TP - Ngày 22/9, phát biểu tại Seattle (Mỹ) về vấn đề chống tham nhũng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Trung Quốc mong muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế truy bắt những kẻ tham nhũng bỏ trốn. Trung Quốc mong nhận được sự ủng hộ và hợp tác từ phía Mỹ để các phần tử tham nhũng Trung Quốc không có được “thiên đường trốn tội” ở nước ngoài”.
Có vẻ lời kêu gọi đó đã có tác dụng và nhận được phản ứng tích cực từ phía Mỹ bởi trưa ngày 24/9, trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (UBKTKLTW) đã đưa tin: “Chính phủ Mỹ đã cưỡng chế dẫn độ về Trung Quốc Quảng Uyển Phương, tội phạm phạm tội tham ô, nhận hối lộ. Đây là hành động quan trọng nữa của phía Mỹ trong việc hợp tác tư pháp chống tham nhũng Trung-Mỹ tiếp sau việc họ cưỡng chế dẫn giải về Trung Quốc tội phạm tham nhũng Dương Tiến Quân hôm 18/9”.
Trốn ở Mỹ 14 năm vẫn không thoát
Quảng Uyển Phương đã chạy trốn sang Mỹ 14 năm. Bà ta sinh năm 1967 ở Khai Bình, Quảng Đông, là vợ của Hứa Siêu Phàm, Giám đốc chi nhánh Khai Bình, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc, cùng phạm tội tham nhũng với chồng, năm 2001 chạy trốn sang Mỹ. Sau khi vụ việc xảy ra, hai nước đã tiến hành hợp tác về mặt tư pháp, Quảng Uyển Phương bị bắt và bị tòa án Mỹ xét xử, bỏ tù. Việc Quảng Uyển Phương được dẫn giải về nước khiến “Vụ án Khai Bình” từng chấn động cả nước 15 năm trước nay lại trở thành tâm điểm
dư luận.
dư luận.
“Vụ án Khai Bình” xảy ra năm 2001, khi đó được coi là “Vụ án ăn cắp tiền ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc”, các tội phạm đã lấy của ngân hàng trên 4 tỷ tệ (14 ngàn tỷ VNĐ). Theo Báo Pháp chế Trung Quốc, tháng 10/2001, để tăng cường quản lý, Ngân hàng Trung Quốc quyết định nhập 1.040 trung tâm máy tính trên cả nước thành một hệ thống, tập trung xây dựng 33 trung tâm mới. Khi kết mạng, trung tâm điều hành báo tổng số lỗ của toàn ngành là 80 triệu USD, nhưng sau đó nhanh chóng tăng lên thành 483 triệu USD. Ngân hàng Trung Quốc xảy ra vụ mất tiền lớn chưa từng có trong lịch sử. Qua điều tra, phân tích, khoanh vùng, cuối cùng tập trung ở điểm chi nhánh Khai Bình, Quảng Đông.
Đêm 13/10/2011, 3 đời giám đốc chi nhánh là Hứa Siêu Phàm, Dư Chấn Đông, Hứa Quốc Tuấn cùng nhau chạy trốn sang Hongkong rồi bay sang Mỹ. Trước đó, 3 bà vợ của họ sau khi làm thủ tục ly hôn giả đã nhanh chóng kết hôn với 3 gã Hoa kiều sau đó di dân sang Mỹ và đã lần lượt có được tấm thẻ Xanh công dân Mỹ từ 1999 đến 2001. Sau khi phát hiện vụ việc, Bộ Công an Trung Quốc đã chuyển tới Interpol lệnh truy nã của Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Đông đối với 3 quan tham Hứa Siêu Phàm, Dư Chấn Đông, Hứa Quốc Tuấn và Interpol nhanh chóng phát lệnh truy nã Đỏ.
Sau mấy năm truy lùng, ngày 16/4/2004, Dư Chấn Đông bị bắt, y nhận tội, chấp nhận về nước chịu sự trừng phạt của pháp luật nên bị dẫn giải về Trung Quốc, trở thành tội phạm kinh tế đầu tiên được phía Mỹ trao trả cho Trung Quốc theo trình tự pháp luật của Mỹ kể từ khi hai nước lập quan hệ ngoại giao năm 1972. Sau đó, ngày 31/3/2006, Tòa án thành phố Giang Môn (Quảng Đông) đã mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt Dư 12 năm tù và tịch thu tài sản 100 triệu tệ.
Hứa Siêu Phàm và Hứa Quốc Tuấn thì lựa chọn con đường ở lại, không chịu về nước. Ngày 6/5/2009, Tòa án Las Vegas đã xét xử Hứa Siêu Phàm, Hứa Quốc Tuấn về các tội rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền ăn cắp, lừa đảo hộ chiếu và thủ tục nhập cảnh, tuyên phạt Hứa Siêu Phàm 25 năm, Hứa Quốc Tuấn 22 năm tù và buộc trả lại 482 triệu USD tiền chúng đã ăn cắp, hai bà vợ là Quảng Uyển Phương và Dư Anh Tuấn cũng bị nhận án 8 năm tù.
Quảng Uyển Phương sau khi ly hôn giả với Hứa Siêu Phàm vào năm 1994 đã kết hôn giả với một người Mỹ gốc Hoa để dọn đường cho việc Hứa chạy trốn sang Mỹ sau này. Nhưng thật trớ trêu, tuy kết hôn giả, nhưng từ tháng 11/1994 đến khi có quốc tịch Mỹ ngày 22/7/2000, Quảng Uyển Phương đã kịp sinh thêm 3 đứa con với người chồng Mỹ, sau đó bà ta mới ly hôn với ông này rồi bị bắt năm 2004. Năm 2009, Quảng Uyển Phương bị Tòa án Mỹ xử phạt 8 năm tù và thụ án từ đó đến nay.
Dư luận cho rằng việc Quảng Uyển Phương bị dẫn giải về nước tuy là vụ việc bình thường, nhưng thời điểm mà phía Mỹ lựa chọn để dẫn giải cho thấy họ tỏ rõ thiện chí hợp tác đối với hành động “săn Cáo” trong chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là những kẻ như Hứa Siêu Phàm, Hứa Quốc Tuấn mặc dù đã bị tòa án Mỹ xét xử cũng có thể bị dẫn giải về nước để chịu sự trừng phạt theo pháp luật Trung Quốc.
Trước đây, một số kẻ phạm tội ở Trung Quốc cho rằng nếu chạy trốn sang Mỹ và những quốc gia chưa ký hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc thì “vạn sự đại cát”, có thể sống yên ổn cả đời với số tiền cuỗm được, nhưng việc Quảng Uyển Phương bị dẫn giải về đã đánh tan quan niệm này.
6 ngày trước đó, Dương Tiến Quân, một quan tham lẩn trốn ở Mỹ đã 14 năm cũng đã bị cưỡng chế dẫn giải về Trung Quốc. Dương Tiến Quân là kẻ có tên trong “Danh sách truy nã đỏ” và là em trai của “Trung Quốc đệ nhất nữ quan tham Dương Tú Châu” (Phó Thị trưởng Ôn Châu, Triết Giang, tham ô 253,2 triệu tệ rồi cùng cả nhà trốn sang Mỹ qua đường Singapore, đã bị bắt ở Hà Lan và bị tòa án Mỹ truy tố từ tháng 6/2015. Dương Tú Châu đứng đầu danh sách 100 quan tham bị truy nã trong chiến dịch Săn Cáo, phía Trung Quốc đề nghị Mỹ dẫn độ nhưng chưa được Mỹ đáp ứng). Dương Tiến Quân là người thứ 13 trong số 100 quan tham trong danh sách “truy nã Đỏ” đã bị dẫn giải về nước.
Được biết Dương Tú Châu hồi tháng 6/2015 đã chính thức đệ đơn xin tỵ nạn chính trị ở Mỹ, nhưng tình hình của bà ta không phù hợp với điều kiện tỵ nạn chính trị ở Mỹ vì trước khi tới Mỹ bà ta đã phạm tội nghiêm trọng phi chính trị và chính phủ Mỹ không cho phép loại người này được hưởng quy chế tỵ nạn chính trị. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật Mỹ, tòa án Mỹ sẽ xem xét đơn của Dương Tú Châu trong 6 tháng, nếu họ bác bỏ, bà ta có 3 tháng kháng cáo. Như thế, nếu thuận lợi thì sớm nhất cũng phải cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016 thì Dương Tú Châu mới được phía Mỹ dẫn giải về Trung Quốc.
“Săn cáo” được đưa ra vào tháng 7/2014 là một phần trong chương trình chống tham nhũng quy mô lớn “Đả hổ, săn cáo, đập ruồi” do ông Tập Cận Bình phát động từ khi lên cầm quyền vào năm 2013. Chiến dịch này nhằm vào các cựu quan chức mang theo những số tiền rất lớn trốn ra nước ngoài. Tính đến ngày 15/5/2015, Công an Trung Quốc đã truy bắt, đưa về nước được 150 quan tham ẩn náu tại 32 nước.
No comments:
Post a Comment