Friday, December 11, 2015

Tháng 12, chuyện những người đàn bà

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn 
Theo RFA-2015-12-11
043_dpa-pa_63721260
 Một người phụ nữ Việt Nam, ảnh minh họa. AFP photo
Tháng Mười Hai năm nay, xuất hiện nhiều câu chuyện về những người đàn bà trên thế gian này – có những người lừng danh, và cả những người vô danh – khiến mọi thứ lại càng đáng nhớ hơn.
Tháng Mười Hai, nhắc nhiều người yêu nhạc ngồi nghe lại bài Woman của John Lennon. Bài hát ngợi ca về đàn bà của ông như một định mệnh thôi thúc, ông viết ra, kịp hát ghi âm lầm cuối cùng trước khi ngày định mệnh 8/12 đến: một kẻ tâm thần đã bắn ông chết ngay trước cửa nhà.
Trong Woman, chàng ca sĩ mắt kính tròn hát rằng “Woman please let me explain. I never meant to cause you sorrow or pain. So let me tell you again and again and again” (Tạm dịch: ôi Nàng, xin cho tôi giãi bày. Tôi không bao giờ muốn đem đến cho nàng nỗi đau hay muộn phiền. Xin cho tôi nhắc lại muôn lần điều này…) Người đàn bà rất chung và rất riêng của bài hát đó, muốn giới thiệu rằng mỗi bước đi lên của nhân loại, luôn có lời ngợi ca và trân trọng.
Tháng 12, trên trang Twitter của tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nhắc về một người đàn bà: Rosa Parks, mà ông trân trọng ghi là “đấng anh thư đã đứng lên tranh đấu cho công lý và bình đẳng”.
Rosa Parks (1913-2005) được lịch sử hiện đại của nước Mỹ gọi tên là “đệ nhất phu nhân của dân quyền” và là “người mẹ của phong trào tự do”. Ngày 1/12/1955, khi bà Rosa Parks lên chuyến xe bus ở bang Alabama, bà bị tài xế trên xe buộc phải đứng dậy để nhường ghế cho một người da trắng – theo luật lúc bấy giờ của bang này. Rosa Parks đã phản đối và biến chiếc xe bus đó thành nơi tố cáo sự kỳ thị chủng tộc, chấp nhận cho việc cảnh sát dừng xe áp giải bà đi. Nửa thế kỷ sau, tất cả những đứa trẻ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đều được học về Rosa Parks và tự hào về người đàn bà đã đứng lên cho nước Mỹ hôm nay. Thậm chí, ở các bang như California và Ohio, ngày 1 tháng 12 là ngày lễ ghi nhớ Rosa Parks Day.
Tháng Mười Hai còn một điều đáng ngưỡng mộ khác: là thời điểm mà lãnh tụ Aung San Suu Kyi, người đàn bà lừng danh của nền dân chủ Miến Điện tiếp nhận sự chuyển giao quyền lực từ chính quyền quân sự sang dân sự, đồng thời tuyên bố sẽ luôn cân nhắc, thận trọng trước mọi lời mời giúp đầu tư từ Trung Quốc.
Có những người đàn bà trên thế gian này có thể khiến trái tim của chúng ta phập phồng kiêu hãnh. Nó mở ra những chỉ dấu kỳ diệu về con người và sự văn minh.
Nhưng cũng có những người đàn bà, với câu chuyện của họ khiến trái tim chúng ta quặn thắt, đau hơn nữa khi nghĩ về tương lai, giống nòi và tổ quốc.
Chị Mai Thị Long – có thể nói đến đây vẫn không ai biết – vợ của ngư dân Trương Đình Bảy bị “kẻ lạ” bắn chết ngay trên biển Trường Sa của Việt Nam vẫn chưa được cơ quan nào giúp xác định rõ ai đã giết chồng mình. Lẽ ra, sau cái chết oan khiên và đầy ngụ ý trên biển đó, Bộ Ngoại Giao Việt Nam phải gửi thư đến các sứ quán có tàu trong cùng khu vực, yêu cầu cùng phối hợp điều tra xem thỉ phạm là ai. Lẽ ra, chị Long cũng còn được thấy tổ quốc gọi tên chồng mình, sau khi đã hối thúc chồng mình ra khơi, bám biển, thể hiện chủ quyền thay cho Nhà nước. Ngày 2/12, đưa chồng về đất mẹ, đối với chị Long, biển bây giờ không những là nỗi đau mà còn nhắc nhở về dối trá.
Tháng Mười Hai, công an Đà Nẵng cười tươi và trao cho bà Nguyễn Thị Khả, 57 tuổi, số tiền gần 2 triệu đồng để bồi thường cho việc bà bị công an khu vực vung gậy đánh đến mang thương tích, vì tưởng bà là gái mại dâm. Rất nhiều người đã thảng thốt hỏi rằng ở thành phố đáng sống đó, ngày thường đã có bao nhiêu gái mại dâm bị đánh đập mà không thể nói với ai? Và cũng có rất nhiều người nói rằng chỉ cần một điều rất nhỏ, bao nhiêu những vàng mã về nhân quyền phụ nữ, về bình đẳng và quan hệ giữa công an địa phương và phụ nữ đã lộ ra. Mọi thứ trần trụi và tàn nhẫn như trên chuyến xe bú về tương lai của bà Rosa Parks, nhưng khác ở chỗ là thân phận người phụ nữ Việt Nam thậm chí vẫn còn chưa có được một khoảnh trống cho mình.
Câu chuyện cóp nhặt cuối, tạm thời, của tháng Mười Hai, là chuyện cô gái Việt tự mình đi và đoạt giải hoa hậu ở Philippines, nhưng bị gọi là thi “chui” và bị đòi phạt 30 triệu đồng. Có cái gì đó vẫn còn chưa giải thích được cho một văn bản quy định đầy tính phản bội lại quyền con người trong hiến pháp, khi tự cho mình có quyền kiểm soát sự tự do và quyền của người khác mà không rõ lý do. Đây không phải là chuyện mới mẻ tại Việt Nam, vì từ năm 2013 đến nay, theo đoàn luật sư Việt Nam cho biết thì đã có tới 90.000 văn bản trái hiến pháp, trái luật mà vẫn áp đặt lên con người.
Con số phạt 30 triệu đó của Bộ TT&TT, chợt làm nhớ đến hình ảnh trên báo chí Trung Quốc khi rao bán công khai con gái Việt về làm vợ với giá 1500 USD. Đàn bà Việt hôm nay không thể tự vinh danh mình trên diễn trường quốc tế, nếu không có Cục, có Bộ xốc nách đưa vào. Nhưng bị bán đi, bị làm nhục ở sát biên giới của “nước lạ” thì không thấy ai ra văn bản hay lên tiếng. Cục và Bộ rầm rập vào cuộc với những người đàn bà sáng danh Việt Nam với thế giới nhưng lãng tránh, ngó lơ khi thấy đàn bà Việt bị làm nhục khắp thế giới, từ đường biên hữu nghị.
Đàn bà, nếu như bạn vẫn còn nghe Woman của John Lennon, hãy cảm nhận những điều thật tuyệt vời và khác biệt ở hai đầu thế giới.
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

No comments:

Post a Comment