộng sắn thu hoạch chưa được một triệu đồng. Như vậy, khoản tiền hơn chín triệu đồng còn lại đã bay hơi thông qua “dự án” thuê xe máy cày vỡ đất của cán bộ địa phương.
Nguồn nước không có, nước sinh hoạt dơ dáy là tình trạng chung của người dân miền núi
Nguồn nước không có, nước sinh hoạt dơ dáy là tình trạng chung của người dân miền núi
Ông Xuân lắc đầu thở dài, đưa ra kết luận là với cái đà ăn bẩn, tham lam vô độ, thiếu hẳn tình người của giới cán bộ địa phương như vậy, đời sống bà con dân tộc miền núi sẽ còn khổ dài dài, và nỗi khổ của bà con sẽ là cái cớ để các quan tham đục khoét, xin xỏ ngân sách nhà nước mà tư túi, mập mạp, láng béo ra. Sự nghèo khổ trở thành cái cớ để giới quan lại địa phương ăn sung mặc sướng.
Bộ máy cầm quyền nặng nề
Một người dân Thái Trắng tên Phồn, ở Như Xuân, chia sẻ thêm: “Xa nhà y tế, dễ gì mà đến trạm y tế để sinh đẻ, ra suối để đẻ, sống thì sống chết thì chết. Học thì có mấy trường, dễ chi, cũng có mấy người dưới quê lên dạy, đi học thì phải đến tận từng nhà… Kinh tế thì khó khăn, mấy đứa được thì nhà cho về dưới xuôi học. Mình đi rừng, trồng sắn, đi măng…!”.
Ông Phồn tỏ ra tiếc nuối thời hợp tác xã bao cấp. Vì dù sao đi nữa, thời hợp tác xã bao cấp cũng dễ thở hơn thời bây giờ. Bởi lẽ, thời đó tuy vẫn có tham nhũng, gian lận, biển thủ công quĩ nhà nước nhưng mức độ không tàn bạo như bây giờ và số lượng cán bộ cấp xã cũng không nhiều như bây giờ.
Chính vì số lượng cán bộ cấp xã ở dạng chính thức và bán chính thức cũng như cộng tác viên quá nhiều đã khiến cho hệ thống cơ quan quyền lực cấp xã trở thành một loại khủng long ăn tạp. Nó có thể nuốt ngấu nghiến bất cứ thứ gì giúp cái bụng đói của nó được yên ổn. Từ việc các cán bộ xã xuống đồng ruộng đánh thuế trực tiếp vào hạt lúa của bà con nông dân bằng cách xúc lúa bỏ bao, cân theo biên bản và chừa lại số lúa “thừa” để bà con mang về ăn. Và kiểu đánh thuế như vậy sẽ khiến nhiều gia đình làm nông thiếu lúa ăn từ mùa này sang mùa khác, không có lối thoát.
Ông Phồn nói thêm rằng thời bao cấp, tuy rằng cửa quyền, hách dịch không ít nhưng chưa đến nỗi bóc lột trắng trợn như bây giờ. Trong khi đó, tuy bộ máy cầm quyền địa phương nhiều nhung nhúc nhưng khi cần ký đấm một hồ sơ, giấy tờ gì, người dân rất khổ sở, phải vác đơn lên ủy ban xã chầu chực cả ngày, có khi đến cuối buổi làm việc hoặc cuối ngày mới được cán bộ xác nhận, đóng dấu bởi họ bận việc khác bên ngoài, không ngoại trừ việc họ tiếp khách, nhậu nhẹt. Và cũng đương nhiên khoản nhậu nhẹt này cũng được thanh toán bằng hóa đơn đỏ, trích ngân sách xã để chi trả!
Với một hệ thống cầm quyền địa phương như vậy, cộng với thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt, e rằng đời sống của bà con dân tộc thiểu số miền núi ở đây sẽ còn khổ triền miên, không có hy vọng gì! Trong khi đó, không hiểu tự bao giờ, người dân Thanh Hóa rất khó khăn khi đi xin việc làm ở những vùng khác, khi nhìn lý lịch, biết là người Thanh Hóa thì bên nhận đơn loại ngay tức khắc. Phải chăng bộ máy cầm quyền đồ sộ với lối ăn bẩn vô tội vạ của họ đã gây phương hại không nhỏ đến tư cách người Thanh Hóa trong xã hội?!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment