Theo Người Việt-09-25-2015 6:27:57 PM
Ngô Nhân Dụng
Ðọc câu tựa đề trên đây, quý vị biết ngay còn một vế thứ hai: Mà hãy nhìn kỹ những gì Tập Cận Bình làm. Trước khi sang thăm Mỹ chuyến này, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã viết bài trả lời nhật báo Wall Street Journal, trong đó có một đoạn giải thích tại sao Trung Cộng xây phi trường trên các hòn đảo nhân tạo vùng Trường Sa, mà người Tàu gọi là Nam Sa. Ngay câu đầu tiên Tập Cận Bình viết trả lời bài phỏng vấn đã nói một điều gian dối trắng trợn: “Từ thời xưa Nam Sa đã thuộc địa phận Trung Quốc; theo các bằng chứng lịch sử và luật pháp.”
Nếu chính quyền Cộng Sản Việt Nam có can đảm và thực lòng yêu nước, họ phải bắt lấy lời khẳng định này mà thách đố đảng Cộng Sản Trung Quốc ra trước một tòa án quốc tế, hai bên cùng đưa ra những bằng chứng lịch sử và pháp lý, mời các luật gia và sử gia thế giới cùng phán đoán xem Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quốc gia nào. Bằng chứng pháp lý gần nhất là hiệp định chấm dứt cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, khi Nhật Bản chấp nhận từ bỏ chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nga Xô đề nghị trao các quần đảo này cho chính phủ Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch, đề nghị này đã bị bác bỏ với tỷ số 46/3. Thủ tướng chính phủ Quốc gia Việt Nam lúc đó là ông Trần Văn Hữu đã tuyên bố các quần đảo trên thuộc chủ quyền nước Việt Nam, và không một quốc gia nào phản đối. Bằng chứng lịch sử hiển nhiên nhất là hai lần quân đội Trung Cộng đã tấn công và đánh chiếm Hoàng Sa (năm 1974) và đảo Gạc Ma (Trường Sa, năm 1988).
Chính quyền Cộng Sản Việt Nam có bổn phận trưng ra khắp thế giới những sự thật trên đây, để cho thế giới thấy Tập Cận Bình nói những lời dối trá không biết ngượng.
Trong bài phỏng vấn của Wall Street Journal, Tập Cận Bình còn nói rằng: “Việc xây dựng và tu bổ những tiện nghi trên một số đảo và đá san hô có đóng quân trong quần đảo Nam Sa không nhằm gây ảnh hưởng hoặc nhắm vào một quốc gia nào cả,... Các cơ sở này dựng lên để cải thiện điều kiện sống và làm việc của các nhân viên hàng hải người Trung Hoa, cung cấp các dịch vụ và tiện ích công cộng cho cộng đồng quốc tế, và bảo vệ an ninh cùng quyền tự do hải hành trong biển Nam Trung Hoa tốt đẹp hơn.” Tất nhiên, cả thế giới không ai tin những lời ngụy biện mơ hồ này. Những phi trường, pháo đài, căn cứ quân sự mà Trung Cộng mới xây dựng không hề bảo vệ mà còn “đe dọa an ninh và quyền tự do hải hành.” Bằng cớ là quân lính Trung Cộng đã đe dọa các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam từ hai chục năm nay, trước khi xây các căn cứ đó.
Cả thế giới không ai ngây thơ tin vào những lời gian trá mà Tập Cận Bình mới nói. Cũng không ai tin khi Tập Cận Bình cam kết trước các doanh nhân Mỹ, để mời các công ty sang hoạt động ở Trung Quốc nhiều hơn. Một mối lo của các công ty sống nhờ phát minh, sáng chế là các sáng kiến kỹ thuật của họ bị ăn cắp. Tập Cận Bình đã bảo đảm với họ: “Chính phủ Trung Quốc không làm công việc ăn trộm trong thương mại, cũng không khuyến khích hoặc hỗ trợ ai làm việc đó.” Có ai tin vào lời hứa hẹn “không ăn cắp” của Tập Cận Bình hay không?
