Sunday, September 27, 2015

Thực tế chương trình bảo hiểm y tế trẻ em ở vùng núi

Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA--2015-09-27 
 benh-vien-622.jpg
 Ảnh minh họa chụp tại một bệnh viện ở vùng núi. RFA
Việt Nam là đất nước có nhiều chương trình thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với trẻ em nhất, từ Tết Trung Thu cho đến ngày Quốc tế thiếu nhi, ngày bảo vệ bà mẹ và trẻ em, ngày tiêm chủng mở rộng… Rồi chương trình bảo hiểm y tế nhà nước đại thọ cho trẻ em từ 0 đến 5 tuổi… Nhưng, tất cả những chương trình này đều không được thực hiện tốt như đã tuyên truyền, ngược lại, trẻ em bị đối xử rất tệ ở các bệnh viện, vùng núi và ngay trong ngày Tết Trung Thu, các em cũng bị lợi dụng.

Trẻ em ở bệnh viện

Một người cha có con đang nằm viện ở Thanh Hóa, tên Trực, bức xúc: “Nói chung là bệnh viện nào cũng vậy thôi, như Huế hay Hà Nội gì cũng thế, nó ghi là cấm chạy chọt đút lót này nọ. Có vài bác sĩ có lương tâm thì ít nhiều gì đôi khi họ cũng có quan tâm, nhưng nhiều bác sĩ họ đòi hỏi, yêu cầu, đề nghị thẳng luôn, như gây khó để lấy tiền trắng trợn luôn. Đối với bệnh nhân có quyền thế thì không nói nhưng đa số người nhà mà không có tiền thì họ cho nằm mãi đó luôn, không xử lý. Từ trên xuống dưới vậy mà, trên ăn thì dưới cũng ăn”.
Nói chung là bệnh viện nào cũng vậy thôi, như Huế hay Hà Nội gì cũng thế, nó ghi là cấm chạy chọt đút lót này nọ. Có vài bác sĩ có lương tâm thì ít nhiều gì đôi khi họ cũng có quan tâm, nhưng nhiều bác sĩ họ đòi hỏi, yêu cầu, đề nghị thẳng luôn, như gây khó để lấy tiền trắng trợn luôn.
-Ông Trực
Ông Trực cho biết thêm là không riêng gì con trai ông mà hầu hết những trẻ em trong độ tuổi bảo hiểm y tế do nhà nước đài thọ hoặc bảo hiểm y tế học sinh đều bị đối xử rất lạnh nhạt, đầy vẻ hình thức và qua loa chiếu lệ. Thường thì bệnh viện luôn ưu tiên cho trẻ em con nhà giàu, cha mẹ của các em này chung chi đầy đủ cho đội ngũ bác sĩ, y tá. Ngược lại, cha mẹ các trẻ em nghèo không có tiền để đút lót trong bệnh viện, chỉ biết đứng nhìn con mình bị đối xử lạnh nhạt, tệ hại.
Sự lạnh nhạt, tệ hại này rất dễ nhận biết. Hầu như bậc làm cha làm mẹ nào có con đến bệnh viện đều nhận thấy nhưng không dám nói, sợ các bác sĩ, y tá nặng tay với con mình. Chính vì nỗi sợ này mà các bác sĩ, y tá thiếu lương tâm ngày càng hoành hành, chẳng coi ai ra gì.
Ông Trực nói rằng con của ông bị viêm hô hấp, nằm viện suốt hai tuần nay nhưng vẫn không thấy dấu hiệu thuyên giảm. Mỗi ngày có một bác sĩ đến khám qua loa, hỏi chuyện qua loa chưa đầy năm phút và sau đó y tá mang thuốc đến để chích, cho uống. Đương nhiên là những viên thuốc này có thể mua ngoài quầy thuốc tây với giá rất thấp, ông biết những viên thuốc này, một ít vitamin tổng hợp và thuốc cảm, thuốc kháng sinh.
benh-vien-400.jpg
Ngày càng nhiều người đưa con đến phòng khám tư nhân, bỏ qua sự chi trả của bảo hiểm ở bệnh viện. RFA PHOTO.
Cách đối xử của các bác sĩ, y tá đối với con ông thật là tệ, không thể hiện chút tình cảm lương y như mẹ hiền nào cả. Con trai ông Trực là một đứa trẻ ngoan, chăm học và nhạy cảm nên khi bị người ta đối xử lạnh nhạt, cháu rất buồn vì đã hiểu chuyện. Bên cạnh giường của con trai ông Trực là giường của con một quan chức cấp huyện. Trong lúc con trai ông và các bệnh nhân cùng phòng đều phải nằm hai, ba người trên mỗi giường thì cậu bé con trai quan chức cấp huyện này được ưu tiên nằm riêng một giường.
Không những vậy, cậu ta còn được mang các đồ chơi đến để trong góc phòng và các bác sĩ chăm sóc hết sức chu đáo, ân cần, tận tình. Ông Trực cho biết thêm là nhờ cha có quyền., lại có tiền, ông ta đã không cần giấu giếm, thưởng mỗi bác sĩ hai triệu đồng và mỗi y tá năm trăm ngàn đồng vào cuối tuần vì đã chăm sóc tốt cho con ông ta.
Với người làm nông như ông Trực, bỏ ra mười triệu đồng để thưởng cho các bác sĩ, y tá vào cuối tuần để con được chăm sóc tốt, được thực hiện đúng bảo hiểm y tế và chức năng thầy thuốc thì chắc chỉ còn nước bán nhà mới có thể làm nổi. Chính vì vậy, khi đến bệnh viện, nỗi lo của cha mẹ không chỉ riêng chuyện tiền bạc mà lo con mình bị tổn thương bởi không có tiền chung chi, phong bì cho bác sĩ, y tá, bị họ đối xử lạnh nhạt, tệ hại.

