Theo Người đưa tin-0910-2015
“Kể từ ngày 10/2/2015 trở đi, nhà hàng, khách sạn, karaoke tăng số lượng tiêu thụ bia Sài Gòn... và nước khoáng Sơn Kim. Giảm dần và tiến tới không tiêu thụ các loại bia khác".
Văn bản cam kết…tăng uống bia?
Như báo chí đã đăng tải về công văn “hỏa tốc” của UBND Hà Tĩnh mời tham gia Lễ hội bia Sài Gòn đã khiến dư luận xôn xao, ngay những người trong cuộc cũng có những ý kiến trái chiều.
Liên quan đến “mời” uống bia Sài Gòn và tại sao lại ưu tiên bia Sài Gòn, trong quá trình tìm hiểu, PV đã phát hiện huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh đã từng có những văn bản kỳ quặc “ưu ái” cho bia
Sài Gòn, khuyến khích nhà hàng, quán karaoke tăng tiêu thụ bia Sài Gòn.
Tin tức trên các báo cũng đã đưa hồi tháng 8/2014, ông Nguyễn Văn Bổng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ký công văn yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, phòng ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, đồ uống sản xuất trong tỉnh như bia Sài Gòn của Nhà máy Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh trong các cuộc hội thảo, hội nghị, tiếp khách. Văn bản này được đăng tải trên trang thông tin điện tử của huyện Kỳ Anh nhận được nhiều phản ứng mạnh từ dư luận nên đã gỡ bỏ.
Ngày 16/8/2014, ông Võ Kim Cự, lúc này đang đương nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trong lúc đi kiểm tra tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới tại xã Thạch Long, huyện Thạch Hà cũng đã tặng quà cho ngư dân bằng…bia Sài Gòn.
Tin nhanh, đầu tháng 2/2015, ông Nguyễn Lộc Hằng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ra bản cam kết gửi tới các chủ nhà hàng, khách sạn, karaoke trên địa bàn với nội dung tăng cường sử dụng bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim và giảm dần, tiến tới không tiêu thụ các hãng bia khác, các loại nước khoáng khác.
Cụ thể, trong “Bản cam kết giữa UBND huyện Kỳ Anh và các chủ nhà hàng, khách sạn, karaoke về việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh” do ông Nguyễn Lộc Hằng, Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Kỳ Anh ký nêu rõ: “Kể từ ngày 10/2/2015 trở đi, nhà hàng, khách sạn, karaoke tăng số lượng tiêu thụ bia Sài Gòn (gồm bia Sài Gòn, bia 333…) và nước khoáng Sơn Kim. Giảm dần và tiến tới không tiêu thụ các loại bia khác và các loại nước khoáng khác”. Trong bản cam kết này cũng nêu rõ lý do: “Ưu tiên sử dụng sản phẩm sản xuất trong tỉnh như bia Sài Gòn, bia 333… nước khoáng Sơn Kim là góp phần tăng thu ngân sách tỉnh, chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Uống bia Sài Gòn để chung tay xây dựng nông thôn mới?
Một số chuyên gia cho rằng: Có lẽ vì bia Sài Gòn có nhà máy sản xuất trên địa bàn, có đóng góp cho huyện ít nhiều nên được ưu ái, quan tâm là điều dễ hiểu. Song, những lần tặng quà, văn bản cam kết gia tăng sản lượng bia Sài Gòn khác gì khuyến khích, thậm chí “ép” người dân phải uống bia Sài Gòn. Điều này khiến dư luận không đồng tình!?
Thậm chí, nhìn dưới góc độ khôi hài, Kỳ Anh- Hà Tĩnh đang “phấn đấu” thành nơi toàn dân uống bia Sài Gòn, và cam kết tiêu thụ sản phẩm lớn. Trong khi đó, ngành giao thông lại lo lắng gia tăng uống bia sẽ khiến tỷ lệ tai nạn giao thông tăng, ngành công an lo lắng người say bia rượu gây mất trật tự, an ninh xã hội.
Mới hay, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là đúng. Nhưng uống bia để tăng thu ngân sách, chung tay xây dựng nông thôn mới… điều này chắc chỉ có ở Hà Tĩnh!? Hỡi những người nông dân, anh cứ say trong men bia còn tâm trí đâu để làm giàu, đổi mới nông thôn? Quả là, khôi hài lắm thay!
No comments:
Post a Comment