Thanh Trúc, phóng viên RFA 2015-12-11
Công nhân đường sắt làm việc tại Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Năng suất lao động thấp cản trở tiến trình hội nhập toàn cầu, là cảnh báo của chuyên gia khi so sánh tiềm năng sản xuất của Việt Nam với các nước trong khu vực.
Vì sao năng suất lao động của VN thấp?
Theo nhận định của ILO Tổ Chức Lao Động Quốc Tế, được báo Người Lao Động tường thuật lại, thì tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam từ 4,6% năm 2010 giảm còn 4,1% năm 2014 và 4,3% năm 2015. Như vậy, tổng mức lao động tăng trưởng năng suất lao động năm 2015 đạt 21,3% so với năm 2010.
Và dù tăng như thế, điều đáng chú ý vẫn là năng suất lao động của Việt Nam lại thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực.
Số liệu năng suất lao động 2014 của ILO Tổ Chức Lao Động Quốc Tế cho thấy Việt Nam ở nhóm thấp nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nghĩa là thấp hơn Thái Lan 2,7 lần, Philippines 1,8 lần, Indonesia 2,4 lần, Malaysia 6 lần, Singapore 15,6 lần và Brunei 17,6 lần.
Ví dụ cũng một nhà máy đấy, cũng sức lao động đấý nhưng quản lý tốt thì giá trị sản phẩm nó nhiều hơn. Đâu phải Việt Nam mình không thể làm ra những sản phẩm tốt? Nếu đem công nghệ tốt vào, trang bị đầu tư và đào tạo người thì năng suất lao động của mình nó cao lên ngay.
-Bùi Kiến Thành
Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành, hiện là cố vấn cao cấp cho các tập đoàn kinh doanh lớn ở Hà Nội, trước hết nên hiểu năng suất lao động qua cách sử dụng từ ngữ giản dị và dể hiểu:
“Năng suất lao động là anh sản xuất ra được cái gì, anh lãnh lương một tháng 200 đô la anh làm ra được cái gì. Đó là cái năng suất lao động của người ta, mỗi đầu người làm ra được bao nhiêu sản phẩm và sản phẩm đấy so ra với sản lượng đầu người của Việt Nam thì nó thấp hơn sản lượng đầu người của Thái lan là bao nhiêu đấy, của Philippines là bao nhiêu đấy.”
Đối với giáo sư Hà Tôn Vinh, tổng giám đốc Tổ Hợp Đào Tạo Và Phát Triển Nhân Lực Stellar Management ở thành phố Hồ Chí Minh, năng suất lao động là một khái niệm khá phức tạp nhưng cần được hiểu rõ:
“Năng suất lao động của một người công nhân hay một người quản lý có thể dựa trên hai khái niệm là input là đầu vào và output là đầu ra, ở giữa là người làm công việc đó. Thí dụ một công nhân sử dụng một cái máy trong một tiếng đồng hồ có thể sản xuất ra bao nhiêu ốc vít, 10 hay 20 cái kềm cái búa. Trong khi đó cũng cùng cái đầu vào tức là sắt thép thì một công nhân Singapore, Thái Lan hay Malaysia có thể sản xuất được 100 cái kềm cái búa. Sự khác biệt đó gọi là năng suất lao động.
Thứ hai là việc đào tạo, cái cách làm việc, cái qui trình làm việc. Qui trình làm việc ngắn hơn, mau hơn cũng có thể ảnh hưởng đến năng suất và đầu ra.”
Câu hỏi ở đây là vì sao năng suất lao động của Việt Nam thấp, phải chăng sức làm việc của người Việt Nam kém người Singapore đến 15 lần? Nhiều người còn cho rằng năng suất lao động thấp như vậy khi bước vào Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN thì e rằng lao động Việt Nam sẽ thua cả lao động Kampuchia và Lào. Một chuyên gia của Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội còn nghĩ năng suất lao động thấp là rào cản là thách thức của hội nhập. Chuyên gia Bùi Kiến Thành đưa ra cái nhìn khác hơn:
“Trường hợp như thế thì có thách thức gì trong vấn đề hội nhập? Giá lao động Việt Nam thấp nên nó là một lợi thế để phát triển kinh tế trong khi mình hội nhập. Giá lao động của mình thấp cho nên người ta đến đầu tư, hưởng giá lao động thấp để phát triển những nguồn sản xuất. Đó là một cách nhìn khác về giá lao động thấp.
