Nam Nguyên, phóng viên RFA 2015-12-11
Diễn đàn Đối tác Phát triển tổ chức ngày 5/12 ở Hà Nội. Photo courtesy of World Bank
Yêu cầu về Luật lập hội đứng đầu
Diễn đàn Đối tác Phát triển tổ chức ngày 5/12 ở Hà Nội để lại nhiều nghi vấn về kế hoạch 5 năm tới của Chinh phủ Việt Nam. Hình ảnh bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nổi bật trên các báo mạng, kèm theo những câu hỏi hóc búa dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Điều không ngờ là trong diễn từ bế mạc Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam của bà Victoria Kwa Kwa, đứng hàng đầu khuyến nghị 7 điểm lại là yêu cầu về Luật lập hội. Thời báo Kinh tế Việt Nam có thể là báo điện tử chính thức duy nhất đề cập tới sự kiện này. Tờ báo có bài ‘Luật về Hội sẽ thổi luồng sinh khí mới vào xã hội.’ Theo đó, khi điểm lại một số kiến nghị cụ thể trong phiên bế mạc Diễn đàn Đối tác Phát triển ngày 5/12/2015, nội dung đầu tiên mà Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwa Kwa nhắc đến chính là Luật về Hội. Tờ báo đã trích nguyên văn nội dung thứ nhất trong kiến nghị 7 điểm mà bà Kwa Kwa đúc kết: “ Cần thiết phải soạn thảo và thực hiện một bộ luật có hiệu lực mạnh về hội và hiệp hội. Chính điều đó sẽ giúp thực hiện chương trình nghị sự của Chính phủ.”
Theo VnEconomy, trước đó trong phiên thảo luận các tổ chức phi chính phủ cho rằng, thể chế kinh tế thị trường hiện đại không thể vắng bóng vai trò quản lý vĩ mô của chính phủ, cũng như vai trò thúc đẩy của xã hội dân sự và tinh thần hiệp hội. Vẫn theo tờ báo, các tổ chức phi chính phủ đã kiến nghị cụ thể là Luật về Hội cần đảm bảo tính tự nguyện, tự chủ và tự do trong hoạt động, không bị can thiệp tùy tiện bởi các cơ quan Nhà nước vào điều lệ, lãnh đạo cũng như lĩnh vực hoạt động của hội. Các tổ chức phi chính phủ cũng dẫn Hiến pháp khi bảo vệ quan điểm theo đó, việc thành lập hội không cần xin phép theo thủ tục rườm rà, mà chỉ cần đăng ký với cơ quan Nhà nước. Đồng thời cơ quan Nhà nước cũng không có thẩm quyền phê duyệt điều lệ cũng như lãnh đạo của hội, không giới hạn số hội hoạt động trong cùng một lĩnh vực và hội hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.
Dĩ nhiên một quốc hội trên 95% là đảng viên, thì chắc họ cũng không dễ gì thông qua một luật hội thông thoáng, để cho những người không phải là đảng viên tụ tập với nhau thành lập một hội có sức mạnh của nó. Đó cũng là quy luật tự nhiên thôi.
-LS Trần Quốc Thuận
Người đọc báo ghi nhận, những điểm vừa nêu trong kiến nghị có quan điểm hoàn toàn khác và đi ngược lại nhiều điều khoản căn bản trong Dự thảo Luật về Hội mà Quốc hội thảo luận góp ý, trong những ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 10 hồi tháng 11.
Theo VnEconomy Việt Nam sẽ có một Luật về hội như thế nào, hiện vẫn là câu chuyện ở thì tương lai. Dự kiến tới kỳ họp thứ nhì khoảng tháng 10/2016, Dự án Luật về Hội mới được Quốc hội nhiệm kỳ tới thông qua.
Tương lai các tổ chức xã hội dân sự độc lập sẽ ra sao, nếu như Dự thảo Luật về Hội giữ nguyên những điều khoản trái khoáy, nhằm hạn chế quyền tự do lập hội. Theo TS Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập một tổ chức tự phát, thì nội dung không cho phép thành lập hội mới, trùng lắp về lĩnh vực hoạt động chính là là cản trở quyền tự do lập hội. Từ Saigon, TS Phạm Chí Dũng tiếp lời:
“Nó còn tùy thuộc vào tính cách xin - cho nặng nề như thế nào trong Luật về Hội. Nếu quá nặng nề về điều kiện xin cho, hay các điều kiện khác như đòi hỏi phải có trụ sở, phải đăng ký tên tuổi của tất cả các thành viên, thì không cách nào các tổ chức xã hội dân sự độc lập có thể đăng ký với Nhà nước. Tại vì một số tổ chức xã hội dân sự không thể bảo đảm về trụ sở, thứ hai đòi hỏi phải minh bạch với Nhà nước về tài chính. Chuyện này quá khó theo tôi biết, chắc chắn phía công an chỉ muốn nắm rõ nguồn gốc tài chính của các hội đoàn xã hội dân sự mà thôi. Cho nên việc đăng ký hay không thì còn tùy thuộc vào thái độ thành tâm tới đâu của Nhà nước thông qua Luật về Hội.”
