Monday, November 9, 2015

Chúng tôi không thích ông đâu, ông Tập!

 Kính Hòa, phóng viên RFA 2015-11-09  
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội vào sáng ngày 6/11/2015.
 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội vào sáng ngày 6/11/2015. AFP
Tạp chí điểm blog tuần này tập hợp những bình luận của các blogger trên trang cá nhân, trên các trang mạng xã hội,… xung quanh những sự kiện lớn của đất nước.
Đón Ông Tập
"Khi ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mời Tập Cận Bình trải thảm đỏ để mà phát biểu ở Quốc hội thì ông nghĩ gì tại cái hội trường còn gọi là Hội trường Diên Hồng, biều thị của khí phách dân tộc trở thành cái hội trường nhục nhã, đón tiếp kẻ thù.
Xin thưa với các vị đại biểu Quốc hội thành phố HCM, tôn trọng các vị là các đại biểu của dân, chúng tôi đề nghị các vị hãy xứng đáng với ông cha, học tập khí phách của Đức Thánh Trần để biều tỏ thái độ thật rành rọt. Không khuất phục vì một áp lực nào đó. Các vị hãy biểu tỏ rằng mình là con cháu của Trần Hưng Đạo.
Xin đề nghị tất cả chúng ta cùng nhau hô to khẩu hiệu: Kiên quyết đòi Tập Cận Bình phải trả lại Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam…..Máu người không phải là nước lã, chúng ta đứng trước anh linh của những liệt sĩ đã ngã xuống ở Gạc ma, ở Hoàng Sa, Trường Sa để hứa với các anh hùng liệt sĩ rằng chúng ta xứng đáng với họ và nói rằng tinh thần dũng cảm của họ bất diệt"
Đó là lời phát biểu của Giáo sư Tương Lai dưới chân tượng đài Đức Thánh Trần tại Sài gòn vào ngày 4/10. Ông Đại diện cho câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, đọc lời tuyên bố đó trước hơn 100 người dân Sài gòn biểu tình tỏ thái độ chống đối chuyến viếng thăm Việt nam của chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình.
Các trang blog tiếng Việt tràn ngập tên tuổi ông Tập, nhưng không phải là những lời lẽ hoan nghênh.
Nhưng ông Tập lại sẽ nói chuyện trước Quốc hội Việt nam, một điều chưa có tiền lệ trong lịch sử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết rằng trong chuyện đón ông Tập, ý đảng và lòng dân là không hề giống nhau.
Blogger Cánh Cò thì cho rằng ông Tập sang là để nói rằng Hoàng sa và Trường sa là của Trung quốc.
Gót chân Achile của đảng
Quan hệ ý thức hệ giữa những người cộng sản Việt nam và Trung quốc làm nảy sinh nỗi hoài nghi lâu nay là có những phe cánh nào đó trong giới cầm quyền muốn dựa vào Bắc Kinh để trục lợi quyền lực và tiền bạc.
Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, vốn mang tên một đảng viên cộng sản ly khai, tuyên bố rằng:
Qua Việt Nam, ông có thể mua chuộc hay dọa dẫm một ai đó – bằng tiền hay bằng quyền. Ông có thể tiếp tục lừa bịp một ai đó – bằng lý luận “đại cục”, bằng cái gọi là “cùng ông tổ Mác Lênin”. Nhưng nhất định ông không thể mua chuộc, dọa dẫm hay lừa bịp được nhân dân Việt Nam! Và như thế, thì giấc mơ khuất phục Việt Nam chỉ là chuyện viển vông.
Khi ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mời Tập Cận Bình trải thảm đỏ để mà phát biểu ở Quốc hội thì ông nghĩ gì tại cái hội trường còn gọi là Hội trường Diên Hồng, biều thị của khí phách dân tộc trở thành cái hội trường nhục nhã, đón tiếp kẻ thù
Giáo sư Tương Lai
Tính chính danh của đảng cộng sản bị đe dọa bởi quan hệ mang tính ý thức hệ đó. Cánh Cò viết một cách mỉa mai lời cám ơn ông Tập Cận Bình rằng ông Tập đã cho nhân dân chúng tôi bừng tỉnh trước chính sách hai mang “đưa người cửa trước, rước người của sau”của Đảng. Chỉ thiệt hại cho nhân dân khi những đám người được đưa được rước ấy ra về thì cả cái khố nhỏ xíu của chúng tôi cũng bay đâu mất nói chi tới biển đảo ngoài kia?
