Theo RFI-ngày 01-08-2015 17:10
Trụ sở Quốc Hội Mỹ tại Washington D.C.Reuters
Ngày 23 tháng 7 vừa qua, tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ đã mở một phiên điều trần để hiểu rõ hơn về « Vai trò an ninh của Hoa Kỳ tại Biển Đông ». Tham gia cuộc điều trần có 4 chuyên gia có uy tín từ các trung tâm nghiên cứu khác nhau. Không hẹn mà gặp, toàn bộ bốn chuyên gia đều nêu bật thái độ quan ngại trước các hành vi hung hăng, quyết đoán hiện nay của Trung Quốc tại Biển Đông, đặt ra những thách thức to lớn cho Hoa Kỳ, nước có vai trò truyền thống trong việc duy trì an ninh và ổn định cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Những học giả tham gia điều trần gồm : Tiến sĩ Patrick M. Cronin, Chủ nhiệm Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm về một nền An ninh Mới của Mỹ (Center for a New American Security), Giáo sư Andrew S. Erickson, Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Trường Hải chiến Mỹ (U.S. Naval War College), Tiến sĩ Mira Rapp Hooper, Chủ nhiệm Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, Tiến sĩ Michael D. Swaine, chuyên gia Chương trình Châu Á thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.
Một trong những tham luận đáng chú ý là phân tích của giáo sư Andrew Erikson về lịch sử xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc, một nhân tố cho phép hiểu rõ hơn mưu đồ hiện nay của Bắc Kinh.
Yêu sách rộng khắp nhưng mập mờ
Trong bản điều trần của mình, Erickson đã nêu bật vấn đề là Trung Quốc từ lâu đã có nhiều tham vọng đối với khu vực, cho dù luôn luôn mập mờ về quy mô vùng biển mà họ muốn đặt dưới quyền kiểm soát của mình. Bản điều trần ghi rõ :
« Câu chuyện xuyên suốt về Trung Quốc và Biển Đông là vấn đề (các nước khác) tự kềm chế mà không được (Bắc Kinh) đáp ứng. Thế nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng là đã có một tầm nhìn đầy tham vọng có phần dài hạn, được nuôi dưỡng bằng những nỗ lực tiến hành trong nhiều năm trường, dựa trên những yêu sách chủ quyền đã có từ lâu gói gọn trong một "đường chín đoạn" mơ hồ bao trùm hầu như toàn bộ vùng Biển Đông.
Lập trường của Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông rất dứt khoát và kiên quyết. Trong một bản tuyên cáo lập trường bác bỏ thẳng thừng thủ tục trọng tài quốc tế do Philippines khởi động liên quan đến tranh chấp song phương giữa hai nước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố : « Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo ở Biển Đông (Đông Sa [Pratas],Tây Sa [Hoàng Sa], Trung Sa [bao gồm Macclesfield và bãi cạn Scarborough] và Nam Sa [Trường Sa]) và các vùng biển lân cận.
(...) Trung Quốc đã nhiều lần từ chối tiết lộ các cơ sở chính xác, bản chất chính xác, thậm chí các thông số địa lý chính xác, của các đòi hỏi chủ quyền của họ tại Biển Đông. Như Cơ quan Tình báo Hải quân đã ghi nhận, Trung Quốc "chưa bao giờ công bố tọa độ" của đường chín đoạn mà họ đã vẽ xung quanh hầu như toàn bộ Biển Đông – gần một cách nguy hiểm bờ biển của các nước láng giềng, vốn đều có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.
Họ không hề "tuyên bố quyền họ muốn được hưởng ở vùng đó là gì", cũng vẫn chưa xác định là có coi Biển Đông thuộc diện "lợi ích cốt lõi" hay không. Tuy nhiên, với phát biểu và hành động cho đến nay của Trung Quốc, có lý do để lo ngại rằng họ sẽ kiên quyết duy trì các yêu sách chủ quyền rộng khắp dựa trên "đường chín đoạn" ».
Lịch sử xâm chiếm Biển Đông
Giáo sư Erikson đã lưu ý rằng Trung Quốc có một lịch sử chuyên đi chiếm đất trong khu vực mà không phải đối mặt với phản ứng đáng kể nào từ phần còn lại của thế giới.
« Các lực lượng quân sự và bán quân sự của Trung Quốc có lịch sử hơn một nửa thế kỷ đi xâm chiếm các hòn đảo và các tính năng khác, đa số ở Biển Đông. Có vẻ như là từ lâu Trung Quốc đã nuôi tham vọng đánh chiếm một số lượng đáng kể các đảo đá tại Biển Đông, và trong thực tế, đã xâm chiếm nhiều hòn đảo của Việt Nam vào năm 1974 và 1988 cho dù lúc đó [Trung Quốc còn] bị nhiều hạn chế về sức mạnh quân sự trên không và trên biển. Các chiến dịch xâm chiếm đó đã không được chú ý và phân tích đúng mức.
Trên một số mặt, hành động của Trung Quốc còn phức tạp hơn so với những đánh giá trước đây ở ngoài Trung Quốc. Ví dụ, các lực lượng dân quân biển dường như đã được sử dụng vào năm 1974 trong xung đột Hoàng Sa, trong sự cố tàu Impeccable năm 2009, trong cuộc đối đầu (với Philippines) ở bãi cạn Scarborough Shoal, và trong cuộc đọ sức (với Việt Nam) liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014.
Điều quan trọng cần lưu ý là Hoa Kỳ không hề can thiệp để ngăn chặn các hành động của Trung Quốc trong những trường hợp đó, hoặc trong những vụ Trung Quốc cắt cáp tàu khảo sát dầu khí của Việt Nam, đe dọa lực lượng Philippines ở Bãi Cỏ Mây.. »
Quân sự hóa Biển Đông
Hành động của Trung Quốc ngày xưa đã như vậy, và ngày nay, theo Giáo sư Erickson, còn đáng ngại hơn vì Trung Quốc đang bồi đắp các đảo (nhân tạo) ở Biển Đông, trong các vùng có tranh chấp như quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. Và những hòn đảo mới đang được xây dựng, một phần có chức năng quân sự và bán quân sự.
« Bản thân Bắc Kinh đã tuyên bố chính thức rằng các đảo mới họ bồi đắp trên biển sẽ được sử dụng vào mục tiêu quân sự. Ngày 09 tháng Ba năm 2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng « công trình bảo trì và xây dựng » đồn bót ở Trường Sa cũng nhằm mục tiêu « bảo vệ tốt hơn chủ quyền lãnh thổ, cũng như quyền và lợi ích hàng hải » của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Giáo sư Erickson cũng ghi nhận rằng Trung Quốc đang sử dụng các chuyên gia pháp lý quốc tế của mình để cố gắng lái các luật lệ hàng hải theo chiều hướng có lợi cho mình.
« Tôi có thể xác nhận từ kinh nghiệm cá nhân quy mô to lớn của việc Trung Quốc đã xây dựng một thế hệ mới của các chuyên gia pháp lý hàng hải sắc bén và kiên trì, đang hoạt động trong các đấu trường quốc tế... Tôi tin rằng các nỗ lực có phối hợp của họ về lâu về dài có thể tạo ra thay đổi, một sự thay đổi theo chiều hướng làm suy yếu quyền cai quản những vùng biển chung, gây thiệt hại cho tập thể chúng ta ».
Để đối phó với Trung Quốc, Giáo sư Erickson đề xuất nhiều hành động mà Hoa Kỳ có thể làm để giảm thiểu tác hại của các vấn đề đang nổi lên trong khu vực.
Trong những biện pháp đó, có việc Hoa Kỳ phải phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, duy trì một cơ cấu quân sự đủ năng lực và toàn diện trong khu vực, với một lực lượng tên lửa đủ sức răn đe để chống lại kho vũ khí ngày càng tăng của Trung Quốc, qua đó ngăn chặn bất kỳ hành động sử dụng võ lực hoặc đe dọa nào để giải quyết tranh chấp biển đảo.
No comments:
Post a Comment