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện sống ở TP.HCM, Việt Nam có thể có những bước chuyển tiếp trong quá trình dân chủ hóa. Riêng Luật về Hội sẽ cởi mở tới đâu hoàn toàn là câu chuyện tương lai. LS Trần Quốc Thuận nhấn mạnh:
“Dĩ nhiên một quốc hội trên 95% là đảng viên, thì chắc họ cũng không dễ gì thông qua một luật hội thông thoáng, để cho những người không phải là đảng viên tụ tập với nhau thành lập một hội có sức mạnh của nó. Đó cũng là quy luật tự nhiên thôi.”
Luật về Hội là nội dung thứ nhất trong kiến nghị 7 điểm mà bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đúc kết khi bế mạc Diễn đàn Đối tác Phát triển cuối ngày 5/12 ở Hà Nội. Theo trang mạng chính thức của Ngân hàng Thế giới thì nội dung thứ hai liên quan tới vấn đề mà người đọc báo hiểu là tư nhân hóa nền kinh tế. Xin trích nguyên văn : “Thoái vốn hoàn toàn khỏi nhiều doanh nghiệp hơn nữa. Chính phủ đã công bố con số là 10 doanh nghiệp. Nếu thực hiện thêm 10, thậm chí 20 doanh nghiệp nữa sẽ thể hiện mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm cải cách của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này.”
Như thế các đối tác phát triển của Việt Nam mong muốn chính phủ Việt Nam đẩy mạnh tốc độ tư nhân hóa nền kinh tế, vì mặc dầu thực hiện cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ số lượng cổ phần chi phối, người Nhà nước nắm Hội đồng Quản trị cũng như điều hành doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Được biết gần đây Chính phủ chỉ đạo rút toàn bộ vốn Nhà nước tại 10 Công ty cổ phần, trong đó nổi bật là Vinamilk một đại gia ngành sữa thành công trong sản xuất kinh doanh. Ước tính chính phủ có thể thu về khoảng 4 tỷ USD theo thời giá tháng 11, khi bán hết tổng số cổ phần ở Vinamilk.
Theo các chuyên gia muốn đi theo thể chế kinh tế thị trường hiện đại thì Việt Nam phải tạo sân chơi bình đẳng đối với mọi thành phần doanh nghiệp. Cách thức Nhà nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa vận hành nền kinh tế khó có thể đáp ứng tiêu chuẩn công khai minh bạch, chấm dứt đặc quyền đặc lợi.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ Hà Nội phát biểu:
“Cho đến nay Doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn đang sử dụng khoảng 50% tổng nguồn vốn của đất nước, kể cả nguồn tín dụng cũng như vốn của khu vực công hay vốn ODA chẳng hạn, họ còn sử dụng một nguồn lực rất lớn và với cách làm ăn thua lỗ, nó có thể lỗ cho doanh nghiệp nhưng tiền có thể chảy về túi của một số ai đó có quyền lực. Rõ ràng những nhóm lợi ích này họ thích một cơ chế mù mờ như hiện nay hơn một cơ chế dứt khoát Doanh nghiệp Nhà nước phải đặt dưới sự giám sát của cả xã hội, phải chấp nhận những điều kiện như là TPP đang đưa ra đối với Doanh nghiệp Nhà nước.”
Việt Nam lấy đâu ra tiền để phát triển?
Những vấn đề lớn, mà Diễn đàn Đối tác Phát triển tổ chức ngày 5/12 ở Hà Nội đặt ra cho Chính phủ Việt Nam, cũng được truyền thông báo chí trong nước tường thuật dưới nhiều góc cạnh khác nhau.
Theo Tuổi Trẻ Online, tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt nam đặt mục tiêu 5 năm tới phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Ông Dũng nhấn mạnh 5 năm tới phải phát triển 6,5 – 7% bình quân mỗi năm.
