HÀ NỘI (NV) .- Nhà cầm quyền CSVN có thể sửa đổi luật lao động, cho thành lập công đoàn độc lập nhưng giới công nhân lao động sẽ khó có thể được thành lập và hoạt động độc lập.
Gần 100 ngàn công nhân hãng da giày Pouyuan ở quận Bình Tân, Sài Gòn, đình công ngày 26/3/2015 chống luật Bảo hiểm xã hội. (Hình: VNExpress)
Đây là điều có thể hình dung ra được khi đọc một cuộc phỏng vấn của báo điện tử Tuần Việt Nam với ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội CSVN về những vấn đề lao động khi Việt Nam tham gia các hiệp định tự do mậu dịch thường được gọi tắt là FTA (Free Trade Agreements).
Ngày 3/8/2015, nhiều báo ở Việt Nam đồng loạt loan tin Việt Nam đã hoàn tất đàm phán song phương với tất cả các đối tác để tham gia hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) sau nhiều năm đàm phán. Lời loan báo vừa kể do quan chức CSVN tham gia đàm phán đưa ra trong khi báo chí quốc tế nói cuộc họp sau cùng tổ chức ở Hawaii không đạt kết quả cuối cùng, và chưa biết bao giờ có thể ký kết.
Đến cuối Tháng 8 vừa qua, nhân đến tham dự cuộc hội thảo “Diễn đàn kinh tế mùa thu” được tổ chức ở Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Kiên trả lời cuộc phỏng vấn của ký giả Tư Giang báo Tuần Việt Nam, trong đó, ông nói lý do chế độ Hà Nội phải đàm phán một loạt các hiệp định FTA vì “chúng ta chỉ còn hai lựa chọn, mở cửa hay là chết”.
Trong cuộc phỏng vấn này, nhà báo đã hỏi ông Kiên về cái kẹt của chế độ độc tài đảng trị tại Hà Nội khi miễn cưỡng chấp nhận sửa luật lao động (một trong những điều kiện để vào TPP) để cho giới công nhân lao động được tự do thành lập và gia nhập các tổ chức nghiệp đoàn, công đoàn không phải là hệ thống công đoàn “quốc doanh” do đảng CSVN thành lập chỉ phục vụ quyền lợi và nhu cầu của đảng CSVN.
Chính vì vậy mà hơn 7,000 cuộc biểu tình, đình công lớn nhỏ của giới công nhân Việt Nam chống bóc lột sức lao động và sự đối xử bất nhân của giới chủ nhân, trong hơn chục năm qua, đều bị coi là “bất hợp pháp”. Những kẻ cầm đầu hệ thống công đoàn không hề đứng ra tổ chức đình công mà hoàn toàn do công nhân “tự phát”.
Ông Kiên hé lộ cho thấy chế độ Hà Nội không mặn mà với việc cởi trói cho công nhân để người ta tự do thành lập và gia nhập các tổ chức nghiệp đoàn chỉ vì “Đảng và các tổ chức chính trị xã hội đi cùng không tự vươn lên, không trở thành thỏi nam châm để thu hút người lao động, thì người lao động họ sẽ tách ra và đi theo guồng máy của lực hút khác. Những thách thức đó còn khốc liệt hơn nhiều, thách thức toàn diện, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà sang cả chính trị,…”
Nó là sự sống còn của một chế độ toàn trị dựa trên một bản hiến pháp người dân có đầy đủ các quyền tự do căn bản nhưng khi biến thành luật thì siết chặt lại. Quyền viết trên hiến pháp, cho từ tay này thì lại lấy lại từ tay kia bằng một mớ luật.
“Cái chúng ta lo ngại nhất là tổ chức công đoàn trong việc tập hợp người lao động. Trong suốt thời gian dài, chúng ta đã hành chính hóa bộ máy công đoàn. Họp cái gì cũng phải có bộ tứ đảng, chính, công, thanh, và quyết thay mọi mong muốn của công nhân. Chúng ta đã quen cái nếp là một người nghĩ cho cả nghìn người. Bây giờ không thể thế được nữa, một người phải xin ý kiến của 1,000 người.” Ông Nguyễn Đức Kiên thú nhận thực tế hệ thống công đoàn quốc doanh từ trước đến nay vận hành như vậy và cái thực tế Việt Nam sẽ phải đối diện khi gia nhập TPP.
Tuy nhiên, để giải tỏa sự lo ngại sâu xa, cả về những hệ quả chính trị do TPP tác động đến Việt Nam sau này, ông Nguyễn Đức Kiên không nêu tên ai, viên chức nước nào, mà chỉ nói “một cố vấn pháp luật của một đoàn đàm phán” TPP đã mách nước cho Hà Nội thế nào.
“Cố vấn pháp luật của một đoàn đàm phán ngồi riêng nói với chúng tôi, tại sao các ngài cứ lo về cái điều mà chúng tôi có bắt các ngài làm ngay sáng hôm sau đâu. Cam kết ở đây là để các ngài xây dựng luật, phù hợp với các hệ thống luật khác của các ngài.”
Ông Nguyễn Đức Kiên trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam như vậy và tiếp rằng “Các ngài có thể đồng ý cho công nhân thành lập công đoàn, nhưng các ngài quy định, người đứng ra thành lập công đoàn cơ sở đó phải 25 tuổi trở lên; phải làm việc trong doanh nghiệp đó ít nhất 3 năm; không có tiền án, tiền sự; có gia sản ít nhất bằng này, vì có gia sản mới lấy tiền đó đi hoạt động được, mà không phải lấy đóng góp từ người lao động. Xong 4 điều kỹ thuật đó, lại quy định tiếp là người đó phải lấy được ít nhất 10% ý kiến của người lao động ở doanh nghiệp, họ ký vào đây đồng ý, thì Nhà nước mới cho ông lập.”
Ông Nguyễn Đức Kiên còn cho biết chế độ Hà Nội đã từng nghĩ đến chuyện ký hiệp định trước rồi lừa cả đối tác và giới công nhân Việt Nam sau, chứ chế độ Hà Nội không phải không biết khi ông nói “Nói thực ra là nhiều người Việt Nam cũng nghĩ đến điều này…”
Trước các áp lực của Hoa Kỳ đòi phải thay đổi luật lệ để thích hợp với các điều kiện gia nhập TPP, Hà Nội đang “lấy ý kiến” sửa một số luật như “Luật Hình Sự”, “Luật Tôn Giáo Tín Ngưỡng”, và có thể cả “Luật Báo Chí”, “Luật Biểu Tình”. Các luật này đều bị dư luận đả kích kịch liệt vì quyền của người dân bị cột chặt vào các điều kiện “xin-cho” hoặc không có trong luật.
Tư nhân vẫn không được quyền ra báo hay lập công ty truyền thông mà phải do một cơ quan, đoàn thể của nhà cầm quyền đứng chủ xị làm “cơ quan chủ quản”. Luật hình sự đang sửa đổi chỉ đổi vị trí điều 258 (Lợi dụng các quyền tự do dân chủ...) xuống thành điều 343. Điều 79 cũ (Hoạt động lật đổ...) biến thành điều 109. Điều 88 cũ (Tuyên truyền chống nhà nước...” biến thành điều 117 (làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống nhà nước...). Điều 87 (Phá hoại chính sách đoàn kết...) biến thành điều 116 ở dự luật sửa đổi v.v...
Nói chung những gì bị các chính phủ và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên án là đi ngược lại các quyền căn bản của công dân được ghi trong hiến chương LHQ và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà chế độ Hà Nội đã đặt bút ký cam kết tuân hành, thì vẫn còn nguyên. Có thay đổi gì chỉ là ít từ ngữ và đảo vị trí cho ra vẻ mới cái vỏ.
Bây giờ, người ta thấy chế độ Hà Nội vẫn đem cái khôn ngoan mánh lới cũ để áp dụng vào các cuộc đàm phán FTA đòi hỏi CSVN tuân theo các chuẩn mực quốc tế. Ông Nguyễn Đức Kiên kêu gào "Mở cửa hay là chết" thì rõ ràng mở cửa là cứu chế độ còn vẫn có thể công nhân vẫn chết. (TN)
09-10-2015 5:21:03 PM
No comments:
Post a Comment