Friday, January 2, 2015

5 phụ nữ bị đối xử như nô lệ ở Saudi Arabia về đến Việt Nam

HÀ NỘI (NV) - Năm phụ nữ Việt Nam được một công ty xuất cảng lao động gửi sang Saudi Arabia giúp việc nhà nhưng bị đối xử như nô lệ đã về đến phi trường Nội Bài, Hà Nội hôm 31 tháng 12. 


Một trong năm phụ nữ vừa trở về từ Saudi Arabia. (Hình: Lao Động)

Tại Saudi Arabia, những phụ nữ này bị chủ nhà buộc làm việc từ 17 đến 20 giờ một ngày. Có nơi, chủ nhà hạn chế cho ăn, kiểm soát thùng rác rồi buộc họ phải ăn lại những thực phẩm lấy ra từ thùng rác mà chủ nhà cho rằng, người giúp việc “có thể ăn được.” Khi chủ nhà không vừa ý, có người bị chủ nhà đổ acid loãng vào tay, có người bị chủ nhà dùng quẹt dọa đốt mặt, bị chủ bốc cát, sỏi nhét vào miệng và...quỵt lương.

Khi họ tìm cách liên lạc với công ty xuất cảng lao động đề nghị đưa họ quay về, công ty này yêu cầu họ phải nộp hàng chục triệu để bồi thường bởi muốn “đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.”

Sau đó, một người trong số năm phụ nữ này gửi lời kêu cứu lên Facebook, tờ Lao Động đã liên lạc để lấy thêm thông tin, hình ảnh và thực hiện một loạt phóng sự về chuyện đưa phụ nữ Việt Nam ra ngoại quốc làm “nô lệ.”

Đến lúc đó, Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội của Việt Nam mới yêu cầu công ty xuất cảng lao động phải hỗ trợ họ hồi hương.

Hồi giữa tháng 12 năm ngoái, tờ Lao Động cho biết, trong 11 tháng của năm 2014, Cục Quản lý lao động ngoài nước của Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội và Đại Sứ Quán Việt Nam tại Saudi Arabia nhận được hơn 40 thư của những người Việt đang làm thuê tại Saudi Arabia, hai phần ba số thư là của phụ nữ được gửi sang Saudi Arabia giúp việc nhà.

Những thư này đều tố cáo họ đang bị buộc làm những công việc không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng, bị buộc làm việc quá sức, quá mức. Khi đau ốm, không được chăm sóc, nghỉ ngơi...nên đòi đưa họ hồi hương. Một số tố cáo cho biết, ngoài việc đã thu những khoản phí lien quan đến môi giới, mỗi tháng, các công ty xuất cảng lao động còn thu thêm 30% tiền lương của họ.

Thảm trạng vừa kể thật ra không mới và nó đã từng được các tổ chức quốc tế hoạt động cho nhân quyền, cũng như nhiều cơ quan truyền thông quốc tế cảnh báo từ lâu. Trong đó mạnh mẽ nhất là American Thinker, một tờ báo điện tử chuyên giới thiệu những bài bình luận về các vấn đề được xem là quan trọng với Hoa Kỳ. Hồi tháng 4 năm 2013, Amerian Thinker đăng bài “Communist Vietnam - Human Trafficker Extraordinaire” của Michael Benge, trực tiếp cáo buộc chính quyền Việt Nam chủ trương buôn người.

Lúc đó, ông Benge cho biết, trong khi Bộ Công An Việt Nam loan báo, từ 2004 đến 2009, có 2,935 người Việt Nam trở thành nạn nhân của nạn buôn người thì các tổ chức quốc tế cho rằng, số người Việt là nạn nhân của tệ nạn buôn người từ năm 1990 đến 2013 phải trên 400,000 người.

Ông Benge tin rằng, số liệu của các tổ chức quốc tế dù lớn nhưng chưa đầy đủ vì chưa tính tới hàng chục ngàn vụ lạm dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất cảng lao động.

