Monday, November 9, 2015

Trung Quốc đưa chiến đấu cơ thế hệ mới tới Hoàng Sa

BẮC KINH (NV) - Trung Quốc đem chiến đấu cơ thế hệ mới tới đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa mà từ đây, họ có thể khống chế và đe dọa một vùng rộng lớn từ Việt Nam đến Philippines bằng máy bay khu trục.
Chiến đấu cơ J-11 BH/BHS thế hệ thứ tư của Trung Quốc được nói là đến
đồn trú tại đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. (Hình: 81.cn)

Người ta không biết đích xác có bao nhiêu máy bay khu trục J-11 thế hệ thứ tư (BH/BHS), được Trung Quốc điều động đến đảo Phú Lâm ở thời điểm có những dấu hiệu căng thẳng chủ quyền biển đảo trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước khu vực.
Gần đây nhất, Hoa Kỳ cho khu trục hạm USS Lassen đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của hai đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở khu vực quần đảo Trường Sa gây phản ứng giận dữ ở Bắc Kinh.

Các khu trục cơ J-11 thế hệ thứ tư trang bị hỏa tiễn mới đây thấy xuất hiện trong các cuộc tập trận bắn đạn thật phối hợp với các chiến hạm trên Biển Đông. Tin tức nói rằng nhiều phần, các máy bay J-11 thế hệ thứ tư được điều động từ một căn cứ không quân trên tỉnh đảo Hải Nam xuống đảo Phú Lâm.

Đảo Phú Lâm cách đảo Hải Nam khoảng 200 dặm nhưng gần hơn với đảo Lý Sơn của Việt Nam.

Theo giới chuyên viên quân sự, khi xuất phát từ đảo Phú Lâm, các chiến đấu cơ J-11 thế hệ thứ tư của Trung Quốc uy hiếp một vùng rộng lớn từ các tỉnh và căn cứ quân sự của Việt Nam ở phía tây đến Philippines ở phía Đông, trùm luôn cả khu vực phía nam nơi họ đang xây dựng các phi trường và căn cứ quân sự mới ở Trường Sa.

Với các trang bị tiếp dầu trên không, các phi cơ này còn có tầm hoạt động xa hơn nữa. Hiện Trung Quốc đã xây dựng rất nhiều cơ sơ quân sự to lớn từ đài radar, trung tâm truyền tin vệ tinh, doanh trại và cơ sở đồn trú máy bay tại đảo Phú Lâm.

Đảo Phú Lâm, nơi Trung Quốc dùng làm căn cứ chỉ huy cho toàn vùng
“Tam Sa,” có cả phi trường và cảng biển. (Hình: Google)
Trung Quốc cướp đảo Phú Lâm và toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi Tháng Giêng năm 1974 sau một trận hải chiến với Hải quân VNCH. Những năm gần đây, Trung Quốc xây dựng những cơ sở to lớn trên đảo Phú Lâm gồm cả phi trường cho các máy bay quân sự lớn nhất và hai cảng biển, dùng nơi này đặt bộ tư lệnh quân sự kiểm soát toàn bộ các nhóm đảo và bãi đá ngầm vùng Biển Đông mà họ ngang ngược gọi là “Tam sa.”
Khi ba phi trường, hoặc có thể là bốn, nằm trên các đảo nhân tạo Đá Thập, Gạc Ma, Xubi và Vành Khăn mà Trung Quốc xây dựng tại khu vực quần đảo Trường Sa hoàn tất các cơ sở phụ thuộc, bên cạnh các cảng biển, toàn bộ Biển Đông có thể bị Bắc Kinh khống chế và uy hiếp, giúp Bắc Kinh thực hiện mưu đồ nuốt trọn vùng biển nhiều tài nguyên thiên nhiên và thủy lộ quan trọng hàng đầu thế giới.

Giới phân tích thời sự đã nhiều lần báo động chiến lược lấn dần từng bước một của Trung Quốc tại Biển Đông trong khi Hoa Kỳ phản ứng rất dè dặt và các nước tranh chấp chủ quyền khác thì quá yếu.
Theo nhận định của ông Nick Bisley, một chuyên viên nghiên cứu bang giao quốc tế tại La Trobe University, Úc, viết trên tạp chí The National Interest, Hoa Kỳ đã lượng định quá thấp về tham vọng của Bắc Kinh tại Biển Đông. Hệ quả là đưa ra các phản ứng không đúng với bản chất của sự việc.

Theo phân tích của bà Bonnie Glaser, một phân tích gia của tổ chức Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), rất có thể Trung Quốc không đồn trú thường trực các máy bay J-11 lâu dài tại đảo Phú Lâm. Một trong những lý do là các loại phi cơ này sẽ bị gió biển và hơi nước mặn làm hư hại nhanh chóng.

Chiến đấu cơ J-11 BH/BHS thế hệ thứ tư do Trung Quốc tự chế tạo là máy bay mô phỏng theo chiến đấu cơ đa năng Sukhoi SU-27 của Nga, cải biến thêm một số tính năng điện tử. (TN)
 11-09- 2015 2:22:59 PM 

No comments:

Post a Comment