Monday, August 17, 2015

TPP trễ muộn, nhân quyền Việt Nam và phép thử trước mắt

Theo Người Việt-08-16- 2015 2:53:29 PM
Phạm Chí Dũng
Đầu Tháng Tám, 2015, chuyến trở lại Hà Nội lần thứ hai trong nhiệm kỳ bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ có lẽ không làm cho John Kerry thật sự hài lòng.

Mặc dù viết trên Twitter “Mối quan hệ Mỹ-Việt đã phát triển cực kỳ” ngay trước khi đến Việt Nam, song Ngoại Trưởng John Kerry đã chưa thể làm cách nào để tháo chỗ thắt TPP cho Hà Nội và cho cả 12 quốc gia đang đàm phán, còn Bộ Công An Việt Nam vẫn chưa chịu thả thêm tù nhân chính trị và cũng chưa thấy bóng dáng của công đoàn độc lập đâu.

Nghịch lý 2%

Bối cảnh John Kerry ở Hà Nội và ngữ cảnh mà ông tiếp xúc với những nhân vật lãnh đạo đã trở nên quen thuộc như Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Phạm Bình Minh diễn ra trong bối cảnh vòng đàm phán được coi là cuối cùng về TPP đã lắng vào thế tắc nghẽn cuối Tháng Bảy, 2015, đến nỗi đài BBC còn trưng ra một ngữ cảnh ghê gớm: “Đàm phán TPP tại Hawaii đổ vỡ.”

Có thể đó là một cách nói của đài Anh mà có phần làm trầm trọng vấn đề, song sự thật thì tiến trình đàm phán của 12 quốc gia tuy chưa thể coi là thất bại, nhưng thành công vẫn là một màn sương mờ đục.

Nghịch lý trở nên khó hiểu nhất đối với toàn bộ giới đàm phán cao cấp là tại sao đã giải quyết được đến 98% nội dung đàm phán nhưng lại không thể vượt qua con số quá ít ỏi 2% còn lại.

Riêng trong trường hợp này, “thí sinh” Việt Nam lại có vẻ “đi sau về trước” hơn là các nhà kỹ trị đã dày dạn kinh nghiệm của các quốc gia khác. Chỉ nửa tuần sau vòng đàm phán tại Hawaii, Bộ Công Thương Việt Nam với một thứ trưởng là trưởng đoàn đàm phán TPP đã chính thức công bố “Việt Nam đã hoàn thành đàm phán song phương với tất cả các quốc gia.” Có thể hiểu việc công bố này, tinh thần phấn khích của báo chí Việt Nam, cùng một thông tin xuất hiện cùng lúc cho biết “Bộ Chính Trị đã họp nghe kết quả đàm phán TPP,” như một điều được xem là thành tích hiếm hoi của giới quản lý Việt Nam, tương tự một thỏa thuận thương mại mà chính thể này vừa đạt được với Liên Minh Châu Âu, dù chỉ “trên nguyên tắc” mà chưa thể đi vào nội dung cụ thể.

Một số dư luận cũng đang cho rằng chuyến công du Hà Nội của Ngoại Trưởng John Kerry dường như khó mà cụ thể hóa những nội dung hợp tác. Trong khoảng 2 ngày làm việc tại Việt Nam, John Kerry hình như dành thời gian chủ yếu cho cuộc hội thảo về “Thúc đẩy thịnh vượng: 20 năm hợp tác phát triển Việt Nam-Hoa Kỳ” hơn là các cuộc gặp mang tính xã giao với giới quan chức cao cấp Việt Nam. Tất nhiên “đối tác toàn diện” cùng gần một chục mục ghi nhớ giữa hai quốc gia từ giữa năm 2013 lại một lần nữa được nêu ra, tuy có cụ thể hơn về trường đại học Fulbright và “đẩy mạnh hợp tác quốc phòng.”

Thế nhưng nhân quyền - một nội dung chính thức nằm trong nghị trình của John Kerry với Hà Nội - lại chỉ được ông mô tả một cách khá trừu tượng và cách nào đó còn khá mờ nhạt trong cuộc họp báo chung với Phạm Bình Minh.

Thể diện Hoa Kỳ?

Người ta vẫn còn nhớ vào giữa năm nay, chính đương kim ngoại trưởng Hoa Kỳ đã lên tiếng đòi chính quyền Việt Nam phải thả ngay lập tức và vô điều kiện cho tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần, song mãi đến nay lời kêu gọi cấp cao ấy vẫn chưa nhận được phản hồi thỏa mãn nào từ phía những người đang giam giữ nữ tù nhân có người mẹ uất ức vì bản án quá bất công đối với con gái mình đến mức đã tự thiêu đến chết.

Một trong những cách diễn tả không thể tránh được là so với lần hiện diện tại Hà Nội vào Tháng Mười Hai, 2013, kết quả về “đối thoại nhân quyền” của John Kerry vào lần này có vẻ không được cải thiện bao nhiêu. Thậm chí một ngày trước khi ngoại trưởng Mỹ đến Hà Nội, buổi ăn tối được tổ chức tại tư gia của Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh - bà Rena Bitter, cũng là dịp để trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động - ông Tom Malinowski - gặp gỡ các tổ chức xã hội dân sự, đã bị công an thành phố Hồ Chí Minh thẳng tay ngăn chặn một số khách người Việt bằng biện pháp hoàn toàn thủ công: dùng số đông nhân viên an ninh bao vây và cấm người bất đồng chính kiến ra khỏi nhà họ.

Hành động ngăn chặn nhân quyền mới nhất này - trong mối liên đới mật thiết với cơ quan ngoại giao của một quốc gia lớn như Hoa Kỳ - đã phác ra tương lai mịt mù về quan điểm và thực tế “tôn trọng nhân quyền” của nhà nước và ngành công an Việt Nam - những giới chức mà dù thuộc phe cánh nào, đều đang mong đợi các lợi ích thiết thân từ người Mỹ về hợp tác quốc phòng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích kinh tế và cả một chuyến thăm dự định vào cuối năm 2015 của Tổng Thống Barrak Obama.

Nhưng vô hình trung, hành động ngăn chặn trên cũng chứng minh rất sống động cho tư thế độc quyền được “gặp Mỹ” của giới lãnh đạo Việt Nam. Trong chuyến đi Washington của người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng, đã không có bất kỳ áp lực nào từ phía cảnh sát Mỹ nhằm ngăn chặn ông Trọng được gặp ông Obama tại Phòng Bầu Dục và đến nhà riêng của cựu Tổng Thống Bill Clinton. Không khí ấm thân tương tự cũng được dành cho ông Lê Thanh Hải - ỦY viên Bộ Chính Trị, bí thư Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh - khi ông này đến “kết nghĩa” ở Sacramento.

Thái độ quá thiếu thành tâm từ trước tới nay của chính quyền Việt Nam về các vấn đề nhân quyền và càng nổi bật trong thời gian phái đoàn của John Kerry đến Việt Nam - không thể nói khác hơn là một sự xúc phạm lộ liễu đối với thể diện của người Mỹ, làm chậm đáng kể bước tiến của mối quan hệ Việt-Mỹ, đặc biệt gây ảnh hưởng lớn đến việc Việt Nam có được Quốc Hội Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua TPP hay không vào cuối năm nay nếu hiệp định này kết thúc được đàm phán.

Phép thử trước mắt

Không phải cuối Tháng Tám, mà những tin tức ngoài lề mới nhất lại dự kiến đến Tháng Chín hoặc thậm chí những tháng sau đó mới có thể diễn ra vòng đàm phán tiếp theo để xử lý 2% “xương xẩu” còn lại của TPP. Không còn cách nào khác, cả John Kerry và Hà Nội đành phải tiếp tục chờ đợi.

Tuy thế, cảm giác có thể mang tính an ủi cho Hà Nội về TPP là cứ như một phép thần kỳ lóe lên vào phút cuối, nếu quyền đàm phán nhanh (TPA) dành cho tổng thống Mỹ đã vượt cung đường đầy trắc trở qua 2 lần Thượng Viện - 1 lần Hạ Viện - lại 1 lần Thượng Viện Hoa Kỳ, tiến trình hoàn tất đàm phán TPP cũng chỉ là vấn đề thời gian. Theo đó, Việt Nam sẽ gần như chắc chân một suất trong TPP nếu kịp cải thiện nhân quyền theo cách “có thể chứng minh được” (từ ngữ của giới ngoại giao Mỹ) trước khi Quốc Hội Hoa Kỳ chính thức bỏ phiếu về chủ đề này.

Cho đến giờ phút này, thái độ của Bộ Chính Trị Hà Nội với TPP chưa cho thấy thay đổi nào lớn: vẫn là “chương trình trọng điểm.”

Ưu tiên ấy lại gắn bó mật thiết với liều doping giảm bớt lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, những chuyến công du Mỹ sắp tới của các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng và có thể cả chuyến đến Hà Nội vào cuối năm của Tổng thống Obama...

Ngay trước mắt, dịp 2/9 tới sẽ là một phép thử đầu tiên đối với việc chính quyền Việt Nam có xét đặc xá tù chính trị hay không, và sẽ thả bao nhiêu người cùng “chất lượng” ra sao nếu xét.

No comments:

Post a Comment