TP - Tại Hội thảo quốc tế về xây dựng thiết chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và người có chức vụ, quyền hạn do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức (ngày 10/12), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nhận định: “Quá trình dịch chuyển tài sản ở nước ta hiện nay quá dễ, không có nước nào tiêu tiền dễ như Việt Nam”.
Huỳnh Thị Huyền Như được cảnh sát tư pháp hộ tống đưa vào phòng xét xử tại TPHCM ngày 15/12/2014. Ảnh: Tân Châu.
Không biết cán bộ giàu hay nghèo?
Theo ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, vấn đề quan trọng nhất trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là làm sao kiểm soát được tài sản và thu nhập của toàn xã hội. Chứ như hiện nay, cán bộ lãnh đạo khi kê khai thì “rất nghèo”, chẳng có tài sản gì. Nhưng con của các vị lãnh đạo đó lại có đến hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, xây dựng các công trình. “Chẳng đối tượng tham nhũng nào mua Roll Royce, biệt thự mà đứng tên mình cả”, ông Quyền phản ánh.
Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) thừa nhận, việc minh bạch tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức hiện nay còn rất nhiều hạn chế. Trong năm 2013, cả nước có gần 1 triệu bản kê khai tài sản thì cơ quan chức năng chỉ xác minh được 5 bản kê khai và chỉ có 1 trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Năm 2014 cũng chỉ phát hiện ra 5 trường hợp vi phạm. Ông Hoàng Thái Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) khẳng định, đối với cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn thì đến nay chưa có một con số thống kê cụ thể nào về thu nhập bình quân đầu người/tháng của họ là bao nhiêu?
Trong khi đó, theo ông Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sátđiều tra Tội phạm kinh tế và Tham nhũng (Bộ Công an), tội phạm tham nhũng là những người có chức vụ, trình độ, ảnh hưởng, quan hệ rộng nên luôn biết cách che đậy, tẩu tán, chuyển dịch tài sản. Các vụ án tham nhũng thường xảy ra một thời gian khá lâu mới bị phát hiện dẫn đến đối tượng đã cất giấu tài sản, hợp lý hóa hoặc đã tiêu hủy tài liệu nên rất khó khăn cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ.
Ông Trực dẫn chứng, trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, đối tượng đã chi gần 100 tỷ đồng để đi du lịch, làm thẻ xanh đi Mỹ; đồng thời sử dụng 3.000 tỷ đồng để trả lãi cao, tiền chênh lệch hợp đồng cho các đối tượng môi giới, cho vay lãi nặng. Toàn bộ việc trên đều được chi trả trực tiếp, không thể hiện trên sổ sách, chứng từ nên cơ quan điều tra không đủ căn cứ để thu giữ.
Nhiều đối tượng tham nhũng sau khi chiếm đoạt tiền, tài sản trong nước đã chuyển ra nước ngoài để mua bất động sản làm thủ tục định cư, hoặc chi trả tiền du học cho người thân. Điển hình như vụ Lâm Ngọc Khuân, Lâm Ngọc Hân (Công ty Thủy sản Phương Nam) chiếm đoạt trên 1.000 tỷ đồng của các ngân hàng sau đó bỏ trốn sang Mỹ định cư nên việc xác minh, thu hồi tài sản rất khó khăn.
Đề nghị hình sự hành vi làm giàu bất hợp pháp
Để ngăn chặn được tình trạng đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản, ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng, phải nghiên cứu, tính toán để kiểm soát được tài sản của công dân trong xã hội? Nhất là các tài sản phải đăng ký như bất động sản, xe cộ, tàu thuyền…? Ông Sơn dẫn chứng, trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, ai cũng biết đối tượng đã bỏ tiền ra mua biệt thự, đứng tên mẹ ruột. Nhưng cơ quan chức năng lại không thể xác định để thu hồi được biệt thự đó dù rằng biết đó là vô lý. Hay như đối tượng Giang Kim Đạt trong vụ án Vinashin đã chuyển tài sản, nhà cửa cho bố mẹ đứng tên nên việc xử lý, thu hồi cũng không dễ.
Ông Nguyễn Đình Quyền cũng cho rằng, quá trình chuyển dịch tài sản từ cá nhân này sang cho cá nhân kia ở Việt Nam hiện nay là quá dễ. Các cá nhân khi đem hàng trăm tỷ đi gửi tiết kiệm thì được ngân hàng nhiệt liệt chào đón mà không phải trải qua bất kỳ khâu xác minh, thẩm tra nguồn gốc tài sản. Trong khi nếu ở nước ngoài lập tức cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ vào cuộc ngay để làm rõ nguồn gốc tài sản. “Nhiều gia đình gửi tiền sang cho con ở nước ngoài học, mua nhà lập tức bị phong tỏa ngay vì người ta nghi ngờ đó là tiền bẩn. Còn ở nước ta tiêu tiền quá dễ, không có nước nào tiêu tiền dễ như Việt Nam”, ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, đã đến lúc Việt Nam phải học và làm theo các nước trong việc kiểm soát tài sản công dân. “Chỉ có kiểm soát tài sản của toàn xã hội thì mới phát hiện ra được tình trạng tài sản bất minh, tài sản của ông nọ, chạy sang tài sản của ông kia. Đây là vấn đề rất khó nhưng tôi nghĩ chúng ta phải làm”, ông Quyền khẳng định.
Ông Ngô Mạnh Hùng thì đề nghị nghiên cứu để tiến tới hình sự hành vi làm giàu bất hợp pháp. Đối với tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc trước hết phải quy định cụ thể để sử dụng công cụ thuế thu nhập vào việc xác minh tài sản. Đặc biệt phải xử lý nghiêm, tiến tới tịch thu, sung công mọi tài sản bất minh.
Ông Hoàng Văn Trực thì đề nghị chủ động thực hiện các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tránh để các đối tượng chuyển dịch, hợp thức hóa tài sản. Bên cạnh đó tăng cường hơn nữa việc ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam với các nước trên thế giới nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp cho lực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng có yếu tố nước ngoài.
Lợi ích nhiều, rủi ro ítCái khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và các nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng là sự rủi ro. Ở các nước lợi ích có được từ sự tham nhũng ít mà rủi ro bị pháp luật trừng trị rất cao nên người ta không dám tham nhũng. Còn ở Việt Nam lợi ích có được từ tham nhũng rất lớn nhưng độ rủi ro bị pháp luật trừng trị lại thấp. Do đó, vấn đề thực thi pháp luật làm sao để giảm cơ hội, lợi ích từ tham nhũng xuống và tăng độ rủi ro bị pháp luật trừng trị lên cao.(Ông Jairo Acuna Alfaro – Cố vấn chính sách UNDP)
No comments:
Post a Comment