Saturday, November 28, 2015

Philippines kiện Trung Quốc: Việt Nam 'tiến thoái lưỡng nan'

HÀ NỘI (NV) - Đó là nhận định của ông Dương Danh Huy, thành viên Quỹ Nghiên Cứu biển Đông về thế khó xử của Việt Nam trong vụ kiện này.
Bản đồ mô phỏng yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông. (Hình: Janes.com)

Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông hồi năm 2013 tại Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc. Sau khi nhận đơn kiện của Philippines, tòa này đã vài lần yêu cầu cả Philippines lẫn Trung Quốc bổ túc bằng chứng, lý lẽ.

Dẫu khăng khăng khẳng định có đầy đủ bằng chứng không thể tranh cãi về chủ quyền tại biển Đông, thậm chí tuyên bố biển Đông là tài sản do tổ tiên để lại nhưng Trung Quốc dứt khoát không đáp ứng yêu cầu của Tòa Trọng Tài về Luật Biển. Thậm chí Trung Quốc còn cho rằng, Tòa Trọng Tài về Luật Biển vô năng, không có thẩm quyền phân xử.

Ngày 29 tháng 10, Tòa Trọng Tài về Luật Biển chính thức tuyên bố, cơ quan này có đầy đủ thẩm quyền để phân xử vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông.
Trung Quốc vẫn tiếp tục tuyên bố, quốc gia này “không chấp nhận việc Tòa Trọng Tài về Luật Biển phân xử vụ kiện,” “không tham dự tiến trình phân xử”và “không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào của Tòa Trọng Tài về Luật Biển.”

Kể từ 24 tháng 11 đến cuối tháng này, Tòa Trọng Tài về Luật Biển nghe các bên điều trần.

Theo nhận định của ông Huy, khi Tòa Trọng Tài về Luật Biển khẳng định có đầy đủ thẩm quyền để phân xử vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông, Philippines đã thắng gần như hoàn toàn trong bước đầu.

Trong 15 đề nghị mà Philippines nêu ra để đề nghị Tòa Trọng Tài về Luật Biển phân xử, tòa xác nhận có thẩm quyền phân xử ít nhất bảy điểm, bảy điểm khác tòa sẽ tiếp tục xem xét về yếu tố thẩm quyền qua các phiên điều trần.

Dẫu Việt Nam có lợi khi Philippines thắng kiện (tòa bác yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền ở biển Đông) nhưng quan điểm của Philippines (bãi đá Vành Khăn, bãi đá Cỏ Mây và bãi đá Xu Bi vì lúc nổi, lúc chìm nên không những không có lãnh hải mà còn không quốc gia nào có thể đòi chủ quyền. Ngoài ra, bởi vị trí địa lý, bãi đá Vành Khăn và bãi đá Cỏ Mây sẽ thuộc vùng đặc quyền kinh tế - EEZ và thềm lục địa của Philippines) sẽ dẫn đến hệ quả là thắng lợi của Philippines mâu thuẫn với quyền lợi của Việt Nam.

Ông Huy nêu ra hàng loạt thắc mắc: Liệu Việt Nam có chấp nhận từ bỏ chủ quyền đối với hai bãi đá Vành Khăn và Cỏ Mây hay không? Thậm chí nếu lập luận của Philippines được tòa chấp nhận, Việt Nam có chấp nhận giao thêm các bãi đá: Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ mà Việt Nam đang chiếm giữ cho Philippines hay không? Hoặc nếu tòa chấp nhận quan điểm của Philippines, không cho ngư dân Trung Quốc khai thác hải sản bất hợp pháp trong EEZ của Philippines thì ngư dân Việt Nam cũng sẽ không còn quyền đánh bắt hải sản ngoài phạm vi 12 hải lý của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển Philippines, vậy Việt Nam có đồng ý hay không?

Trên thực tế, Việt Nam từng khẳng định, Tòa Trọng Tài về Luật Biển có thẩm quyền để phân xử vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông và tuyên bố bảo lưu các quyền lợi của mình nhưng lại im lặng, không cho biết quan điểm về các lập luận pháp lý của Philippines, cũng không cho biết quyền lợi của mình cụ thể là gì!

Theo ông Huy, nếu Việt Nam chỉ đòi chủ quyền đối với các đảo (những thực thể cao hơn mức thủy triều) và lãnh hải 12 hải lý quanh các đảo thì sẽ không có mâu thuẫn quyền lợi giữa Philippines và của Việt Nam. Còn nếu Việt Nam đòi chủ quyền ở những bãi đá lúc nổi lúc chìm cách các đảo này hơn 12 hải lý và cách Philippines dưới 200 hải lý như (Vành Khăn, Cỏ Mây, Tốc Tan, Núi Le và Tiên Nữ) thì sẽ có mâu thuẫn quyền lợi với Philippines.

Việt Nam đang lâm vào thế khó xử vì nếu phản đối lập của Philippines thì vô hình trung là giúp Trung Quốc và có thể gây phương hại cho EEZ cũng như thềm lục địa của mình dọc bờ biển. Còn im lặng thì nếu tòa công nhận lập luận của Philippines, Việt Nam sẽ khó có cơ sở để nêu yêu sách về những bãi đá đã kể.

Dường như Việt Nam chẳng tính toán gì trong việc cân bằng giữa hai yếu tố, chống yêu sách của Trung Quốc và bảo vệ các quyền lợi trong khu vực quần đảo Trường Sa.


Ông Huy nhấn mạnh, ông nêu ra những phân tích vừa kể không nhằm khuyên chính quyền Việt Nam nên như thế nào mà chỉ cho thấy, trước một bài toán hóc búa, liên quan đến quyền lợi lâu dài của quốc gia, dường như chính quyền, các chuyên gia lẫn giới trí thức Việt Nam cùng bỏ qua, không phân tích để cả Quốc Hội lẫn dân chúng suy nghĩ để tìm lời giải. (G.Đ)
11-28-2015 1:23:39 PM 

No comments:

Post a Comment