Sunday, September 27, 2015

Lạng Sơn: Bùng nổ nạn xâm lấn, chặt phá rừng

LẠNG SƠN (NV) - Gần đây, tại huyện Hữu Lũng xảy ra nhiều vụ tranh chấp, chặt hạ cây giữa người dân và lâm trường, khiến nhiều nông dân bị khởi tố vì tội “chiếm đoạt và hủy hoại tài nguyên rừng.”
Những nông dân ở Hữu Lũng chặt phá rừng trở thành người vi phạm pháp luật.(Hình: Báo Lao Động)
Ngày 24 tháng 9, báo Lao Động dẫn phúc trình từ công an Hữu Lũng cho biết, tình trạng chiếm đất, mâu thuẫn giữa lâm trường và người dân tại 7 xã: Vân Nham, Hồ Sơn, Tân Thành, Thiện Kỵ, Minh Hòa, Đồng Tiến, Đô Lương diễn ra gay gắt, nóng bỏng. Đã có nhiều vụ đánh nhau, gây thương tích, thù oán, khiếu kiện dẫn đến đất đai bỏ trống, hoang hóa.

Điển hình là vụ xảy ra ở Công Ty Đông Bắc. Ông Nguyễn Khương Lâm, giám đốc Công Ty Đông Bắc cho biết, sau khi công ty tiến hành giao đất, khoán hộ cho người dân địa phương, vẫn xảy ra tình trạng một số người không ký hợp đồng, thậm chí có nhiều người lấn chiếm, chặt phá đất rừng, cây trồng. Cụ thể, trong các nơi xảy ra tranh chấp, xã Tân Thành đang là “điểm nóng,” với gần 500 héc ta trên tổng diện tích 4,299 héc ta do công ty quản lý đang bị người dân xâm lấn.
Ông Hoàng Văn Thạch, chủ tịch xã Tân Thành cho biết, “Mâu thuẫn giữa Công Ty Đông Bắc và các hộ dân xảy ra gần như ở tất cả các thôn. Chỉ tính riêng thôn Cốt Cối với khoảng 400 héc ta đất, thì có tới hơn 340 héc ta là diện tích đất đang tranh chấp, lấn chiếm.”
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thu, trưởng công an huyện Hữu Lũng thì cho rằng, tuy địa phương đã tuyên truyền, thuyết phục và cảnh cáo những hành vi sai trái. Song, một số người, chủ yếu là người dân tộc vẫn cố tình vi phạm pháp luật. Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố 4 vụ, 32 bị can về hành vi “hủy hoại tài sản” và “chiếm đoạt tài sản.”
Tuy nhiên, ngày 22 tháng 9, trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Bình, phó chủ tịch tỉnh Lạng Sơn, đã yêu cầu Công Ty Đông Bắc phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng mâu thuẫn kéo dài nhiều năm qua. Đồng thời cần công khai, minh bạch việc ký hợp đồng khoán trồng rừng, tỷ lệ chia lợi nhuận giữa công ty và người dân để chấm dứt tình trạng này. (Tr.N)
09-26- 2015 4:03:26 PM 

No comments:

Post a Comment