Friday, July 24, 2015

Ðể mặc cho Trung Quốc đẩy dân vào chỗ chết

PHAN THIẾT (NV) - Bất chấp những cảnh báo về sự nguy hại cho sức khỏe và tính mạng con người của các nhà máy dùng than để phát điện, Việt Nam vẫn cho phép Trung Quốc xây dựng nhà máy nhiệt điện.

Theo báo chí Việt Nam thì hai doanh nghiệp Trung Quốc là công ty lưới điện Phương Nam và công ty điện lực Quốc Tế đã được phép khởi công dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, tọa lạc ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.


Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. (Hình: TBKTSG)

Dự án vừa kể trị giá 1.75 tỉ Mỹ kim. Hai doanh nghiệp của Trung Quốc góp khoảng 20% vốn, 80% còn lại do năm ngân hàng của Trung Quốc cho vay. Thiết kế và toàn bộ thiết bị do Trung Quốc cung cấp. Theo dự kiến, việc xây dựng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sẽ khoảng bốn năm. Sau đó hai doanh nghiệp Trung Quốc được phép khai thác trong 25 năm rồi giao lại cho Việt Nam.

Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 là một phần trong cái gọi là “Tổng sơ đồ điện VII” từng được thủ tướng Việt Nam phê duyệt hồi 2011. Theo đó, đến năm 2020, các nhà máy phát điện bằng than sẽ chiếm 46.8% cơ cấu năng lượng của Việt Nam. Tới năm 2030, tỷ lệ này là 56.4%.

Ðó cũng là lý do các chuyên gia gọi “Tổng sơ đồ điện VII” là một kế hoạch hủy diệt môi trường, sức khỏe và tính mạng con người.

Tại hội thảo về việc phát triển nguồn điện ở đồng bằng sông Cửu Long, diễn ra tại Cần Thơ hồi trung tuần tháng này, Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh (Green ID) tiếp tục cảnh báo, nếu đến năm 2020, các nhà máy phát điện bằng than chiếm 46.8% cơ cấu năng lượng của Việt Nam như “Tổng sơ đồ điện VII” thì chúng sẽ thải ra khoảng 14.8 triệu tấn tro xỉ/năm. Ðến 2030, lượng tro xỉ sẽ lên tới 30 triệu tấn/năm.

Ông Trần Ðình Sính, phó giám đốc Green ID, cho biết, một công trình nghiên cứu của nhóm mô hình hóa học khí quyển thuộc Ðại Học Harvard, cho thấy, năm 2010, trên toàn thế giới, số người chết sớm vì các nhà máy phát điện bằng than là 3.2 triệu. Trong đó ở Việt Nam là 31,000 người và riêng đồng bằng sông Cửu Long là 8,000 người.

Tính ra hàng năm, số người chết vì các nhà máy phát điện bằng cao gấp ba lần số người chết vì tai nạn giao thông, chưa kể chi phí khổng lồ do phải chăm sóc sức khỏe của các nạn nhân.

Các nhà máy phát điện bằng than đang là một vấn nạn toàn cầu và các quốc gia phát triển đang tìm cách loại bỏ những nhà máy loại này vì gây ra những thiệt hại quá lớn. Theo một nghiên cứu của Clean Air Task Force, năm 2010, riêng ở Hoa Kỳ, ô nhiễm không khí từ các nhà máy phát điện bằng than làm 13,000 người chết sớm, 20,000 người mắc bệnh tim, mất 1.6 triệu ngày công do ốm đau, tổng thiệt hại qui ra tiền là hơn 100 tỉ Mỹ kim/năm.

Dẫu có rất nhiều số liệu vừa cụ thể, vừa đáng sợ, tại hội thảo vừa kể, ông Lâm Thanh Hùng, phó giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang, nêu thắc mắc, phân tích của một số chuyên gia cho thấy, phát điện bằng than rõ ràng là một phương thức nguy hiểm, thế giới đang loại bỏ, vậy thì tại sao chúng ta lại theo hướng đó mà không tìm giải pháp phát triển điện khí, điện sinh khối, điện gió hay điện mặt trời?

Ông Nguyễn Ðức Cường, giám đốc Trung Tâm Năng Lượng thuộc Viện Năng Lượng, Bộ Công Thương Việt Nam, vẫn xác quyết, xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than vẫn là ưu tiên hàng đầu! (G.Ð)
07-23-2015 2:47:10 PM

No comments:

Post a Comment