(Kiến Thức) - Từ khi bãi rác hoạt động, cuộc sống tại thôn An Sơn, xã Xuân Sơn thành địa ngục, người dân ăn cơm mắc màn, nói chuyện đeo khẩu trang vì ô nhiễm...
Thời gian vừa qua, Báo Kiến Thức nhận được phản ánh của người dân sống tại thôn An Sơn, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội phải sống trong cảnh “ăn cơm mắc màn, nói chuyện đeo khẩu trang”,… vì ruồi muỗi, mùi hôi thối bốc ra từ điểm tập kết và xử lý rác thải cách đó 500m.
Ăn cơm phải mắc màn, nói chuyện đeo khẩu trang
Theo tìm hiểu của PV, bãi rác tại thôn An Sơn, xã Xuân Sơn bắt đầu xây dựng từ năm 2009 và chính thức hoạt động từ năm 2012. Từ khi bãi rác hoạt động đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
"Nó khiến cuộc sống nơi đây trở thành địa ngục. Tiếng máy nổ đinh tai, nhức óc; mùi hôi thối từ những bãi rác; mùi khét lẹt từ những ống khói trong bãi đốt rác, xử lý rác thải,…. Chúng tôi ngồi ăn cơm phải mắc màn vì quá nhiều ruồi. Thậm chí nhiều lúc ngồi nói chuyện với nhau cũng phải đeo khẩu trang vì mùi nặng quá” - bà Hoàng Thị Tám (trú tại thôn An Sơn, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây) bày tỏ.
Mâm cơm vừa bỏ lồng bàn ra, chưa đầy 5 phút ruồi nhặng đã bu đầy
Bà Tám cho biết, người lớn, trẻ nhỏ ở đây phải thường xuyên đi viện vì mắc bệnh tai - mũi - họng. Có đứa 3 tuổi đã bị viêm xoang nặng, một số đứa phải đi hút dịch cả tuần mới hết cái khói đen ám trong mũi. Tính về ung thư ở khu vực này cũng tương đối, đa phần là bị ung thư phổi, ung thư vòm họng…
“Để tránh ruồi, chúng tôi phải đóng cửa gần như 24/24 giờ, các lỗ thông gió đều phải bịt kín. Trước khi ăn cơm phải tắt điện, xua hết ruồi trong nhà ra, đóng cửa, bật điện, rồi mới dám ăn. Thậm chí nhiều nhà phải ăn trong màn vì nhiều ruồi quá. Khổ nhất là nhà nào có hiếu hỉ, ruồi nhặng bu đầy mâm cỗ, bay vo ve trên đầu, nhìn là phát khiếp” – bà Tám bức xúc.
Một số hộ dân phải ăn cơm trong màn vì quá nhiều ruồi.
Không chỉ bị ô nhiễm về không khí, người dân cho biết, khu vực này còn bị ô nhiễm nghiêm trọng về nguồn nước. “Nhà tôi liền kề với bãi rác. Điểm tập kết rác thải của nhà máy cao như núi, gấp hai lần nóc nhà tôi. Có cái ao nhỏ gần đó, thỉnh thoảng tôi hay xuống cắt cỏ, rửa chân tay, nhưng từ khi nhà máy rác hoạt động, có lần xuống rửa chân về bị lở loét, ngứa thành vùng như bị tổ đỉa nên tôi chẳng dám lội xuống nữa” – ông Hoàng Ngọc Ân kể lại.
Theo người dân, nguồn nước sạch ở đây rất khan hiếm, lúc có, lúc không. Hộ nào có tiền thì mua nước ở nơi khác về dùng. Hộ nào không có tiền thì phải dùng nước giếng khoan, giếng đào. Nhưng muốn dùng được nước này phục vụ cho sinh hoạt, người dân phải cho lọc qua các bể lọc, tuy nhiên nước vẫn không tránh khỏi việc có mùi tanh và có màu hơi hanh vàng.
“Mỗi nhà phải mua một bình lọc nước để lọc lấy nước sạch phục vụ sinh hoạt ăn uống hàng ngày còn nước đã lọc qua bể lọc chỉ để tắm rửa. Cứ một tuần người dân phải thay quả lọc một lần vì quả lọc vàng khè không thể lọc thêm được.” – bà Tám cho nói.
Cứ một tuần người dân phải thay quả lọc một lần.
Anh Lương Trung Kiên cho hay, năm 2011, UBND TP Hà Nội phê duyệt đề án giải phóng mặt bằng (GPMB) di chuyển các hộ dân trên địa bàn thị xã Sơn Tây ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường của Khu xử lý rác thải Xuân Sơn. Sau đó, UBND thị xã Sơn Tây đã ra quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với hơn 200 hộ dân.
Do không đồng tình với mức giá hỗ trợ, bồi thường GPMB và phân loại nguồn gốc sử dụng đất, 17 hộ tại thôn An Sơn trong số trên đã có đơn khiếu nại. Sau nhiều lần thỏa thuận bất thành, các hộ dân gồm: hộ ông Hoàng Ngọc Ân, bà Hoàng Thị Tám, bà Hoàng Thị Hoa, anh Lương Trung Kiên, bà Nguyễn Thị Uyên đã khởi kiện UBND thị xã Sơn Tây ra tòa và đã thắng kiện.
Tuy nhiên, đã hơn một năm kể từ khi các bản án sơ thẩm và phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, các hộ dân trên vẫn không được di dời khỏi vùng ảnh hưởng của bãi rác. Hằng ngày họ phải sống chung với ô nhiễm. “Chúng tôi mong các cấp các ngành sớm thi hành bản án để chi trả cho người dân, chúng tôi được chuyển đi, chứ cứ sống trong môi trường thế này thì trước khi nhận được bồi thường để rời đi, chúng tôi cũng chết vì bệnh tật rồi.” – ông Ân chia sẻ.
Bãi rác nhìn từ phía sau nhà ông Ân.
Người dân sống ngấp ngoải, chính quyền bảo phải chờ
Trao đổi với báo chí, bà Phan Thị Minh Hạnh - Phó ban Giải phóng mặt bằng thị xã Sơn Tây cho biết, sở dĩ UBND thị xã Sơn Tây chưa thực thi các bản án sơ thẩm là vì vướng mắc nhiều lý do.
Thứ nhất, vào thời điểm năm 2014, khi các bản án sơ thẩm của hộ dân được tuyên, Quỹ Phát triển đất TP Hà Nội chưa tạm ứng kinh phí nên Ban Giải phóng mặt bằng (GPMB) thị xã Sơn Tây không có vốn để phê duyệt cho bản án, thực hiện quy trình bồi thường cho các hộ dân.
“Tính đến thời điểm năm 2013, UBND thị xã đã chi trả 299,9 tỉ đồng được phê duyệt cho dự án. Số tiền 25,5 tỉ đồng còn lại do 17 hộ dân không đồng ý nhận nên UBND thị xã đã linh hoạt giải ngân cho các hộ dân khác trong dự án. Năm 2014, Quỹ Phát triển đất TP chỉ tạm ứng cho chúng tôi hơn 1 tỉ đồng nên chưa có tiền để thi hành bản án” – bà Hạnh nói.
Đến tháng 5/2015, sau khi được Quỹ Phát triển đất TP Hà Nội cấp kinh phí, Ban GPMB thị xã Sơn Tây đã hoàn thiện hồ sơ để có cơ sở điều chỉnh phương án bồi thường theo quyết định của tòa án. Cụ thể, đối với hộ ông Ân và ông Kiên phải xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, hoàn thiện biên bản kiểm đếm,… Sau đó, Ban GPMB thị xã Sơn Tây phải tham mưu cho UBND thị xã Sơn Tây xin ý kiến của thành phố về việc bồi thường, hỗ trợ cho các hộ trong bản án sơ thẩm là theo Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội hay là Luật Đất đai năm 2013. Bởi đến nay Quyết định số 108 đã hết hiệu lực.
Sau một hồi giải thích lòng vòng về việc tại sao chưa thực thi bản án, bà Hạnh cho hay, thời điểm hiện tại, Ban GPMB thị xã Sơn Tây đang ở giai đoạn hoàn thiện hồ sơ nên chưa xin ý kiến của UBND TP Hà Nội về chính sách hỗ trợ bồi thường.
Thứ 2, đối với các bản án phúc thẩm số 72 của bà Hoàng Thị Hoa và số 73 của bà Đào Thị Tám, bà Hạnh xác nhận, tháng 7/2014, UBND thị xã Sơn Tây đã nhận được bản án nhưng không đồng ý với quyết định của TAND TP Hà Nội nên UBND thị xã Sơn Tây đã có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. TAND Tối cao và VKSND Tối đã nhận đã nhận đơn, tuy nhiên, đến nay cả hai cơ quan này đều chưa có phản hồi về việc có kháng nghị hay không, do vậy UBND thị xã Sơn Tây đang phải chờ.
“Không phải chúng tôi không thi hành bản án, nếu như UBND thị xã Sơn Tây không đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm thì bản án đã được thi hành ngay. Hiện chỉ chờ việc có thụ lý hay không và kết quả giám đốc thẩm ra sao mà thôi. Nếu thanh toán kinh phí bồi thường, sau này có giám đốc thẩm cho thấy bản án trên không đúng, lúc này sẽ rất khó để thu hồi.” - bà Hạnh khẳng định.
PV báo Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin thêm…
Hồng Liên
No comments:
Post a Comment