Sau năm 1975, Việt Nam đã từng gửi hàng trăm ngàn người đi làm thuê tại Liên Xô và các quốc gia cộng sản ở Đông Âu để trừ các khoản đã vay trong chiến tranh. Từ chỗ đưa người ra ngoại quốc làm thuê, tổ chức bán sức lao động của họ để kiếm ngoại tệ, chính quyền Việt Nam tiến thêm một bước trong lĩnh vực buôn người, góp sức trong việc mua bán phụ nữ và trẻ em làm nô lệ tình dục.

Ông Benge xem các cuộc hôn nhân không có tình yêu giữa những phụ nữ Việt Nam nghèo khó với những người đàn ông ở các quốc gia có mức sống cao hơn là một hình thức bóc lột và Việt Nam trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho hoạt động bóc lột tình dục. Đối tượng kế tiếp trở thành nạn nhân là trẻ em.

Phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị bóc lột tình dục ở khắp nơi: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Mã Lai, Đài Loan, Macao, Trung Đông, Châu Âu. Phụ nữ Việt Nam được thuê để đẻ mướn, được khuyến dụ sinh con để bán cho người nước ngoài cần con nuôi.

Ông Benge nhắc lại vụ bảy cô gái bị lừa sang Nga rồi bị ép làm gái mại dâm. Với sự giúp đỡ của ông Nguyễn Đông Triều, một tham tán trong Đại Sứ Quán Việt Nam tại Nga, tú bà Thúy An - kẻ thủ ác, vẫn bình an vô sự.

Tuy có sự hỗ trợ tích cực từ Boat People SOS, Coalition to Abolish Modern-Day Slavery in Asia, Quốc Hội Hoa Kỳ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhưng để được phóng thích, các nạn nhân vẫn phải viết thư...xin lỗi tú bà vì đã...vu khống bà ta mua bán nô lệ tình dục và...cám ơn các viên chức ngoại giao Việt Nam tại Nga đã...giúp đỡ họ hồi hương.

Michael Benge nhận định, chính quyền Việt Nam đã học hỏi Tito - kẻ từng lãnh đạo chính quyền cộng sản ở Nam Tư, xem việc đưa người ra ngoại quốc làm thuê là để giảm bớt những bất ổn đang âm ỉ bên trong và tăng nguồn thu ngoại tệ. Nhờ vậy, lượng kiều hối mà Việt Nam nhận được tăng đều đặn và nay đã vượt mức hang chục tỷ Mỹ kim mỗi năm.

Ông Benge khẳng định chính quyền Việt Nam chủ trương buôn người qua hoạt động của các công ty xuất cảng lao động.

Các công ty này thường có nguồn gốc phức tạp, thường xuyên lừa gạt người nghèo bằng những hợp đồng hấp dẫn (lương cao, điều kiện làm việc lý tưởng).

Có những người nghèo phải trả hang chục ngàn Mỹ kim cho cái gọi là phí nộp đơn. Vì nghèo, họ được khuyến khích thế chấp tài sản để vay tiền ngân hàng thanh toán các loại chi phí. Khi ra đến ngoại quốc, họ bị thu hộ chiếu, bị ép ký những hợp đồng khác hẳn những gì đã được hứa hẹn, phải làm việc nhiều hơn, điều kiện làm việc tồi tệ hơn, chưa kể hàng tháng còn phải nộp một khoản nhất định cho công ty xuất cảng lao động...Vì vậy, người nghèo đi làm thuê ở ngoại quốc ngập trong nợ, lệ thuộc vì nợ, gia đình của họ tại Việt Nam thì mất hết tài sản.

Ông Benge khẳng định, các công ty xuất cảng lao động đã liên kết với các ngân hàng và các viên chức chính quyền. (G.Đ)

01-02-2015 2:46:38 PM

No comments:

Post a Comment