Saturday, December 5, 2015

Làng chài không có cá ở Cần Thơ

(Phỏng theo Diplomat)
CẦN THƠ (NV) - Hai ký giả Luc Forsyth và Gareth Bright của tạp chí The Diplomat đi dọc theo sông Mê Kông viết một loạt phóng sự. Trong đó, một phần của loạt bài, hai ông viết về đời sống nghèo nàn phản ảnh sự bất hạnh của người người ngư dân vùng sông nước Hậu Giang xưa kia vốn trù phú, dễ sống.



Ông Phương trước kia là thương gia, giờ sống bằng nghề nuôi cá bè. (Hình: Diplomat)

Dễ sống đến nỗi họ có thể “bắt cá bằng tay” mà ngày nay thì chẳng còn con cá nào sống nổi. Lý do: chúng bị tận diệt bằng những tấm lưới điện. Bởi vậy, những người ngư phủ trước kia nay phải làm bất cứ thứ công việc gì khác để có tiền sống qua ngày.

Trong ký sự “Tại Việt Nam, một làng chài không có cá,” hai ông Luc Forsyth và Gareth Bright kể mấy ngày ông tới Cần Thơ, đi xem chợ nổi Cái Răng và thăm “làng chài không có cá” ngay ở thành phố này.
Các ông kể rằng chợ nổi Cái Răng là điểm du lịch nổi tiếng. Trên các ghe thuyền là các nhà buôn bán sỉ trái cây và nông sản từ các nơi đổ đến. Tuy nhiên, chỉ thấy rất đông du khách chĩa một rừng máy ảnh, máy quay phim và cả các máy điện thoại dùng làm máy quay phim với cái gậy “selphie.” Họ rất bực mình vì chỉ toàn là những người du khách quay phim chụp hình, chẳng thấy ai mua hàng.

Sau đó, hai ông thuê xuồng đến làng chài. Tại đây, hai ông được nghe kể về đời sống của những người đang từ sống thoải mái xưa kia đến nghèo khổ bây giờ.

“Khi có những cái lưới điện xuất hiện, cả làng chài sụp xuống,” một lão ông 70 tuổi kể với hai nhà báo ngoại quốc qua một người thông dịch.

Chỗ này gọi là làng chài vì nó liền với khu vực đánh cá chính yếu nhất vùng. Theo lời ông cụ kể, từ khi người ta nhập về những cái lưới điện khoảng thập niên 1990, mọi nguồn tôm cá dưới sông đã bị tận diệt. Tuy nhà cầm quyền cấm đánh cá bằng lưới điện, nhưng lão ngư này cho hay hơn 20 năm đã trôi qua mà các loại cá tự nhiên trên sông cũng chưa phục hồi lại được.


Cư dân làng chài ở Cần Thơ chiều chiều thả diều giải trí. (Hình: Diplomat)

“Chúng tôi từng có thể bắt cá với hai tay không.” Ông cụ nói, “Bây giờ thì người ta phải nuôi nó trong nhà bè. Cá thiên nhiên có giá trị hơn, ăn ngon hơn nhưng lại chẳng có bao nhiêu để bắt mà bán đặng có thể sống.”
Hai nhà báo ngoại quốc gặp ông Phương, 52 tuổi, một người từng là dân buôn bán nhưng bây giờ sống với nghề nuôi cá bè. Ông lập lại lời ông cụ già là chẳng còn bao nhiêu cá để lưới dưới sông. Bên dưới cái bè gỗ và cũng là căn nhà là lồng sắt ông nuôi khoảng 20,000 con cá chim trắng.

Ðể một số lượng cá nhiều như thế sống không bệnh tật, ông Phương phải thường xuyên cho chúng ăn cả thuốc kháng sinh. Ông cho biết khoảng 200 con cá chim sống trong 1 mét khối nước. Theo ông vì đánh cá trên sông hiện không còn tồn tại, nuôi cá bè là cách để ông có lợi tức.

Trong sự quan sát của Luc Forsyth và Gareth Bright, không còn cá để đánh bắt, làng chài trở thành một thứ cộng đồng của những người nghỉ hưu hơn là nơi các ngư dân nhộn nhịp sinh hoạt. Các ông thấy nơi đây, ngoài mấy cái tiệm sửa máy ghe, sửa ghe, phần lớn làng này chỉ còn là nơi để ở.
Như một sự êm đềm hơn so với khu du lịch của thành phố Cần Thơ, cư dân làng chài trồng các luống hoa vào các chỗ trước kia vốn là nơi các bà họp chợ bán cá. Ngày ngày, người ta chỉ còn thấy nơi đây trẻ con và người già thả diều giải trí.

Cần Thơ là một thành phố gắn liền với sông nước. Hơn một triệu người sống dựa vào tài nguyên do các con sông đem lại mà nếu không có những kế hoạch hợp lý, chính con người đã làm hại nguồn sống của mình. Các người nông dân xưa dựa vào sông nước mà sống, giờ chẳng còn gì hơn là những con diều đủ hình dáng, đủ màu sắc lượn lờ theo gió. (TN)

12-03-2015 8:12:44 PM 

No comments:

Post a Comment