TÂY NINH (NV) - Dân chúng Tây Ninh lo âu khi hàng trăm ngàn con ễnh ương đột nhiên xuất hiện quanh nông trường Biên Hòa, tọa lạc ở xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
Trung tâm Sài Gòn sẽ chìm dưới hai mét nước nếu đập chắn nước ở hồ Dầu Tiếng vỡ. (Hình: VnExpress)
Theo tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn thì trong các ngày từ 28 đến 30 tháng 7, 2015, ễnh ương đột nhiên đổ về khu vực vừa kể đông tới mức nghẹt đường. Ông Nguyễn Trọng Hòa, một người dân cư ngụ tại xã Thành Long kể với phóng viên của tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn rằng, bởi có hàng trăm ngàn con ễnh ương di chuyển trên đường nên ông phải xuống xe dẫn bộ để tránh cán phải ễnh ương.
Bởi từng biết rằng, ếch thường rời khỏi nơi cư trú trước khi có động đất nên dân chúng Tây Ninh đang hết sức hoang mang.
Để làm rõ thực hư, tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đã hỏi ông Nguyễn Hồng Phương, phó giám đốc Trung Tâm Báo Tin Động Đất và Cảnh Báo Sóng Thần của Viện Vật lý Địa Cầu, ông Phương thừa nhận, đúng là có một số loại động vật như ếch thường di tản ồ ạt khỏi khu vực chúng cư trú trước khi động đất xảy ra ở khu vực đó.
Năm 2009, tờ Telegraph ở Anh từng tường thuật về khám phá của bà Rachel Grant, một nhà sinh vật học Rachel Grant. Bà Grant đã theo dõi loài ếch sống ở một số hồ nước tại L'Aquila - Italia và phát giác trong ba ngày liên tiếp, có 96 con ếch đã rời khỏi hồ nước. Vài ngày sau đó, khu vực này đã xảy ra một trận động đất.
Tuy nhiên ông Phương cũng nói thêm rằng, so với nhiều tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam thì địa chất ở khu vực Tây Ninh khá ổn định cho nên Trung Tâm Báo Tin Động Đất và Cảnh Báo Sóng Thần sẽ sẽ theo dõi xem có dư chấn bất thường nào tại đó hay không.
Dẫu chưa rõ hiện tượng vừa kể có liên quan đến động đất tại Tây Ninh hay không nhưng nếu Tây Ninh có động đất, Sài Gòn và Bình Dương sẽ gặp thảm họa khó lường.
Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng, tọa lạc ở huyện Dương Minh Châu, được xây dựng từ năm 1981. Nếu mực nước của hồ này ở mức trung bình (24.4 mét) thì lượng nước vào khoảng 1.58 tỷ khối. Trong trường hợp nước dâng cao (26.3 mét) thì lượng nước lên tới 2 tỷ khối. Do đập chính của hồ Dầu Tiếng được đắp bằng đất (cao 28 mét, rộng 8 mét, dài 1,100 mét) nên thỉnh thoảng, giới khoa học lại cảnh báo về nguy cơ đập chính của hồ Dầu Tiếng bị vỡ.
Dẫu theo thiết kế, hồ Dầu Tiếng có thể xả nước với lưu lượng 2,800 khối/giây nhưng trong thực tế, năm 2008, khi hồ Dầu Tiếng xả nước với lưu lượng 600 khối/giây trong hai tiếng, Sài Gòn đã ngập nặng, chính quyền thành phố Sài Gòn phải yêu cầu Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn can thiệp. Tình trạng đó cũng từng xảy ra với huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương năm 2012 khi hồ Dầu Tiếng xả nước với lưu lượng chỉ 200 khối/giây.
Trước đây, tổng cục Thủy Lợi của Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam từng công bố một nghiên cứu, theo đó, nếu hồ Dầu Tiếng xả nước với lưu lượng khoảng 500 khối/giây thì mực nước sông Sài Gòn tại Thủ Dầu Một-tỉnh Bình Dương và Phú An-Sài Gòn sẽ vượt qua mức báo động cấp 3. Nếu hồ Dầu Tiếng xả nước với lưu lượng 2,800 khối/giây thì có khoảng 26,000 héc ta thuộc 111 xã, phường ở Bình Dương và Sài Gòn bị ngập. Trong trường hợp đập chắn nước của hồ Dầu Tiếng bị vỡ, khoảng 34,000 héc ta của 125 xã, phường sẽ chìm trong biển nước.
Ban Chỉ Huy Phòng Chống Lụt Bão-Tìm Kiếm Cứu Nạn của Sài Gòn cũng đã công bố một nghiên cứu khác. Theo đó, nếu lũ quá lớn, bộ phận vận hành hồ Dầu Tiếng phải xả tràn ở mức cực đại là 2,800 khối/giây thì trong vòng chín tiếng sau đó, huyện Củ Chi sẽ chìm dưới mực nước là 5.2 mét. Sau đó nước sẽ tiếp tục chảy sâu vào nội thành và trung tâm Sài Gòn sẽ chìm dưới hai mét nước.
Trong trường hợp có lũ cực hạn ở thượng nguồn, hồ Dầu Tiếng phải xả tối đa với lưu lượng 3,600 khối/giây thì huyện Củ Chi sẽ chìm dưới mực nước là 5.7 mét. Trung tâm Sài Gòn sẽ chìm dưới mực nước là 2.1 mét.
Còn nếu đập chắn nước của hồ Dầu Tiếng bị vỡ thì dòng nước thoát ra có lưu lượng khoảng 25,500 khối/giây. Chỉ ba giờ sau, huyện Củ Chi sẽ chìm dưới mực nước là 10.25 mét và sau 24 giờ, trung tâm Sài Gòn sẽ ngập 2.15 mét. (G.Đ)
07-31-2015 3:40:54 PM
No comments:
Post a Comment