HÀ NỘI (NV) - Chỉ có 4 trong số 22 bộ, ngành và 3 trong 63 tỉnh, thành gửi báo cáo về việc thực hiện yêu cầu “cải thiện môi trường kinh doanh” của thủ tướng Việt Nam.
Hải quan Việt Nam kiểm tra hàng nhập cảng. Ngành này luôn than thiếu người nhưng
vẫn muốn quản lý đến từng con ốc bị hư, phải bỏ. (Hình: Thời Báo Tài Chính)
Chính phủ Việt Nam từng ban hành một nghị quyết (Nghị Quyết 19), xác định “cải thiện môi trường kinh doanh” là “trọng tâm điều hành” của năm nay. Theo đó, các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố phải báo cáo về tiến trình này theo từng quý. Đến nay đã hết quý ba nhưng con số bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đáp ứng yêu cầu đó chỉ như vừa kể.
Sở dĩ chính phủ Việt Nam phải ban hành Nghị Quyết 19 là vì thứ hạng về “môi trường kinh doanh” của Việt Nam quá tệ. Cũng vì vậy, Nghị Quyết 19 đề ra các giải pháp thúc ép, kiểm soát nhằm nâng thứ hạng về “môi trường kinh doanh” của Việt Nam lên ngang với các quốc gia thuộc loại trung bình của ASEAN.
Cuối năm ngoái, Ngân Hàng Thế Giới công bố Bản Khảo Sát Thường Niên về Môi Trường Kinh Doanh Toàn Cầu năm 2015. Theo đó, thứ hạng của Việt Nam tụt sáu bậc, từ hạng 72 hồi 2013 xuống hạng 78/189 trong năm 2014. Một trong những lý do khiến Việt Nam tụt hạng là vì, tuy đã thực hiện “cải cách thủ tục hành chính” suốt hai thập niên nhưng lúc đó, tại Việt Nam, muốn nộp thuế, doanh nghiệp phải mất đến... 872 tiếng.
Nếu so sánh với các quốc gia khác trong ASEAN về mức độ thuận lợi trong kinh doanh, Việt Nam thua xa Mã Lai vì Mã Lai đứng hạng 18 và Thái Lan vì Thái Lan đứng hạng 26. Thứ hạng của Việt Nam chỉ nhỉnh hơn Campuchia, Lào và Miến Điện!
Ông Olin McGill, một chuyên gia về phát triển môi trường kinh doanh của USAID (Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế của Hoa Kỳ), đến Việt Nam để hỗ trợ dự án “quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện,” từng nhận định, Việt Nam là vô địch trong các yêu cầu về giấy tờ.
Doanh nghiệp phải khai đi khai lại các thông tin của mình cho nhiều cơ quan khác nhau. Nếu qui thành tiền thì đó là một sự lãng phí khủng khiếp. Do thủ tục rườm rà, trong xuất cảng, mỗi năm, Việt Nam thất thu thương mại khoảng 17 tỷ Mỹ kim và trong xuất cảng, Việt Nam bị thất thu hơn 19 tỷ Mỹ kim. Tổng cộng thất thu thương mại trong xuất nhập cảng khoảng 37 tỷ Mỹ kim.
Đề cập đến chuyện nhiều bộ, ngành và tỉnh, thành phố không thèm gửi báo cáo về “cải thiện môi trường kinh doanh” theo yêu cầu của thủ tướng Việt Nam, ông Trần Hữu Huỳnh, một luật sư của Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam cho rằng, nếu không làm rõ tại sao thì môi trường kinh doanh có thể sẽ xấu hơn.
Trong thực tế, những tuyên bố về nỗ lực “cải thiện môi trường kinh doanh” của chính phủ Việt Nam có nhiều thứ chẳng khác gì nói dóc cho vui. Chẳng hạn, ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế (CIEM), cho biết, sau khi có Luật Doanh Nghiệp và Nghị Quyết 19, Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam đã đề nghị loại bỏ 3,300 điều kiện kinh doanh, kể từ 1 tháng 7 nhưng ngay sau đó, các bộ, ngành và chính quyền các tỉnh, thành phố lại ban hành vô số thông tư, văn bản với hàng loạt điều kiện kinh doanh mới.
Ông Cung than rằng, ông có cảm giác hệ thống công quyền và doanh giới đang ở hai bên một chiến tuyến.
Ông Huỳnh thì thắc mắc, tại sao trước thực trạng như vừa kể, văn phòng chính phủ lại không làm gì, chỉ để cho CIEM - một cơ quan nghiên cứu đưa ra những cảnh báo và lời kêu gọi suông. (G.Đ)
09-26- 2015 4:09:21 PM
No comments:
Post a Comment