Năm ngoái, chính phủ Mỹ đã truy tố năm công dân Trung Cộng về tội “ăn cắp bằng kỹ thuật tin học” (hacking) ít nhất ba cơ sở thương mại ở Mỹ: Công ty Westinghouse Electric, công ty khai mỏ Alcoa, và cả một tổ chức lao động: Công đoàn Quốc tế Công nhân Dịch vụ. Cơ quan Ðiều tra Liên bang (FBI) đã thiết lập một mạng chuyên thông tin và nạn gián điệp kinh tế, trong đó Trung Quốc là trọng tâm. Người Tàu sử dụng nhiều kỹ thuật ăn cắp: Ðiều tra về nhân viên các công ty Mỹ, xem có thể mua chuộc hay dọa nạt ai, dùng các mạng giao tế LinkedIn hay Facebook trong công việc điều tra và tuyển mộ này, và chụp hình bên trong các cơ sở thương mại không được bảo vệ.
Ngay lúc Tập Cận Bình mới đặt chân trên đất Mỹ được hai ngày, ngày 24 tháng 9, 2015, nhật báo Wall Street Journal loan tin một bản báo cáo mới đã công bố đích danh một tin tặc, mang tên Ge Xing (có thể là Cá Tính, một biệt hiệu vô nghĩa). Báo cáo này do các công ty làm việc cho Bộ Quốc Phòng Mỹ về an ninh tin học soạn (dưới tên gọi chung, ThreatConnect and Defense Group). Ðiều đặc biệt là bản báo cáo có các khám phá mới, cho biết tay ăn trộm tin học Ge Xing làm việc cho Ðơn vị 78020 thuộc ngành tình báo quân đội Trung Quốc. Hoạt động tin tặc của Ðơn vị 78020 mang một mật danh là Naikon, nhắm vào các nước vùng Ðông Nam Á như Cambodia, Indonesia, Malaysia, the Philippines, Thailand và Singapore. Naikon đã đột nhập các máy computer và mạng lưới tin học để thu lượm các tin tức quân sự, ngoại giao, kinh tế, tại các nước trên. Bản báo cáo không nhắc đến tên Việt Nam như một mục tiêu tấn công của Naikon, có thể vì ở Việt Nam quân đội Trung Cộng có những phương pháp rẻ tiền hơn, không cần đến kỹ thuật tin tặc.
Ngày Thứ Sáu, 25 tháng 9, hai ông Obama và Tập Cận Bình đều lên tiếng hai nước cam kết không dùng tin tặc tấn công và ăn cắp lẫn nhau, nhưng không ai có thể tin lời ông Tập Cận Bình. Ở nước Mỹ, theo pháp luật, ông Obama không thể ra lệnh cho các công ty tư nhân, từ lớn đến nhỏ. Nhưng ở nước Tàu, Tập Cận Bình có quyền ra lệnh cho tất cả một tỷ người, không những nhân viên chính phủ và quân đội mà còn tất cả các công ty tư nhân nữa. Chủ tịch một công ty tư nhân, Shuanghui (Song Hội) với số bán thịt heo hàng chục tỷ Mỹ kim mỗi năm, thú nhận rằng “Bộ Chính Trị là hội đồng quản trị tối cao” của tất cả các công ty!
Trong số các nhà kinh doanh gặp ông Tập Cận Bình ở Seattle có các người lãnh đạo các công ty nổi tiếng đã từng bị tin tặc Trung Cộng ăn trộm, gồm có Boeing, Microsoft, General Motors hay Apple.
