Theo NLĐO-01/08/2015 23:38
Hỏi bất cứ doanh nghiệp (DN) nào rằng “sợ” ai nhất thì chắc chắn nhận được câu trả lời: hải quan và thuế! Có chuyện một công ty đã nộp thuế kèm bản sao và bản chính giấy nộp tiền nhưng do hệ thống mạng điện tử của hải quan bị treo, ngay lập tức cơ quan này cưỡng chế không cho DN mở tờ khai để xuất nhập hàng tiếp theo.
DN lập tức kêu ca, rất nhiều lần cán bộ hải quan yêu cầu nhân viên xuất nhập hàng của DN về cảng xác nhận bằng giấy có đóng dấu thì mới chấp nhận cho thông quan. Việc này làm mất rất nhiều thời gian, hàng hóa bị chậm thông quan phải đền bù cho khách, còn DN thì tốn thêm tiền lưu kho.
Trong xuất nhập khẩu, trường hợp của DN nói trên là không hề cá biệt.
Liên thông quản lý qua mạng là việc nội bộ giữa các phòng - ban của cơ quan hải quan, tại sao lại để DN chịu trận bởi những vướng mắc chính trong nội bộ của ngành? Nhiều DN cũng phản ánh cán bộ hải quan thường bắt bẻ các lỗi chính tả trong tờ khai như tên DN viết tắt, tên hàng hóa (mà tùy địa phương có cách gọi khác nhau)... để áp thuế cao hơn. Một số chủ DN ngậm ngùi kể rằng hải quan “bắt” làm gì dù vô lý đến mấy thì DN cũng phải cúi đầu chấp hành, nếu không sẽ khó lòng làm ăn!
Công ty CP Thế Giới Di Động không nợ thuế nhưng bị Tổng cục Thuế bêu tên còn nợ 12 tỉ đồng. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo thống kê, hiện có gần 50 DN phản ánh số liệu nợ thuế do Tổng cục Thuế công bố không chính xác hoặc họ không có nợ thuế. Tại TP HCM, có khoảng hơn 20 DN; Hà Nội có 34 DN, trong đó 7 DN không nợ một đồng nào cũng lọt vào danh sách nợ thuế với số tiền từ 10-50 tỉ đồng.
Trước đó, mặc dù đã biết trước số liệu có sai sót nhưng cơ quan thuế vẫn công bố danh sách 600 công ty nợ thuế khiến hàng chục DN mang nợ oan và kêu trời. Ngành thuế trả lời một cách “vô tư”, chỉ việc đổ cho phần mềm quản lý tập trung (TMS) bị lỗi kỹ thuật là xong! Trong khi đó, thông tin không chính xác đã ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu, hoạt động của rất nhiều DN. Bởi lẽ, thông tin nợ thuế thể hiện DN đang yếu kém về tài chính, hệ quả có thể xảy ra là các đối tác không dám làm ăn với những DN bị bêu tên đó.
Những kiểu hành xử như trên bắt nguồn từ đâu?
Nói ngay: Từ tư duy quản lý “cai trị” của cán bộ, công chức, thay vì trách nhiệm của họ là phải phục vụ người dân, phục vụ DN. Được khoác lên mình chiếc áo công vụ, nhiều cán bộ cố tình biến hóa quyền lực nhà nước thành quyền lực của cá nhân mình nhằm thị uy và tư lợi.
Nhà nước ta đang trong quá trình chuyển đổi từ tư duy nhà nước “cai trị” sang nhà nước phục vụ trong khi nhiều ngành, nhiều công chức trong cơ quan công quyền chưa chuyển kịp. Để “trị bệnh”, cần bình tĩnh nghiên cứu một cách nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật, không tránh né và đặc biệt phải mạnh tay đối với cán bộ hư hỏng thì mới làm trong sạch được bộ máy.
Diệp Văn Sơn
No comments:
Post a Comment