Tác giả Trần Quý Cao cũng châm biếm:
Ông ta đến thì cũng tốt thôi
Dù dân chúng đã hiểu rằng đảng CSVN không do dân, vì dân, nhưng lần này, thật tốt thay, đảng tự xác nhận trước thanh thiên bạch nhật rằng họ là bạn của kẻ dân chúng xem là “thế lực ngoại bang thù địch”, rằng họ dựa vào kẻ cướp đất cha ông và giết hại đồng bào để duy trì quyền thống trị lạc hậu, mù quáng và ích kỉ của họ! Chuyến thăm Việt Nam của ông ta lần này càng để dân chúng khẳng định rằng cái “thế lực thù địch từ bên trong đất nước” khiến tổ quốc Việt Nam chậm tiến, mất lãnh thổ, mất tự chủ… chính thật là đảng CSVN! Chẳng phải ông ta tới là tốt hay sao?
Chống Trung quốc hay chống cộng sản?
Nhà văn Mai Tú Ân viết rằng ông từ khước tình hữu nghị với nước Trung quốc Cộng sản
Với những gì đã trải qua trong lịch sử hiện đại của chúng ta, thì người Việt Nam nay đã xác định rõ ràng rằng, nước CHND Trung Hoa là một nhà nước không thể làm bạn, không nên làm bạn và không bao giờ làm bạn. Dân tộc ta không thể làm bạn với một Trung Quốc do Đảng cộng sản nắm quyền được. Muôn đời không thể. Cho đến khi nào, cái Nhà Nước Đỏ đáng bị nguyền rủa đó trả lại cho chúng ta tất cả đất đai, biển đảo của tổ tiên chúng ta, hoặc cho đến khi chúng hóa kiếp tự diệt vong đi.
Tình cảm chống Trung quốc vốn có một lịch sử lâu đời ở Việt nam, nó lại bùng lên theo sau những lấn lướt mang tính bá quyền của nước Trung quốc ngày nay. Điều trớ trêu là tình cảm ấy lại gặp một trở ngại từ lý do ý thức hệ, vì cả hai nước đều mang tên cộng sản, những quốc gia cộng sản hiếm hoi còn sót lại trên trái đất.
Qua Việt Nam, ông có thể mua chuộc hay dọa dẫm một ai đó – bằng tiền hay bằng quyền. Ông có thể tiếp tục lừa bịp một ai đó – bằng lý luận “đại cục”, bằng cái gọi là “cùng ông tổ Mác Lênin”. Nhưng nhất định ông không thể mua chuộc, dọa dẫm hay lừa bịp được nhân dân Việt Nam!
Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng
Tình cảm chống Trung quốc đã thúc đẩy một ý tưởng nổi lên ở Việt nam trong thời gian qua, đó là ý tưởng Thoát Trung!
Biểu tình chống ông Tập Cận Bình tại Sài Gòn hôm 5/11/2015.
Biểu tình chống ông Tập Cận Bình tại Sài Gòn hôm 5/11/2015.
Nhưng nhiều trí thức lại đặt ra vấn đề là Thoát Trung có nghĩa là thoát khỏi nước Trung quốc đơn thuần hay là thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản?
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu cho rằng thực chất của Thoát Trung ngày nay chính là thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản.
Ông viết trên Bauxite Việt nam một bài phân tích về quan hệ Việt nam Trung quốc hiện nay và đi đến kết luận:
Tóm lại là toàn bộ âm mưu đô hộ kiểu mới của Đại Hán đối với Việt Nam được thiết kế trên cái nền Cộng sản. Chừng nào còn đứng chung trên cái mặt bằng Cộng sản chung ý thức hệ ấy thì dân Việt vẫn như bị ngồi trên con tàu đã thiết kế sẵn đường ray. Dân Việt muốn chạy thoát khỏi cơn nô lệ mới chỉ có một cách là từ bỏ cái nền tảng ấy, mặt bằng ấy, con tàu ấy, đường ray ấy. Đó là đáp số duy nhất cho bài toán của Dân tộc chúng ta.
Nhưng cũng có những nhận xét đi ngoài ý thức hệ.
Hai nhà nghiên cứu Jonathan London và Vũ Quang Việt quan sát rằng nếu nhìn suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt nam thì chính sách ngoại giao của Việt nam chủ trương không liên minh bấy lâu nay không phải là điều không hay, và giữ một quan hệ tốt đẹp với Trung quốc là một điều có lợi cho Việt nam. Tuy nhiên hai ông cũng kêu gọi Việt nam không nên tránh né một vai trò chủ động hơn trong quan hệ ấy, và tương lai của cả dân tộc Việt nam phụ thuộc vào điều đó.