Khi chính phủ huy động ở trong nước nhiều như vậy sẽ có những rủi ro, ví dụ huy động ngắn hạn thì nhiều khi chưa kịp làm gì đã đến thời hạn phải trả nợ rồi, lãi suất vay bằng đồng VN cũng cao hơn vay ngoại tệ ở bên ngoài.
-Bà Phạm Chi Lan
Báo Điện tử Một Thế Giới giật tít lớn, sắp tới Việt Nam lấy đâu ra tiền để phát triển, đây là câu hỏi thẳng thắn của bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Nguyên văn lời bà Kwa Kwa: “ Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới.”
Bà Victoria Kwa Kwa đưa ra một loạt thách thức đối với Việt Nam, như vốn ưu đãi thu hẹp dần, dựa vào nguồn thu trong nước là chính. Trong 5 năm qua tỷ lệ thu ngân sách Nhà nước trên GDP đã giảm dần từ 27% chỉ còn 21%. Ngoài ra năng suất lao động Việt Nam quá thấp không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững.
Hầu hết các báo điện tử chính thức, khi tường thuật về Diễn đàn Diễn đàn Đối tác Phát triển, đều có bài ghi nhận mối lo ngại sâu xa về nợ công của Việt Nam. Thời báo Kinh tế VnEconomy trích báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á, theo đó nợ công và những khoản do Nhà nước bảo lãnh đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2.000, hiện ở khoảng 60% GDP trong năm 2015. Tại các nền kinh tế thu nhập thấp thường có tỷ lệ nợ công giảm, nhưng nợ công tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong những năm qua.
Báo mạng Một Thế Giới trích nhận định của ông Jonathan Dunn, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, theo đó xuất khẩu dưới mong đợi, thâm hụt ngân sách cao và nợ công, nợ do Chính phủ bảo lãnh đang tăng lên.
Trước đó vào ngày 2/12 Ngân hàng Thế giới cảnh báo nợ công của Việt Nam đối diện rủi ro vì chính phủ chuyển sang vay nợ bằng phát hành trái phiếu ngắn hạn ở trong nước để bù đắp chi tiêu. Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định:
“Khi chính phủ huy động ở trong nước nhiều như vậy sẽ có những rủi ro, ví dụ huy động ngắn hạn thì nhiều khi chưa kịp làm gì đã đến thời hạn phải trả nợ rồi, lãi suất vay bằng đồng VN cũng cao hơn vay ngoại tệ ở bên ngoài. Hơn nữa khi chính phủ đứng ra vay nhiều như vậy, thì số tiền vốn cho xã hội cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận được, sẽ lại càng khó khăn hơn.”
Qua Diễn đàn Đối tác Phát triển tổ chức ngày 5/12 ở Hà Nội, hầu hết các đối tác cũng như các định chế quốc tế đều chỉ ra những thách thức đầy lo ngại đối với kế hoạch ngũ niên 2016-2020 của Chính phủ Việt Nam. Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp trấn an khi ông nói nguyên văn “xin nhấn mạnh, chúng tôi dứt khoát bảo đảm an toàn nợ công.” Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng trình bày 5 giải pháp để tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.
Thủ tướng cho biết sẽ đẩy mạnh kế hoạch tái cơ cấu trong các lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính tiền tệ, tái cơ cấu nông nghiệp. Người đọc báo ghi nhận những điều này không có gì mới, nó đã được bắt đầu từ 2012 và cho đến nay không đạt nhiều kế quả.
Bên cạnh những hứa hẹn về quốc kế dân sinh, một trong những điểm đáng chú ý mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết là thực hiện đầy đủ hơn kinh tế thị trường, để vận hành đồng bộ hiệu quả các loại thị trường, trong đó có đất đai. Ngoài ra Thủ tướng cũng hứa hẹn hoàn thiện thể chế, hoàn thiện luật pháp và đặc biệt quan trọng là bảo đảm quyền dân chủ, tự do, quyền sở hữu của người dân theo Hiến pháp 2013.
Các chuyên gia nói rằng Việt Nam đã mất cơ hội cải cách dân chủ khi Hiến pháp 2013 sửa đổi vẫn qui định Khu vực kinh tế Nhà nước là Chủ đạo nền kinh tế, đất đai sở hữu toàn dân tức thuộc Nhà Nước. Nhưng dù sao theo Hiến pháp 2013, người dân sẽ có những quyền cơ bản thí dụ như lập hội, biểu tình, tiếp cận thông tin chẳng hạn và Nhà nước sẽ phải ban hành những Luật này.
No comments:
Post a Comment