Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, viết từ Hà Nội
Theo RFA-2015-12-11
Nhà xuất bản Trí Thức đã bày bán những cuốn sách về dân chủ Mỹ từ tháng 8/2010. AFP photo
Công cuộc đấu tranh dân chủ của nhân dân Việt Nam và phong trào dân chủ Việt Nam đã trải qua 40 năm với rất nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau. Nhưng dù thời kỳ nào, giai đoạn nào thì cố gắng về việc xây dựng, thành lập tổ chức đều là những ưu tiên, trăn trở của các thế hệ dấn thân. Đến hôm nay nhìn lại, chúng ta nhận thấy có một số đặc trưng liên quan tới vấn đề tổ chức. Trước hết, đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người đấu tranh dân chủ qua các thời kỳ, liên tục có những tổ chức, hoặc những dự án, kế hoạch thành lập tổ chức. Thứ hai, hầu như tất cả những nỗ lực hình thành, xây dựng tổ chức đều bị nhà cầm quyền ngăn chặn, đánh phá và xóa bỏ (trừ một số tổ chức xã hội dân sự mới thành lập vài năm gần đây). Thứ ba, trong hơn 40 năm qua, phong trào dân chủ Việt Nam chưa xây dựng được một tổ chức đúng nghĩa, có trụ sở, có ban lãnh đạo và các thành viên, tồn tại công khai và hoạt động bình thường. Câu hỏi đặt ra là, tại sao với bao nhiêu cố gắng, nỗ lực của những người đấu tranh dân chủ mấy chục năm qua, chúng ta lại chưa có được một tổ chức đúng nghĩa trên lãnh thổ Việt Nam?
Cần xác quyết một điều, hầu như tất cả những người tham gia đấu tranh dân chủ đều có những nhận thức chung, đúng đắn rằng đấu tranh có tổ chức bao giờ cũng cần thiết và hiệu quả hơn khi chưa hoặc không có tổ chức. Họ cũng chia sẻ kinh nghiệm, việc lập tổ chức trong lòng chế độ cộng sản là rất khó khăn. Nhưng nếu chỉ có hai vấn đề này, chúng ta cũng chưa thể giải thích được lý do tại sao trong hơn 40 năm qua, phong trào dân chủ vẫn chưa lập được một tổ chức đúng nghĩa, cùng với việc, những người nhen nhóm hoặc lập tổ chức đều bị đàn áp hết sức nặng nề, dã man.
Phải có một cách giải thích khác mới có thể lý giải nổi những cố gắng bền bỉ, không biết mệt mỏi của bao thế hệ đấu tranh nhưng cuối cùng không tới được điều mà bao người mong đợi: có được một tổ chức công khai, độc lập của người dân hoạt động đúng nghĩa. Có rất nhiều nguyên nhân có thể lý giải cho việc này, nhưng cá nhân tôi cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất mà phong trào dân chủ Việt Nam chưa có được tổ chức công khai, độc lập và đúng nghĩa trong lòng chế độ cộng sản Việt Nam là: những người có dự định, có kế hoạch, hoặc đã bắt tay vào thành lập tổ chức đã không xác định được đúng ý nghĩa của việc lập tổ chức công khai trong lòng chế độ cộng sản.
Họ chỉ xác định, việc lập tổ chức là yêu cầu tất yếu để hoạt động dân chủ có hiệu quả, trong khi ý nghĩa đích thực của việc lập tổ chức công khai (mà nhà cầm quyền Việt Nam luôn quán triệt) đó là giải pháp thay đổi chế độ. Đây là điều mà rất ít người thấu hiểu khi bắt tay thành lập tổ chức ở Việt Nam. Khi mà phong trào dân chủ Việt Nam dự tính và thực hiện việc lập tổ chức chỉ với ý nghĩa để phong trào hoạt động hiệu quả hơn, trong khi nhà cầm quyền Việt Nam luôn xác định (và tìm cách đàn áp, xóa bỏ) việc lập tổ chức công khai là giải pháp thay đổi chế độ thì phong trào dân chủ không thể thực hiện được mục tiêu của mình là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tại sao một tổ chức công khai, độc lập của người dân hoạt động bình thường (có trụ sở, có ban lãnh đạo và thành viên, giao dịch và hoạt động bình thường như những tổ chức khác) lại là giải pháp thay đổi chế độ?
Chúng ta đã có Công Đoàn Đoàn Kết của Ba-Lan để đối chứng. Nhưng rất nhiều người vẫn chưa hiểu được tại sao Công Đoàn Đoàn Kết của Ba-lan, hay một tổ chức công khai, độc lập trong lòng chế độ cộng sản lại dẫn tới sự thay đổi chế độ. Lý do là, khi đã có một tổ chức công khai, độc lập của người dân, thì những người trong tổ chức đó được hoạt động công khai, tuy bị đánh phá nhưng tổ chức đó không bị xóa sổ. So với khi chưa có tổ chức công khai, những người hoạt động dân chủ, đối lập bị bắt, bị tù đày, bị đánh đập và sách nhiễu thì sự đàn áp 10 phần đã giảm đi chỉ còn 1 phần. Điều này đã dẫn tới việc khuyến khích sự tham gia của người dân vào tổ chức, bởi vì người dân sống trong chế độ cộng sản, đã hiểu rõ và bất mãn sẵn, họ cũng nhận thức được lý tưởng tự do dân chủ nhưng họ không có đủ can đảm để chấp nhận hi sinh, dấn thân như những người đấu tranh dân chủ trước đó, họ không chịu được tù đày, đàn áp và sách nhiễu.
Nhưng khi sự đàn áp 10 phần giảm xuống còn 1 phần (khi đã có tổ chức) thì họ sẵn sàng tham gia vào tổ chức, tức là tham gia vào hoạt động đấu tranh dân chủ. Việc người dân tham gia vào tổ chức công khai, độc lập đó sẽ nhanh chóng bùng nổ về số lượng. Ban đầu là 5-10 người của tổ chức, sau đó sẽ nhanh chóng tăng lên 50-100 người, và chỉ trong thời gian ngắn sẽ lên tới hàng ngàn người...nếu không có sự đàn áp triệt để, dã man của nhà cầm quyền nhằm xóa sổ tổ chức, thì chỉ trong vòng vài ba tháng, số lượng người tham gia sẽ lên tới con số hàng triệu là hoàn toàn bình thường. Như vậy, sự bùng nổ về số người tham gia sẽ dẫn tới sự thay đổi trong tương quan lực lượng.
Và từ sự thay đổi, lượng biến thành chất sẽ dẫn tới việc nhà cầm quyền phải từng bước nhượng bộ những yêu sách hoàn toàn chính đáng của tổ chức đối lập công khai. Cứ thế, quá trình thay đổi chế độ sẽ diễn ra mà không thể đảo ngược được. Lô-gic ở đây là: khi có tổ chức công khai, sự đàn áp giảm đi rất nhiều (10 phần chỉ còn 1 phần) thì số lượng người tham gia bùng nổ, số người tham gia bùng nổ dẫn tới lượng đổi chất đổi, một khối người 2-3 triệu, hoặc 5-7 triệu sẽ là sức ép khủng khiếp bắt buộc nhà cầm quyền phải thay đổi, phải từ bỏ độc quyền lãnh đạo. Và đó là diễn tiến tất yếu khi xuất hiện một tổ chức đối lập, công khai và đúng nghĩa trong lòng chế độ cộng sản. Khi đã hiểu được, một tổ chức độc lập, công khai và đúng nghĩa hoạt động bình thường trong lòng chế độc cộng sản Việt Nam là giải pháp thay đổi chế độ thì những người thực hiện thành lập tổ chức như vậy cần tập trung vào một vấn đề: làm thế nào để tổ chức đó xuất hiện mà nhà cầm quyền không thể xóa sổ được?
Nhà cầm quyền biết rõ, một tổ chức công khai, độc lập của người dân hoạt động bình thường là án tử hình đối với chế độ cộng sản, vậy thì điều gì làm họ phải chấp nhận điều này? lô-gic thông thường chỉ ra rằng, một cái chết nhanh hơn, không được lựa chọn sẽ buộc họ phải chấp nhận một tổ chức công khai của đối lập dân chủ, vì vẫn còn sự chủ động và những lựa chọn nhất định. Điều này có nghĩa là, việc tìm ra và tác động vào tử huyệt của chế độ gắn với việc lập tổ chức công khai chính là lời giải cho bài toán dân chủ hóa ở Việt Nam. Đã có người nghĩ ra giải pháp, đó là gắn vấn đề viện trợ nước ngoài cho Việt Nam vào việc hình thành một tổ chức công khai, độc lập. Nhưng phong trào dân chủ Việt Nam đã không tận dụng được dự án đó, chúng ta đã thực sự bỏ lỡ một giải pháp khả thi theo lô-gic được trình bày trong bài viết này.
Trong vài ba năm trở lại đây, phong trào dân chủ đã thành lập được một số tổ chức xã hội dân sự, nhưng những tổ chức này không phải là tổ chức đúng nghĩa, có trụ sở, có ban lãnh đạo và thành viên hoạt động bình thường nên ý nghĩa và vai trò của các tổ chức xã hội dân sự chỉ giới hạn trong việc khai thông dân trí, kết nối những người đấu tranh với nhau và với người dân. Bởi vì việc tổ chức và liên lạc thực hiện trên hệ thống Internet là chủ yếu, và vẫn đang bị đàn áp nặng nề nên những tổ chức này không tạo ra được sự bùng nổ về số người tham gia, và không tạo ra được bước ngoặt cho phong trào dân chủ.
Hà Nội, ngày 11/12/2015
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
No comments:
Post a Comment