Giá lao động thấp là một việc, giá trị sản phẩm người Việt Nam sản xuất ra được là một việc khác. Nhưng mà hai việc đấy có sự liên quan với nhau và nếu mà không đầu tư về vấn đề trang thiết bị tốt thì giá trị sản phẩm làm ra ít hơn người khác, cũng làm sản phẩm đó mà người ta được trang thiết bị tốt.
Ví dụ cũng một nhà máy đấy, cũng sức lao động đấý nhưng quản lý tốt thì giá trị sản phẩm nó nhiều hơn. Đâu phải Việt Nam mình không thể làm ra những sản phẩm tốt? Nếu đem công nghệ tốt vào, trang bị đầu tư và đào tạo người thì năng suất lao động của mình nó cao lên ngay. Phải cấu trúc lại hoạt động sản xuất, đưa công nghệ vào, tổ chức lại số người lao động, tổ chức lại điều kiện làm việc. Đào tạo tốt, trang thiết bị tốt, ban điều hành làm việc tốt thì năng suất lao động lên chứ việc gì đâu mà gọi là rào cản.”
Cần huấn luyện tay nghề?
Tổng giám đốc Tổ Hợp Đào Tạo Và Phát Triển Nhân Lực Stellar Management, ông Hà Tôn Vinh, nói rằng ông hoàn toàn đồng ý với việc huấn luyện tay nghề nếu muốn nâng mức năng suất lao động cho công nhân Việt Nam:
“Năng suất lao động là dựa vào vấn đề đào tạo một người công nhân. Trình độ của công nhân, gọi là tay nghề, hay là dựa vào công nghệ hay là dựa vào qui trình làm việc. Nếu so sánh năng suất lao động của Việt Nam với một nước như Singapore thì sự khác biệt là công nhân lao động Việt Nam chưa được đào tạo bài bản.”
Năng suất lao động là dựa vào vấn đề đào tạo một người công nhân. Trình độ của công nhân, gọi là tay nghề, hay là dựa vào công nghệ hay là dựa vào qui trình làm việc.
-Hà Tôn Vinh
Bên cạnh đó, giáo sư Hà Tôn Vinh cũng đề cập đến việc phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nghề:
“Giả dụ như bây giờ qui trình làm việc của Việt Nam có thể phải 10 bước mới xong một cái đinh, một cái kềm, một cái búa. Nhưng nếu tái cơ cấu là xem công đoạn nào không cần, thay vì 10 bước thì sắp xếp lại chỉ còn ba bốn bước thôi thì có thể sản xuất mau hơn.
Vậy thì người công nhân mà đóng góp cho sự thành đạt của doanh nghiệp không phải chỉ được tăng lương không mà phải có tay nghề, phải làm sao cho doanh nghiệp đó phát triển bền vững hơn bằng cách làm mau hơn, tốt hơn và không sai sót nhiều.”
Lao động được trả lương ở Việt Nam hiện chiếm 34% tổng lực lượng lao động. Dưới mắt chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nâng cao năng suất lao động không chỉ đơn thuần là tăng thu nhập cho công nhân qua việc tăng mức lương tối thiểu:
“Từ trước tới nay tăng lương lên không phải do vấn đề năng suất lao động lên, không phải vì năm trước anh làm 10 đôi giày năm nay làm được 15 đôi giày rồi anh được tăng lương. Năng suất lao động không lên mà lương vẫn lên là tại vì nhà nước tăng mức lương tối thiểu. Lương lên không phải là thước đo năng suất lao động. Trong khi giá trị sản phẩm của người lao động các nước trong cộng đồng ASEAN cao hôn thì như thế thì mình khó cạnh tranh. Nói cụ thể là như vậy.”
Theo khuyến nghị của ILO Tổ Chức Lao Động Quốc Tế và ADB Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, để bảo đảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam cần thực hiện xây dựng khung chính sách nâng cao năng suất của các ngành nông nghiệp, đa dạng hóa các ngành công nghiệp, tái cơ cấu ngành nghề, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, bên cạnh một chính sách lao động rõ rệt của một nền kinh tế thị trường.
No comments:
Post a Comment