Thursday, September 10, 2015

Nông thôn ô nhiễm

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-09-09

Khói của nhà máy phân bón Lâm Thao ở thôn Thạch Sơn ở phía bắc của tỉnh Phú Thọ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường

Khói của nhà máy phân bón Lâm Thao ở thôn Thạch Sơn ở phía bắc của tỉnh Phú Thọ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường-AFP

Thôn quê Việt Nam yên bình, hiền hòa và thơ mộng… Đó là những khái niệm xa lắc xa lơ đối với người Việt bây giờ bởi sự yên bình, thơ mộng và hiền hòa ấy không còn nữa. Bầu không khí ô nhiễm và tuổi trẻ bốc đồng, hung hãn đã làm cho bộ mặt nông thôn Việt Nam trở nên dị hợm, méo mó. Hệ thống cầm quyền địa phương luôn chạy theo sau sự phát triển, hay nói cách khác là bộ máy cầm quyền địa phương luôn trong tình trạng quá yếu kém về cả tri thức lẫn đạo đức đã dẫn đến sự nhếch nhác của hầu hết các vùng quê Việt Nam.
Qui hoạch ba rọi
Ông Trung, một cư dân huyện Hương Khê , Hà Tĩnh, chia sẻ: “Bioga bốc lên, ô nhiễm không khí ghê lắm, nguồn nước thì các nhà hàng mọc lên rồi thải nước bẩn, ô nhiễm nguồn nước ghê lắm. Rồi các lò mổ vịt, nó làm nhựa thông vô, khói là khói mù mịt, mùi khói ngửi vào là đau bụng ngay, ô nhiễm lắm. Ảnh hưởng đến đời sống của bà con hàng xóm xung quanh, không khí không trong lành được. Sáng dậy đã ngửi phải mùi khói độc, cảm thấy không an toàn, ô nhiễm!”
Theo ông Trung, vấn đề ô nhiễm vùng quê đã đến nước không thể cứu vãn được nữa. Trong đó, sự ô nhiễm này đến từ hai khía cạnh, ô nhiễm giáo dục và ô nhiễm qui hoạch. Đương nhiên, bao phủ lên trên hai khía cạnh này là phải nói đến tình trạng ô nhiễm quản lý. Nhưng vấn đề dễ thấy nhất và chi phối nặng nhất vẫn là ô nhiễm qui hoạch và ô nhiễm giáo dục.
Bioga bốc lên, ô nhiễm không khí ghê lắm, nguồn nước thì các nhà hàng mọc lên rồi thải nước bẩn, ô nhiễm nguồn nước ghê lắm. Rồi các lò mổ vịt, nó làm nhựa thông vô, khói là khói mù mịt, mùi khói ngửi vào là đau bụng ngay, ô nhiễm lắm
Ông Trung
Ở vấn đề ô nhiễm qui hoạch, ông Trung cho rằng do trình độ yếu kém của giới cán bộ qui hoạch, họ không bao giờ hoặc chưa bao giờ nhìn thấy chiều sâu của đời sống xã hội cũng như chưa bao giờ dự đoán được sự phát triển chung của xã hội nên mọi qui hoạch đều có tính manh mún và tư lợi. Chính vì điều này đã dẫn đến tình trạng qui hoạch ở thôn quê rơi vào ba rọi, nửa nạc nửa mỡ.
Lấy một ví dụ về việc phân lô đất và tổ chức bán đấu giá cho người dân, ông Trung lắc đầu bởi cách tính toán hết sức nông nổi của giới cán bộ qui hoạch cũng như giới lãnh đạo địa phương. Những con đường liên thôn, liên xã vốn là đường quê, đường đất, mới được cải tiến lên thành đường bê tông cách đây không quá mười năm. Đường này không thể gọi là đường phố được bởi nó không có hệ thống cấp thoát nước và giả sử nếu có hệ thống thoát nước thì vấn đề xử lý nước thải sẽ hết sức nan giải.
Nhưng khi qui hoạch, các cán bộ địa chính, qui hoạch lại phân lô với chiều ngang 5 mét, chiều dài tùy thuộc vào từng nơi. Các lô đất được phân nằm sát với nhau, khi xây nhà, tường dính liền tường và diện tích sử dụng chỉ còn chưa đến 4,5 mét bởi đào móng, xây tường. Đó là chưa nói đến việc chừa đường luồng để dắt xe ra vào, phơi áo quần.
Một cậu bé trên đường đi học về phải đeo khẩu trang vì bụi và khói
Phía sau các lô đất nhà cửa san sát nhau này là đồng ruộng. Và đương nhiên đồng ruộng trở thành nơi chứa nước thải của dãy nhà này. Mọi thứ mắm muối, phân heo, nước xà bông đều xả vào các đám ruộng. Hệ quả của việc này là các đám ruộng nằm gần khu dân cư mới trở nên dơ dáy và không thể canh tác được nữa.
Bên cạnh đó, khi hình thành một khu dân cư mới mà mọi thứ đều ngột ngạt, người dân buộc phải dùng đến máy lạnh nếu có đủ điều kiện, khí thải từ máy lạnh hay bếp gas đều thổi ra những cánh đồng. Loại hình sản xuất ở thôn quê cũng thay đổi đáng kể, vì ruộng đất ngày càng eo hẹp, những khu dân cư mới thường xuất hiện các dịch vụ massge, karaoke, hớt tóc thanh nữ, quán nhậu, quán cà phê cóc, tiệm mua bán tạp hóa… Đặc biệt là các điểm mua bán phế liệu ngày càng mọc ra đầy rẫy.
Ở vấn đề ô nhiễm qui hoạch, ông Trung cho rằng do trình độ yếu kém của giới cán bộ qui hoạch, họ không bao giờ hoặc chưa bao giờ nhìn thấy chiều sâu của đời sống xã hội cũng như chưa bao giờ dự đoán được sự phát triển chung của xã hội nên mọi qui hoạch đều có tính manh mún và tư lợi
Khí đốt từ các điểm mua bán phế liệu này làm ô nhiễm trầm trọng bầu không khí của thôn quê, nhanh chóng biến nơi hiền hòa, dễ thở thành nơi ngột ngạt, khó thở và chứa đầy khí độc. Hiện tại, mua phế liệu, đốt, xử lý và ép thành khối để xuất sang Trung Quốc đang là nghề ăn nên làm ra của nhiều người. Nhu cầu nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc càng cao thì bầu không khí của Việt Nam càng nhanh chóng bị ô nhiễm, đen đúa khí độc.
Ô nhiễm giáo dục và quản lý
Ông Minh, cư dân huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh buồn bã chia sẻ thêm:“Nói chung là khu công nghiệp Vũng Áng nắng nóng và khói bụi lắm. Tuy chưa hoạt động mà khói bụi vậy, khi nhà máy ở trong đó hoạt động thì khói bụi đầy.”
Theo nhận định của ông Minh, mọi vấn đề ô nhiễm môi trường hiện tại là hệ quả tất yếu của ô nhiễm trí tuệ, ô nhiễm quản lý. Cụ thể ở đây là ô nhiễm giáo dục và ô nhiễm quản lý nhà nước từ cấp trung ương xuống đến địa phương.
Ở khía cạnh ô nhiễm giáo dục, ông Minh cho rằng một nền giáo dục giáo điều, không đuổi kịp tri thức cũng như văn minh nhân loại và nhân cánh của người thầy, người quản lý ngành quá kém như hiện tại sẽ là bầu không khí ô nhiễm nặng, luôn có nguy cơ làm cho học sinh trở nên thực dụng, hung hãn và máu lạnh.
Một nền giáo dục mà ở đó, kiến thức để đối phó với các kì thi, để làm đà thăng tiến trong xã hội bị đặt nặng thái quá trong khi nhân cách, đạo đức của con người bị xem nhẹ, thậm chí bị bỏ qua, kéo theo nhân cách, đạo đức của người thầy bị đánh tráo bằng việc mua bán chữ. Và để được mua bán chữ, giáo viên phải bỏ ra một khoản đầu tư không nhỏ cho việc đút lót lãnh đạo ngành kiếm chỗ đứng gọi là biên chế nhà nước. Chính cái cơ cấu quản lý từ con người đến suy nghĩ một cách gắt gao và ấu trĩ của nhà nước từ trung ương xuống địa phương đã biến ngành giáo dục nhanh chóng trở thành cái ổ của tội lỗi và ô nhiễm.
Các lò đốt phế liệu có tồn tại được khi nhà cầm quyền làm việc nghiêm túc? Các căn nhà phân lô phân san sát nhau sẽ thải chất bẩn đi đâu? Và thôn quê sẽ ô nhiễm đến mức nào? Đây là những câu hỏi hết sức nan giải đối với thôn quê Việt Nam hiện tại.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment