Khu tượng đài Quang Trung tại Gò Đống Đa.
Cao Huy Huân
Theo RFA-21.07.2015
Mấy bữa nay báo chí và dư luận Việt Nam sôi nổi lên tiếng về việc nhiều em học sinh, thậm chí là các bạn thanh niên, khi được hỏi về Nguyễn Huệ (lên ngôi vua lấy hiệu là Quang Trung), đã trả lời Nguyễn Huệ và Quang Trung là… hai anh em; hai bố con. Có em còn hồn nhiên cho là “Quang Trung là tên hiệu của…Trần Quốc Tuấn”. Không ai xem đoạn clip mà không khỏi bàng hoàng, chỉ biết “cười ra nước mắt”. Đoạn clip phỏng vấn chỉ chừng chục em, nhưng gần như 100% các em đều trả lời sai một cách thậm tệ. Nếu các nhà báo phỏng vấn thêm vài chục, vài trăm em nữa, có lẽ dân mình cũng không có đủ nước mắt để… cười.
Tiên trách kỷ hậu trách nhân
Dư luận chẳng nên phí công bàn tán, thảo luận và “truy tìm” người chịu trách nhiệm. Có người trách các bạn trẻ bây giờ quá vô tâm, vô tình, học hành không đến nơi đến chốn. Nhưng thiết nghĩ “tiên trách kỷ”, tức trách nhiệm phải quy về việc giáo dục, dạy bảo con người. “Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em; hay hai cha con; hay hai đồng chí, đồng đội với nhau” chính là tác hại của một nền giáo dục nhồi nhét, nhồi nhét và nhồi nhét vô tội vạ.
Báo chí, chuyên gia, dư luận đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực và phát biểu để cảnh báo vấn nạn học thuộc lòng, học vẹt, học cho có nhiều chữ trong bụng (chứ không phải có sự nhạy cảm về kiến thức, biết tiếp thu đúng đắn kho tàng tri thức của thế giới) trong nền giáo dục Việt Nam. Rõ ràng các em được học về Quang Trung-Nguyễn Huệ từ tiểu học, rồi cấp hai và cuối cùng là cấp ba. Đó là chưa kể hàng loạt các hoạt động ngoại khóa, thi cử…liên quan đến cái tên Quang Trung-Nguyễn Huệ. Các em “được” học nhiều là thế, được dạy nhiều là thế để rồi trả lời sai đến bất ngờ, hay “không biết” khiến người thấy phải ái ngại, xót xa cho nhiều thế hệ trẻ chỉ biết gồng gánh trên vai chiếc cặp nặng trĩu sách vở, còn cái đầu thì… trống rỗng.
Ngồi bàn giấy soạn lịch sử
Tôi không nói ngoa. Nếu hỏi mấy em về Tần Thủy Hoàng, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Lý Thế Dân hay các phim cổ trang Trung Quốc, không chừng các em còn thuộc lòng và nhớ rõ hơn rất nhiều so với “thảm kịch” môn lịch sử mà chúng ta chứng kiến. Nghĩ đến đây, lòng đã cay đắng càng thấy cay đắng hơn.
Nhưng đã nói đi thì cũng phải nói lại. Tại sao dân Việt lại rành lịch sử Trung Quốc đến thế? Tại sao nhiều thanh niên ngày càng rành về văn hóa Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… thay vì những nét văn hóa “đậm chất truyền thống” nhưng hoàn toàn có khả năng hội nhập của Việt Nam? Đơn giản là vì những quyển sách được biên soạn ra, phần nhiều hướng các em đến việc học kiến thức chứ không phải truyền thụ đam mê. Hãy nhìn cách các em soạn đề cương và học thuộc lòng thâu đêm trước ngày thi; hãy nhìn cách kiểm tra miệng trước lớp dù là học sinh tiểu học hay học sinh trung học phổ thông; hay đơn giản hơn, hãy nhìn những đề kiểm tra theo kiểu “hãy nêu lại các mốc lịch sử của cuộc chiến tranh chống Xiêm, chống Thanh”… Tất cả chẳng gì ngoài học vẹt.