Năm ngoái, công ty Boeing biết họ là một nạn nhân khi Bộ Tư Pháp Mỹ loan báo đã bắt một người Trung Hoa tên là Stephen Su, làm việc ở Canada, đã ăn trộm các tài liệu về thiết kế máy bay C-17 để chuyển cho chính phủ Trung Cộng. Stephen Su cũng ăn trộm các dữ liệu từ công ty quốc phòng Mỹ Lockheed Martin. Năm nay, Bill Gates đã tiếp ông bà Tập Cận Bình trong biệt thự của mình, cũng như năm 2006 đã tiếp Hồ Cẩm Ðào; mặc dù các tin tặc của chính phủ Bắc Kinh đã nhiều lần tìm cách đột nhập mạng phòng thủ của Microsoft. Tháng 5 năm nay, Bộ Tư Pháp Mỹ cũng truy tố sáu công dân Trung Cộng ăn cắp các tài liệu về sáng chế máy iPhone của Apple. Xa hơn, năm 2012, hai kỹ sư gốc Hoa làm cho của hãng General Motors bị bắt vì ăn trộm các kỹ thuật làm xe hơi hybrid vừa chạy điện vừa chạy xăng để bán cho công ty xe hơi Chery bên Tàu. Các công ty đã từng bị tin tặc Trung Cộng ăn trộm phải kể thêm Google, DuPont, Dow Chemical, Goldman Sachs.
Trung Cộng là chính quyền làm công việc ăn cắp tin học với quy mô lớn nhất thế giới; nhưng các công ty Mỹ vẫn tiếp tục làm ăn với họ, vì mối lợi rất lớn. Việc đề phòng, bảo vệ các bí mật thương mại, kinh tế, kỹ thuật là việc họ phải làm thường xuyên, dù có khách hàng Trung Cộng hay không. Chính phủ Mỹ cũng có bổn phận bảo vệ an ninh cho các công ty Mỹ, với bất cứ nước thù hay bạn nào. Tính chung, các công ty trong danh sách S&P 500 mỗi năm thu được 170 tỷ Mỹ kim trong thị trường Trung Quốc. Các công ty như Qualcomm, Intel (tin học), Yum Brands (quán ăn) Wynn Resorts (du lịch, sòng bài) thu lợi ở Trung Quốc nhiều hơn tất cả các nơi khác. Hãng thông tin kinh tế Bloomberg cho biết trong chuyến thăm Mỹ lần này của Tập Cận Bình, các hãng hàng không Trung Quốc sẽ mua tổng cộng 38 tỷ Mỹ kim các máy bay của Boeing. Với những mối hàng như vậy, Boeing đã nhắm mắt bỏ qua những vụ trộm cắp vặt, như kỹ thuật làm chiếc máy bay C-17!
Ðầu năm 2015 vụ ăn trộm nổi tiếng nhất được tiết lộ nhắm vào là nhân viên làm việc cho chính phủ Mỹ, với 21 triệu hồ sơ cá nhân bị mất cắp. Mỹ đã tố giác bàn tay Cộng Sản Trung Hoa trong vụ ăn cắp này. Lúc đầu Bắc Kinh nhất định chối cãi, như họ vẫn thường làm. Nhưng trước những lời đe dọa trừng phạt kinh tế, và để xoa dịu tình thế trước khi Tập Cận Bình công du, họ đã chịu nhượng bộ và ngồi xuống thảo luận. Chính quyền Mỹ đợi sau chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình, sau những lời tuyên bố long trọng “không ăn cắp lẫn nhau” của hai nguyên thủ quốc gia, sẽ đưa ra các điều kiện cụ thể hơn vào nghị trình. Tòa Bạch Ốc có thể chính thức đưa ra trước những biện pháp có thể thi hành để trừng phạt kinh tế, nếu Bắc Kinh không cam kết làm theo các biện pháp an ninh chung.
Ðối với những tay nói dối không biết ngượng và ăn cắp chuyên nghiệp, phải bày tỏ thái độ cương quyết, không nhượng bộ. Ðó là cách chính quyền Obama đối phó với nạn tin do Trung Cộng chủ mưu. Trước các lời dối trá về Trường Sa và Hoàng Sa, Cộng Sản Việt Nam phải chọn thái độ cương quyết như vậy, nếu không sẽ chịu tội trước lịch sử.
No comments:
Post a Comment