Cũng theo khuynh hướng suy nghĩ đó, blogger Cao Huy Huân cho rằng chính việc Trung quốc xâm lấn, lấn lướt Việt nam lại là điều kiện tốt để cho đảng cộng sản Việt nam lấy lại tính chính danh của mình nếu biết đứng về phía dân chúng chống lại những tham vọng bành trướng.
Diễn Biến Hòa Bình
Điều mà Cao Huy Huân nêu lên không hề dễ dàng đối với các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam. Mới đây, trong một bài phát biểu, ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng quốc phòng, người vốn được xem là thân cận Trung quốc, nói rằng nếu để cho những phong trào đối lập nổi lên dẫn tới việc đảng cộng sản mất thì biển đảo cũng sẽ mất. Qua câu nói đó người ta thấy rằng ông đặt an nguy của đảng của ông lên trên lợi ích của dân tộc Việt nam.
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc cho rằng đó là điều ông Thanh ngụy biện:
Tuyệt đối không có bằng chứng nào cho thấy một chế độ dân chủ sẽ trở thành yếu ớt hơn trong việc bảo vệ độc lập và chủ quyền của đất nước. Nếu không muốn nói, ngược lại. Chế độ dân chủ có hai mặt mạnh mà một chế độ độc tài không có: Thứ nhất là dễ có liên minh rộng rãi và vững chắc với các nước khác trên thế giới; và thứ hai là dễ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng.
Nói tóm lại, lập luận “mất đảng, mất chế độ thì mất biển đảo” chỉ là một sự nguỵ biện. Nó không đúng. Nó chỉ biện hộ cho việc duy trì chế độ độc tài tại Việt Nam mà thôi.
Nỗi sợ hãi về sự sống còn của chế độ của những người cộng sản lâu nay được gói gọn trong dòng chữ diễn biến hòa bình, tức là một cuộc cách mạng ôn hòa dẫn tới đa nguyên đa đảng, và như thế sẽ xóa đi vị trí độc tôn của đảng cộng sản.
Từ Pháp, Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy cho rằng
Chế độ dân chủ có hai mặt mạnh mà một chế độ độc tài không có: Thứ nhất là dễ có liên minh rộng rãi và vững chắc với các nước khác trên thế giới; và thứ hai là dễ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc
“Diễn biến hòa bình” chỉ là một cụm từ thôi. Chỉ là một nỗi sợ hãi không có thật. Đừng để cho ngôn ngữ trở thành sợi dây thòng lọng siết cổ cả một dân tộc. Từ xưa tới nay lịch sử luôn ghi công cho những lãnh đạo dám vượt qua mọi định kiến và ràng buộc để hành động vì danh dự quốc gia, vì sự phát triển, sự độc lập và sự trường tồn của dân tộc.
Và bà chứng minh rằng không có gì phải sợ hãi cả, khi mà chính ông Nguyễn Phú Trọng người đứng đầu đảng dường như cũng đã tự diễn biến khi ông bước chân vào tòa Bạch Ốc, trung tâm của những giá trị dân chủ và đa nguyên.
Cũng từ nơi sống lưu vong là nước Pháp dân chủ, cựu Đại tá quân đội cộng sản Việt Nam Bùi Tín nêu lên trường hợp nước Bielorus đang tách dần ra khỏi nước Nga như thế nào, và ông so sánh việc đó với quan hệ Việt nam Trung quốc, ông kêu gọi những nhà lãnh đạo Việt nam hãy can đảm lên
Nhóm lãnh đạo và nhóm trí thức nào sẽ vận dụng linh hoạt những kinh nghiệm quý báu của Belarus vào thực tiễn nước ta, với những quyết sách mạnh bạo, sáng tạo, độc đáo, có trách nhiệm cao, vì cuộc sống xứng đáng làm người của nhân dân?
Một hướng đi quá dễ khi có thiện chí, cũng quá khó nếu như còn chủ nghĩa cá nhân, vẫn nhẫn tâm quay lưng lại với nhân dân, với đồng bào ruột thịt đang khao khát tự do.
Đó cũng là sự can đảm mà Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy kêu gọi người dân Việt nam xuống đường chống ông Tập Cận Bình, vì Lịch sử của chúng ta là do chúng ta tạo ra, bằng chính hành động của mình.

No comments:

Post a Comment