HÀ NỘI (NV) - Trong năm 2015 này, Việt Nam đã “chi tiêu sai” khoảng $2 tỷ! Đó là kết luận của thanh tra Bộ Tài Chính Việt Nam. So với năm ngoái, cơ quan này cho biết “chi tiêu sai” trong năm nay tăng khoảng... 93%!
Một công nhân của công ty môi trường đô thị Cà Mau, nơi đang bị chính quyền thành phố Cà Mau nợ 14 tỷ đồng.
(Hình: Tuổi Trẻ)
(Hình: Tuổi Trẻ)
Từ đầu năm đến cuối Tháng Mười, thanh tra Bộ Tài Chính thực hiện 116,000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và 6,500 cuộc thanh tra hành chính. Kết quả là họ phát giác có 52,553 tỷ đồng bị “chi tiêu sai.”
Đề cập đến tình trạng tham nhũng ở Việt Nam, một bài viết công bố những số liệu vừa kể trên trang web của Bộ Tài Chính Việt Nam nhận định: “Tính chất tham nhũng càng ngày càng phức tạp. Thủ đoạn tinh vi hơn. Phạm vi và yếu có tổ chức của các vụ tham nhũng rõ nét hơn. Ngoài ra đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực.”
“Chi tiêu sai” vốn là một vấn nạn tồn tại ở Việt Nam trong nhiều thập niên và càng ngày càng nghiêm trọng. “Chi tiêu sai” đã đẩy Việt Nam vào tình trạng khủng hoảng tài chính, thu không đủ để bù cho chi, phải vay để chi nên nợ nần, bao gồm cả nợ ngoại quốc lẫn nợ trong nước càng lúc càng tăng.
Tin mới nhất cho biết, sau Bạc Liêu (ngân quỹ cạn tiền nhưng vẫn còn thiếu 1,350 tỷ đồng nợ tới hạn phải thanh toán nhưng không trả nổi), nay tới lượt chính quyền thành phố Cà Mau vỡ nợ. Chính quyền thành phố Cà Mau không còn đồng nào và đang mang khoản nợ khoảng 300 tỷ. Tháng này chưa rõ chính quyền thành phố Cà Mau sẽ moi tiền từ đâu để trả lương cho các viên chức, kể cả nhân viên các đơn vị trực thuộc như giáo viên, công nhân vệ sinh...
Tháng trước, khi Quốc Hội Việt Nam họp, các đại biểu từng than vắn, thở dài vì không tìm ra giải pháp nào khả thi để giải quyết tình trạng bội chi càng lúc càng cao và nợ nần càng ngày càng lớn. Một số đại biểu than rằng, sau khi xem xét các tài liệu về ngân sách, họ không biết cắt của ai, chia cho ai!
Ông Trần Văn, phó chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính và Ngân Sách Quốc Hội, cho biết, thu chi ngân sách mất cân đối từ năm 2011. Năm 2011, ngân sách bội chi 112,000 tỷ đồng, đến năm 2015 bội chi đã tăng lên 226,000 tỷ đồng.
Nợ nần của Việt Nam cũng tăng rất nhanh, từ 1.3 triệu tỷ đồng vào năm 2011 lên 2.7 triệu tỷ đồng trong năm nay. Trung bình, mỗi năm, nợ nần của Việt Nam tăng thêm 20%. Đáng lưu ý là từ năm 2013 đến nay, chính quyền Việt Nam không thể tìm đủ nguồn thu để trả các khoản lãi và các khoản nợ gốc đã đến hạn phải thanh toán. Cũng vì vậy, chính quyền Việt Nam phải vay nợ mới để trả một phần nợ cũ.
Dù bi đát như thế, nhưng “chi tiêu sai” của năm nay tăng... 93% và đáng lưu ý là từ thủ tướng Việt Nam trở xuống, không có bất kỳ viên chức nào bị kỷ luật hay tự thấy xấu hổ vì kém cỏi nên xin từ nhiệm. (G.Đ.)
No comments:
Post a Comment