Tôi nhớ có khi học sinh học mãi không thuộc, đành chấp nhận điểm zero dù em có khả năng nhìn ý nghĩa của câu chuyện lịch sử theo một cách nhìn độc đáo và đậm chất sáng tạo nhưng không sai lệch. Tôi nhớ những ngày bạn bè tôi phải khổ sở viết chi chít chữ nghĩa vào các tờ giấy, lên cả tay, chân hay lên cả đùi thông tin ngày tháng năm sinh của Quang Trung và thời gian những cuộc chiến của vị anh hùng dân tộc này diễn ra. Tôi nhớ cảnh các em học sinh phổ thông khi nhận tin “không thi tốt nghiệp môn sử” đã thẳng tay vứt hết sách sử ra ngoài cửa sổ, bất chấp những thứ mà các em được dạy là lòng tự hào dân tộc, yêu thương tổ quốc.
Cái mà các em học sinh cần ở môn sử, chính là sự kích thích tính tò mò, tính thỏa mãn thông tin phù hợp với bối cảnh các em đang sống (chứ không phải kiến thức chung chung chỉ để học thuộc lòng). Cái các em cần nữa chính là những bài học cách đây hàng trăm năm nhưng vẫn có ý nghĩa với chính bản thân các em hiện tại. Và các em cũng cần hiểu (chứ không phải thuộc) những dấu son lịch sử để có thể tự mình kể lại cho người khác nghe bằng tâm huyết, lòng tự hào và niềm đam mê. Muốn thế, các em “không cần” những quyển sách chỉ toàn là chữ nghĩa và mang tính khuôn sáo; thay vào đó là những bộ sách giáo khoa nhẹ nhàng về dữ liệu tin nhưng phải rõ ràng về mục tiêu, về ý đồ, về thông tin cần thiết, kết hợp với phương tiện (phim ảnh, bản đồ,…) hỗ trợ thật sự đắc lực cho việc tìm hiểu về một nhân vật hay một sự kiện lịch sử.
Giáo viên sử vẫn rất ì ạch
Nếu một bộ sách khô cứng và nặng phần kiến thức giết chết sự hứng thú của các em, thì một đội ngũ giáo viên dạy sử cũng như những “con vẹt” góp phần dập tắt tất cả niềm hi vọng. Tôi nhớ mãi hình bóng của không ít thầy cô dạy sử gắn liền với cái ghế trên bục giảng, đọc để các em chép và yêu cầu học thuộc lòng. Đó là chưa kể rất nhiều thầy, cô dạy sử quên mất cái thiên chức của họ là truyền tải niềm đam mê, chứ không phải là đọc chép, và kiểm tra. Họ bảo “giáo viên dạy sử nghèo” và tự cho mình cái quyền ít tâm huyết hơn những giáo viên dạy toán, dạy lý, dạy hóa hay dạy tiếng Anh.
Thay vì họ tìm ra những sáng kiến để các em nhỏ thích học sử, thì phần đông giáo viên chấp nhận dừng lại ở chuyện “đọc-chép” không hơn không kém. Để rồi các em học về vua Quang Trung cũng chẳng biết ở đất Sài Gòn, Huế, hay Hà Nội… có nơi nào có đền thờ vua Quang Trung; tầm vóc nhân vật ra sao; tại sao lại tôn vinh nhân vật ấy; hay tại sao vị vua này được cả thế giới nhắc tên. Giáo viên mãi mê trả lời câu hỏi “cái gì?” mà chẳng bao giờ kích thích các em hỏi “tại sao?” hay “như thế nào?” – những câu hỏi gợi mở rất nhiều điều thú vị trong môn sử. Và rồi sản phẩm “học sinh giỏi cấp quốc gia” môn sử cũng chỉ dừng lại ở những em may mắn được trời phú cho một trí nhớ tốt (khi còn trẻ), để rồi dần trở nên mai một và yếu đuối khi về già.
Xin hãy nhìn sang các nước bạn dạy sử để rồi còn học hỏi. Các em học 1 tiết lý thuyết sẽ có 1 tiết thực hành. Đó là khi các em được tự do phát biểu quan điểm, ý kiến của mình về nhân vật hay sự kiện lịch sử để rồi cùng giáo viên thảo luận; Đó là khi các em được nói “em ngưỡng mộ nhân vật lịch sử” nào đó để rồi được giáo viên bồi dưỡng thêm thông tin và cách tiếp cận vấn đề; đó là khi các em được đến các viện bảo tàng để học về chiến tranh lạnh, chiến tranh thế giới, chiến tranh Việt Nam thay vì ngồi trong lớp và học bằng trí tưởng tượng.
Xin những người soạn sách lẫn người giảng dạy hãy thật sự nghiêm túc với môn sử trước khi yêu cầu các em học sinh phải đam mê một môn học đang trở nên đang nhàm chán và khô cứng ở Việt Nam.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment