2015-09-10
Tập đoàn Him Lam cưỡng chế đất tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội để làm sân golf Facebook/NguyenVinh
Một vụ tranh chấp, xô xát đất đai vừa xảy ra vào ngày 9 tháng 9 vừa qua tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Chính quyền cưỡng chế cho doanh nghiệp
Thông tin về vụ việc liên quan tranh chấp đất đai mới nhất xảy ra trên địa bàn thủ đô Hà Nội được một số facebooker quan tâm loan đi, thế nhưng mãi một ngày sau chúng tôi mới có thể liên lạc với gia đình người trong cuộc.
Cháu Hoàng Công Thiện, con của ông Hoàng Công Kiểm, chủ nhân của hộ gia đình có đất tranh chấp vào trưa ngày 10 tháng 9 trình bày lại sự việc như sau:
“ Hôm qua bên Sân Golf họ thuê công an quận, và công an phường Phúc Đồng tổng cộng chừng 600 người trong khi gia đình cháu chỉ có mười mấy người thôi. Họ đến nhà mà giấy thu hồi đất không có, giấy đền bù không có, giấy cưỡng chế không có. Họ không có một giấy tờ gì và nói xuống để bảo vệ thi công; thế nhưng họ không bảo vệ thi công mà xộc vào nhà. Họ lôi người nhà cháu ra, cứ 10 người khênh một người nhà cháu lên xe đưa về phường Phúc Đồng. Trong khi khênh người đưa về phường họ đã đánh mẹ cháu gãy xương sườn số 7, em cháu có thai 6 tháng bị đạp vào người này còn kêu đau. Quanh nhà bị quây tôn. Ngày hôm qua trong khi bắt người họ thu hết điện thoại, còn mấy cái đang sạc pin trong nhà họ cũng vào cướp hết”
Vụ việc chưa được giải quyết thỏa đáng
Vào cuối tháng 7 vừa qua, trên facebook xuất hiện đơn kêu cứu của cháu Hoàng Công Thiện. Theo đó gia đình từ năm 1988 đến nay sống trên khu đất 4 ngàn mét vuông tại tổ 3, phường Phúc Đồng, Quận Long Biên yên ổn không tranh chấp với ai; thế nhưng khi có dự án Sân golf của Tập đoàn Him Lam, thì mảnh đất được ra giá; gia đình không đồng ý với giá được đưa ra dù tăng lên đến lần thứ ba và cơ sự đã xảy đến như lời của Hoàng Công Thiện:
“ Đất đai của nhà cháu gồm 4 ngàn mét vuông gồm 1 ngàn mét đất ở, và 3 ngàn mét đất đường đi. Họ quây mất 3 ngàn mét đất đường đi. Gia đình ở tại tổ 3 Phường Phúc Đồng này từ năm 1988 đến nay. Gia đình có giấy đất khai hoang và xác nhận của công an ở từ năm 1988, cũng có giấy đóng thuế nhà đất từ năm 1988 đến bây giờ. Tranh chấp xảy ra cách 6 tháng đổ về đây; thấy bảo rằng Sân Golf có đưa cho phường và quận đền bù cho gia đình 3 tỷ; nhưng gia đình chẳng thấy 3 tỷ đó đâu mà lại bị đẩy vào đất vô chủ. Thế nhưng gia đình có đầy đủ giấy tờ xác nhận đó không phải là đất vô chủ. Phường giờ nói đền bù 3 ngàn mét rơi vào 600 triệu; nhưng ra phường không giải quyết, lên quận không giải quyết; lên thành phố lại bảo về huyện.”
Vụ việc xảy ra lần thứ nhất được cho biết vào ngày 8 tháng 7 với một lực lượng chức năng gồm chừng 200 người. Và vào ngày 9 tháng 9 vừa qua số người tăng gấp ba theo như trình bày của người trong cuộc.
Chánh văn phòng, kiêm phát ngôn nhân quận Long Biên, ông Đàm Văn Huân, vào chiều ngày 10 tháng 9, trả lời câu hỏi của Đài RFA về vụ việc gia đình ông Hoàng Công Kiểm thuộc quận này như sau:
“ Gia đình ông Hoàng Công Kiểm không thuộc diện giải phóng mặt bằng mà cản trở thi công nên chúng tôi đến để bảo vệ thi công. Còn chuyện đánh người và bắt người không có.”
Nguyên trưởng Ban Giải phóng Mặt bằng Quận Long Biên, ông Nguyễn Thiệu Sơn đồng thời là quận ủy viên cũng có ý kiến về vụ việc đất đai của gia đình ông Hoàng Công Kiểm tại tổ 3 phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội:
“ Tôi khẳng định với ông việc cưỡng chế đối với ông Kiểm hoàn toàn đúng trình tự và qui định của pháp luật. Còn ông Kiểm muốn khiếu nại hoặc tố cáo, hoặc khởi kiện thì pháp luật Việt Nam rất dân chủ, ông có quyền khởi kiện hoặc khiếu nại, hoặc tố cáo ra các cơ quan pháp luật của Việt Nam như Tòa án Nhân dân quận, thành phố hoặc tối cao hoặc cơ quan hành chính như ủy ban nhân dân quận, ủy ban nhân dân thành phố. Tất cả những việc đó sẽ được giải quyết bằng những quyết định và bản án theo qui định của pháp luật.”
Nhiều vụ còn ‘treo’
Vụ việc đất đai của gia đình ông Hoàng Công Kiểm tại Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội là một trong rất nhiều vụ việc mà người dân trong cuộc phẩn uất vì cho rằng họ bị lấy đất một cách bất công.
Một nhà hoạt động tại Hà Nội, anh Trương Văn Dũng, cho biết về điểm này:
“ Ở Việt Nam những vụ việc cá nhân như của gia đình ông Hoàng Công Kiểm thì nhiều lắm; nói cho hết là từ nam ra bắc kia.”
Một vụ việc liên quan đến nhiều hộ gia đình người dân đến nay vẫn còn dằng dai là dự án Ecopark tại ba xã Cửu Cao, Xuân Quang, Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Người dân phản đối việc chính quyền thu hồi đất canh tác của họ để giao cho công ty tư nhân Việt Hưng để triển khai dự án. Trong khi dân chưa đồng ý thì chính quyền địa phương mạnh tay cưỡng chế.
Ngay tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội người dân Dương Nội cũng tiếp tục đấu tranh đòi lại đất đai được xem là tư liệu sản xuất của họ; thế nhưng chính quyền địa phương quyết thu hồi để làm dự án mà suốt gần chục năm qua vẫn còn treo.
No comments:
Post a Comment