Trẻ em bị lợi dụng

Một người cha khác tên Hùng, đang có con nhỏ nằm viện tại thành phố Thanh Hóa, chia sẻ thêm: “Chăm sóc cho các bệnh nhân thì các bác sĩ chăm ở mức trung bình thôi. Về mức độ trách nhiệm thì 20% thôi. Bệnh viên thì cũng có người này người nọ, khi bệnh nhân hỏi thì có người họ trả lời, có người họ không trả lời. Nói chung là 50 -50.”
Chăm sóc cho các bệnh nhân thì các bác sĩ chăm ở mức trung bình thôi. Về mức độ trách nhiệm thì 20% thôi. Bệnh viên thì cũng có người này người nọ, khi bệnh nhân hỏi thì có người họ trả lời, có người họ không trả lời. Nói chung là 50 -50.
-Ông Hùng
Ông Hùng nói rằng hiện tại, trẻ em bị lợi dụng quá nhiều, chúng sinh ra như một cái cớ để các cơ quan liên đới tha hồ tùng xẻo túi tiền của cha mẹ chúng. Một đứa trẻ đến trường, muốn được đối xử tốt, dạy nghiêm túc thì cha mẹ chúng phải đút lót, phong bì cho giáo viên bằng cách này hoặc cách khác. Mặc dù đóng học phí đầy đủ nhưng cha mẹ học sinh phải đóng thêm tiền học thêm, tiền bồi dưỡng giáo viên… Kính thưa các khoản phí!
Khi con cái đến bệnh viện, tuy đã có bảo hiểm học sinh nhưng cha mẹ phải nộp nhiều khoản tiền khác nếu muốn con mình được đối xử bình đẳng, giống như bao trẻ em khác. Cái sự gọi là biết tử tế với y bác sĩ để con mình được chăm sóc tử tế đã thành thông lệ trên thực tế là chẳng hề tử tế chút nào. Bởi nếu tử tế, cha mẹ các bệnh nhân nhỏ tuổi này chỉ cần chăm lo, săn sóc cho con của họ là đủ.
Nhưng hiện tại, hầu như mọi bệnh nhân trẻ em đều không được đối xử tốt, thậm chí nguồn thuốc điều trị cho các em cũng không đúng với pháp đồ điều trị. Ví dụ như bệnh án của con ông Hùng, ngày nào cũng thấy ghi toàn thuốc ngoại, sáu, bảy loại thuốc khác nhau nhưng khi phát thuốc chỉ đúng ba viên do Việt Nam sản xuất, thuốc chích thì ngày có ngày không.
Vô hình trung, bệnh nhân trẻ em trở thành cái cớ để bệnh viện làm tiền với ngành bảo hiểm. Ở đây, ông Hùng chưa muốn bàn đến chuyện bảo hiểm đã xử sự như thế nào nhưng rõ ràng là có sự thiếu ngay thẳng giữa bệnh viện và bảo hiểm. Trong sự thiếu ngay thẳng này, bệnh nhân chịu trận nhiều nhất. Bởi bệnh viện khai thuốc tốt cho bệnh nhân, lấy nhiều tiền từ bảo hiểm nhưng lại cấp thuốc đểu cho bệnh nhân.
Ông Hùng cho rằng hầu hết trẻ em đều bị lợi dụng ở các bệnh viện, từ chỗ phác đồ điều trị ghi toàn thuốc tốt cho đến cách đối xử lạnh nhạt nhằm đục tiền của cha mẹ bệnh nhân. Nhìn chung, về hình thức thì các bệnh viện đều có treo bản ghi nội dung chống đút lót, chống lạnh nhạt với bệnh nhân, lương y như mẹ hiền… Nhưng trên thực tế, bệnh nhân vẫn chưa bao giờ được đối xử tốt hay đối xử công bằng, tử tế ở các bệnh viện.
Đến bao giờ trẻ em được đối xử công bằng ở bệnh viện?
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment