Monday, November 9, 2015

Chế độ nào, người dân đó?


Ca Dao (Danlambao) - Mỗi lần tại Việt Nam sắp sửa có biểu tình là tôi hồi hộp, có lẽ hồi hộp hơn cả những người trong cuộc.

Sợ sẽ có những đánh đập, bắt bớ và cả thủ tiêu, vì ai biết được những thủ đoạn hèn của những người mang danh chế độ?

Tồi hồi hộp, nhưng không biết làm gì hơn là chờ đợi. Chờ đợi những tai ương phủ xuống những người con yêu nước mà giận mình bất lực.

Rồi ngày G đó cũng đến, lòng tôi nôn nả theo bước chân của đoàn người biểu tình. Lần nào cũng vậy, ngồi trước computer mà nước mắt dàn dụa khi nhìn hình ảnh của các anh chị em trong đoàn người biểu tình: những gương mặt rất thân quen tuy chưa lần gặp mặt.

Họ đấy, đi trên đường, tay giương cao tờ biểu ngữ đơn giản bằng tờ A4, A3, in hoặc viết bằng tay, chân bước và miệng hô to khẩu hiệu, người tiếp người , những khẩu hiệu được thay phiên nhau hô to không dứt trên đường phố. Có những biểu ngữ nhăn nhúm vì phải dành giựt với công an, nhưng rồi họ vẫn tiếp tục đi, mắt rực lên nhìn về phía trước, tôi tưởng như nghe được nhịp tim họ đập trên mỗi bước chân.


Họ đấy, những cái tên quen thuộc trên mạng, nay xuống đường biến những dòng chữ thành hiện thực trên đường phố. Họ không chỉ đấu tranh bằng ngòi bút mà bằng cả sinh mạng của chính mình.

Họ đấy, những người can đảm, dám đứng lên bày tỏ quan điểm của mình. Tiếng hô vang của họ lẫn trong tiền còi xe công an, tiếng thét của họ lịm dần từ đường phố đến đồn công an. 

Trong cái đau đớn ấy, tôi nghĩ rằng họ cũng rất hạnh phúc vì họ đã sống hết mình cho đất nước. Tôi cảm thấy bất lực vì không chia sẻ với họ những giây phút đau khổ và hạnh phúc ấy.

Họ, những người hôm nay đang làm lịch sử sẽ cảm thấy vinh quang trong từng nhục hình mà công an dành cho họ.

Mỗi lần nhìn những clip biểu tình trong nước thì tôi lại sợ mình phải khóc, biết trước mà không ngăn được, mà tại sao lại phải ngăn mình nhỉ? Hãy để cho những dòng nước mắt tự do tuôn để thổn thức cùng thân phận dân tôi. Và không riêng gì tôi, chắc rằng nhiều người ở hải ngoại cũng ngồi nhìn màn hình và khóc. 



Một đất nước mà việc bày tỏ chính kiến là một cái tội, chống lại kẻ cướp biển đảo của quê hương cũng là một cái tội. Ở đây, hàng xóm tôi nghe kể, họ không thể nào tin. Họ không thể tin một luật sư bị đánh tuôn máu chỉ vì bảo vệ cho một bị can. Họ không thể tin có người bị bắt ở tù hàng năm trời chỉ vì một tấm biểu ngữ chống kẻ xâm lược trong nhà. Ở Pháp, đình công, biểu tình đã thành một thông lệ. Họ không thể tin hàng chục người bị nhà cầm quyền bắt chỉ vì biểu tình phản đối kẻ cướp biển đảo của đất nước mình. Làm sao họ có thể tin được những điều vô lý như thế?

Nhưng, có một điều còn đau lòng hơn cả dùi cui công an: nếu để ý thì ta sẽ thấy những cuộc biểu tình từ trước đến giờ chỉ ngần ấy con người, chỉ từng ấy khuôn mặt, thay nhau hộ khẩu hiệu đến khan cả cổ. Họ đi thành nhóm, tay trong tay, nhưng họ vẫn lẻ loi, nhỏ bé trong dòng người tấp nập trên đường phố!

Cuộc biểu tình ở Hà Nội ngày 5/11 được khoảng vài chục người. Ở Sài Gòn, khởi đầu chỉ khoảng 10 người, sau đó thì con số này có tăng lên khoảng 20-30 người, có lúc lên đến khoảng trên 200 người. Nhưng 200 người vẫn là một con số quá nhỏ trong một thành phố gần 13 triệu dân! Đã thế, đoàn biểu tình càng ngày càng ít đi, một số bị phân tán, một số bị bắt. Số người ít, họ phải thay phiên nhau hô khẩu hiệu, chia cho nhau từng chai nước để thấm giọng. 

Họ hướng về đám đông trên đường phố và gào lên "đả đảo Tập Cân Bình", "đả đảo Trung Quốc xâm lược"... Nhưng mặc cho họ gào, trước mặt họ, dòng xe vẫn thản nhiên trôi trên đường, người đi vẫn thản nhiên đi trên đường. Thỉnh thoảng, những cái đầu ngoái lại rồi lẹ làng quay đi, hình như những điều họ đang gào thét kia xa lạ lắm đối với người dân. Những điều họ dang hô to không phải là chén cơm hàng ngày mà người dân phải lo toan. Nó xa vời như biên giới ngoài kia. Nó mênh mông như biển đảo mù khơi. Họ chỉ biết đến ngôi nhà ấm cúng lát nữa họ trở về bên mâm cơm nóng và tiếng cười trẻ thơ, dây vào làm chi cho rắc rối. Kìa! Một anh biểu tình đang bị đánh đổ máu, một cô đang bị lôi về đồn..., chớ có dính vào mà khổ!


Đoàn biểu tình cứ gào lên và dòng người vẫn cứ thản nhiên đi!

Sau chuyến viếng thăm Việt Nam , Tập Cận Bình đến Đài Loan, tại đây cũng những biểu ngữ đả đảo Trung Cộng, cũng những đoàn người gào to khẩu hiệu dưới trời nắng rát lửa. Chỉ có một điều khác: con số người đi biểu tình không phải chỉ 20, hay 50 mà là... 350 000 người! 

Đài Loan, một đảo quốc nhỏ với dân số khoảng 23 triệu người, nhưng hơn 350.000 người biểu tình. Việt Nam gần 90 triệu dân, số người đi biểu tình từ Nam ra Bắc không quá 200 người!!! Một so sánh đắng lòng.

Từ Hà Nội đến Sài Gòn, những con mắt rừng rực lửa , những giọng hô to vang vang đường phố của những con người can đảm này vẫn không đánh thức được sư vô cảm của người dân. Có vẽ như đất nước này chỉ là của từng ấy con người ? có vẽ như quê hương này không phải là của những dòng người đang vội vã qua đường kia ? 

Cuộc cách mạng dù ở Hồng Kông có khi đã lên tới trên 500.000 người tham dự, con số đông đến độ người ta có cảm tưởng cả đảo quốc này đã kéo nhau xuống đường năm ấy (2014). Cuộc biểu tình chống dàn khoan H981 đột xuất ở Bình Dương cùng năm đã lên tới 20.000 người, nhưng nó như ngọn lửa bùng lên rồi chợt tắt. Cuối cùng rồi những cuộc biểu tình phản đối đường lưỡi bò cũng lại chỉ từng ấy khuôn mặt, từng ấy tiếng hô khẩu hiệu, từng ấy người bị bắt về đồn công an. Cuộc đời vẫn trôi như chưa từng có máu của những người yêu nước đổ xuống mặt đường.

Đoàn biểu tình cứ gào và dòng người vẫn cứ thản nhiên đi!


Còn gì ghê gớm hơn là sự vô cảm của con người? Họ thờ ơ như đây là chuyện giả tưởng, không liên quan gì đến cuộc sống đời thường của họ. Bởi, trong học đường, môn học chủ thuyết Mác- Lê không dạy cho họ cách bày tỏ quan điểm của mình. Cuộc đời dạy cho họ cách làm giàu nhanh nhưng chưa từng dạy cho họ cách biểu tình.

Giáo dục ở học đường không có môn công dân giáo dục. Họ chỉ được dạy phải biết "yêu bác, yêu đảng", không có bài học nào dạy họ biết yêu dân tộc, không có môn học nào dạy họ biết cách bảo vệ mảnh đất Việt Nam trước nạn Bắc Phương. 

Bởi thế, không lạ gì khi những đứa học trò thản nhiên nhìn một đám đông đánh gục một cô bạn cùng lớp của mình. Mặc cho cô bạn tơi tả dưới đòn thù, không ai can ngăn, không ai tìm cách bảo vệ bạn mình. Họ nhìn và họ…reo hò! Dính vào làm gì cho mang hoạ! Sự vô cảm đã thành thói quen, nó ngấm vào nảo trạng con người. Đó là điều mà chế độ này mong muốn: sản xuất ra một đám robot chỉ biết làm theo mệnh lệnh. Và, phần nào đó, họ đã thành công. 

Còn sự cai trị nào hữu hiệu hơn là cai trị chính bao tử người dân? Hãy để họ chỉ nghĩ đến cái ăn, cái mặc, cái hưởng thụ thì họ sẽ không còn thì giờ để nghĩ đến cái gì khác. 

Hãy ban cho họ một cuộc sống an nhàn để họ không dám hy sinh những nhà, những xe, những chức vụ béo bở mang nhiều lợi nhuận mà họ đang có để đổi lấy một ý niệm quá mơ hồ là "lòng yêu nước", hay quá xa xôi như "dân chủ, nhân quyền".

Nỗi sợ hãi phải mất đi những quyền lợi đang có làm cho người ta nén đi một tiếng thở dài và sẵn sàng quay lưng trước những điều bất công.

Ngày mai, và ngày mai nữa, trong đất nước của 90 triệu con người sẽ còn những cuộc xuống đường. Và vẫn chỉ từng ấy khuôn mặt, vẫn từng ấy người hô vang khẩu hiệu, rát họng! 

Đoàn biểu tình cứ gào và dòng người vẫn cứ thản nhiên đi!

8/11/2015

No comments:

Post a Comment