ĐÀ NẴNG (NV) - Cuối cùng, dù bị tàu Trung Quốc đeo bám, buộc rời khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa nhưng tàu cứu nạn mang số hiệu SAR 412 đã đưa được ông Văn Dân, 43 tuổi về Đà Nẵng cấp cứu.
Thủy thủ tàu SAR 412 đang đưa ông Văn Dân lên tàu SAR 412. (Hình: Thủy thủ tàu SAR 412 cung cấp cho Tuổi Trẻ)
Ông Văn Dân là một ngư dân ngụ tại Đà Nẵng, làm việc trên tàu đánh cá mang số hiệu ĐNa 90426. Sáng 14 tháng 8, 2015, khi đang cùng các thủy thủ khác trên tàu vừa kể đánh cá gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, ông Dân bị tai nạn, dập tay phải và ngất do mất máu. Thuyền trưởng tàu ĐNa 90426 đề nghị lực lượng tìm kiếm - cứu nạn hang hải của Việt Nam hỗ trợ.
Trung tâm Tìm kiếm - Cứu nạn hàng hải của Việt Nam vừa điều động tàu SAR 412, chở theo một nhóm nhân viên y tế của Trung tâm Cấp cứu Đà Nẵng lên đường, vừa yêu cầu thuyền trưởng tàu ĐNa 90426, cho tàu chạy hết tốc độ đến vị trí dự kiến mà tàu cứu nạn và tàu đánh cá sẽ gặp nhau để chuyển giao ngư dân gặp nạn.
Khi tàu cứng nạn SAR 412 đến khu vực giữa đảo Bombay và đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa thì gặp một tàu của Trung Quốc. Tàu Trung Quốc đeo bám tàu SAR 412 và phát loa đòi tàu SAR 412 rời khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, tàu SAR 412 không chuyển hướng và nhờ vậy đã gặp tàu ĐNa 90426 để tiếp nhận ông Văn Dân, chuyển ông vào đất liền.
Trong vài ngày qua, tàu SAR 412 đã liên tục đến khu vực quần đảo Hoàng Sa để tiếp nhận, đưa vào bờ cấp cứu một số ngư dân gặp nạn trên biển. Hôm 13 tháng 8, 2015, tàu này đã tìm- tiếp nhận-vận chuyển ông Huỳnh Ngọc Châu, làm việc trên tàu đánh cá QNa 91719 bị đột quỵ. Trước đó, vào ngày 11 tháng 8, 2015, tàu SAR 412 đã tìm - tiếp nhận - vận chuyển ông Đinh Văn Thoại, làm việc trên tàu đánh cá bị viêm ruột thừa cấp vào bờ.
Mãi tới gần đây, tàu của lực lượng tìm kiếm - cứu nạn hang hải Việt Nam mới đến khu vực quần đảo Hoàng Sa tìm-tiếp nhận-vận chuyển những ngư dân gặp nạn vào đất liền. Trước đó, ngư dân Việt Nam phải tự lo chuyện này.
Cần nhắc lại rằng, trong vòng hai thập niên gần đây, tàu thuộc các lực lượng có vũ trang của Trung Quốc (hải giám, hải cảnh, hải quân) vẫn liên tục rượt đuổi, tấn công tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam trên biển Đông, đặc biệt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa - nơi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ vào năm 1974.
Vụ tấn công gần nhất mới xảy ra hồi thượng tuần tháng này. Một tàu có vũ trang của Trung Quốc (chưa rõ thuộc lực lượng nào) đã tấn công tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90127 của ông Tiêu Viết Bản khi ông Bản đang điều khiển tàu đến cứu một tàu đánh cá khác bị hư máy, đang trôi tự do.
Những nhân viên có vũ trang trên tàu mang số hiệu 02 của Trung Quốc đã đánh người lái tàu, đập kính ở cabin, cướp một máy định vị, hai máy tầm ngư, hai tấn hải sản, chặt đứt bảy bành dây dẫn hơi cho thợ lặn.
Ngoài tàu QNg 90127, còn có tàu đánh cá mang số hiệu QNg 96507 của ông Nguyễn Lợi bị ba tàu có vũ trang của Trung Quốc mang số hiệu 37102, 45101, 46102 vây bắt rồi cướp toàn bộ ngư cụ. Từ tháng 6 đến nay, các vụ tàu có vũ trang của Trung Quốc tấn công tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam xảy ra dồn dập.
Hồi trung tuần tháng 7, trong cuộc đối thoại với tờ Pháp luật ở Sài Gòn, về tình trạng, càng ngày, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc càng tỏ ra thô bạo, hung hãn với những ngư dân Việt khi họ đánh bắt hải sản trên biển Đông, ông Lưu Văn Huy, cục trưởng Cục Kiểm Ngư của Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, nhận định, điều đó có thể vì Trung Quốc muốn ngư dân Việt Nam sợ hãi, nản lòng, không dám tiếp tục ra khơi hành nghề tại các ngư trường truyền thống nữa.
Việc gần đây, tàu của lực lượng tìm kiếm - cứu nạn hàng hải Việt Nam liên tục đến khu vực quần đảo Hoàng Sa tìm-tiếp nhận-vận chuyển những ngư dân gặp nạn vào đất liền chắc chắn sẽ khiến ngư dân Việt Nam yên tâm hơn bởi họ bớt đơn độc hơn. (G.Đ)
08-16- 2015 5:03:20 PM
No comments:
Post a Comment