Cát Linh, phóng viên RFA
2015-07-24
2015-07-24
Tiến sĩ Phạm Lan Dung (trái), Trưởng khoa luật quốc tế Học viện ngoại giao Việt Nam trả lời phóng viên Cát Linh tại Trụ sở Đài Á Châu Tự Do ở Washington DC hôm 22/7/2015.RFA
Vào ngày Thứ Ba, 21 tháng Bảy vừa qua, Hội nghị thường niên về biển Đông lần thứ 5 diễn ra ở Viện nghiên cứu chiến lược và ngoại giao Hoa Kỳ với sự tham gia của nhiều chuyên gia từ các quốc gia liên quan và học giả quan tâm tình hình biển Đông. Có mặt tài đài Á Châu Tự Do là Tiến sĩ Phạm Lan Dung – trưởng khoa luật quốc tế Học viện ngoại giao Việt Nam sẽ trình bày 1 số nhận định cũng như kế hoạch của nhà nước Việt Nam về biển Đông.
Tập trung chủ yếu ở khía cạnh pháp lý
Cát Linh: Thưa tiến sĩ trong hội thảo biển Đông lần này, Bộ ngoại giao và chính phủ Việt Nam đã đưa ra những thông điệp gì?
Nếu TQ thực hiện việc tôn tạo đó còn có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, và vi phạm các nghĩa vụ của các quốc gia theo luật quốc tế về môi trường và công ước luật biển. Nếu như sau khi thực hiện việc tôn tạo đó mà TQ còn có ý đồ thay đổi quy chế pháp lý của các thực thể đó thì điều đấy cũng không phù hợp với quy định của Luật Quốc tế và Luật biển quốc tế.
-TS Phạm Lan Dung
TS Phạm Lan Dung: Tôi đến dự hội thảo này với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực luật quốc tế, cho nên những quan điểm tôi trình bày ở hội thảo cũng như tôi trao đổi ở đây với quí đài là những quan điểm của cá nhân là một chuyên gia. Tại phiên luật quốc tế của hội thảo về biển đông lần này, chúng tôi tập trung chủ yếu ở khía cạnh pháp lý gần đây về biển Đông, trong đó đặc biệt là những diễn giả tập trung vào những vấn đề mà hiện nay Trung Quốc đang thực hiện việc tôn tạo và xây dựng ở qui mô rất lớn tại các thực thể ở biển Đông. Những thực thể mà Trung Quốc xây dựng và tôn tạo chủ yếu là các bãi nửa nổi nửa chìm, có 1 số ít trong đó ý kiến còn khác nhau đó là bãi nửa nổi nửa chìm hay là đá. Tuy nhiên, việc những bãi nửa nổi nửa chìm hoặc những đá đó thuộc quốc gia nào trong tranh chấp biển Đông thì còn là những vấn đề đang tranh cãi. Vì vậy cho nên việc Trung Quốc đang tiến hành xây dựng và tôn tạo tại các thực thể tại khu vực đang tranh chấp đó là không phù hợp với tinh thần của DOC, là tuyên bố về ứng xử của các bên về biển Đông. Theo như tuyên bố đó thì các bên trong tranh chấp cam kết sẽ giữ nguyên hiện trạng tranh chấp ở biển Đông. Ngoài ra nếu Trung Quốc thực hiện việc tôn tạo đó còn có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, và vi phạm các nghĩa vụ của các quốc gia theo luật quốc tế về môi trường và công ước luật biển. Nếu như sau khi thực hiện việc tôn tạo đó mà Trung Quốc còn có ý đồ thay đổi quy chế pháp lý của các thực thể đó thì điều đấy cũng không phù hợp với quy định của Luật Quốc tế và Luật biển quốc tế.
Cát Linh: Có thể chia ra bao nhiêu loại thực thể ở biển Đông, thưa Tiến sĩ?
TS Phạm Lan Dung: Trên nguyên tắc, công ước luật biển quy định là trước hết có đảo, đảo thì có tất cả các vùng biển (lãnh hãi 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa…) Thứ hai là có đá. Đá thì chỉ có 12 hải lý, lãnh hải và có thể có thêm vùng tiếp giáp lãnh hải 24 hải lý tính từ đường cơ sở, 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải. Đá thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. ngoài ra còn có những thực thể là bãi nửa nỗi nửa chìm và bãi chìm. Bãi nửa nổi nửa chìm là những thực thể nổi lên trên mặt nước khi thuỷ triều xuống nhưng chìm khi thuỷ triều lên. Bãi nửa nổi nửa chìm và bãi chìm không phải là đối tượng để các quốc gia có thể yêu sách chủ quyền. Nếu bãi nửa nổi nửa chìm nằm trong phạm vi 12 hải lý lãnh hải của bờ biển hoặc của đảo thì được sử dụng để vạch đường cơ sở.
Tòa quốc tế có quyền xét xử hay không?
Cát Linh: Về vấn đề Philippines đưa Trung Quốc ra Toà Trọng tài quốc tế, bà có thể cho biết nhận định của bà về vụ kiện này theo góc độ của luật quốc tế?
TS Phạm Lan Dung: Từ góc độ của Việt Nam, theo như lời phát ngôn của Bộ ngoại giao Việt Nam cũng như học giả chúng tôi thì chúng tôi thấy là việc sử dụng biện pháp tài phán để giải quyết tranh chấp ở biển Đông là một trong những biện pháp hoà bình, phù hợp với cả quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, của luật quốc tế nói chung cũng như là quy định của công ước luật biển 1982. Trong vụ việc này, Việt Nam cũng đã gửi bản tuyên bố quan điểm của Việt Nam với tư cách là một bên thứ 3 có lợi ích trong tranh chấp. trong bản tuyên bố ấy, Việt Nam đã nêu rõ Việt Nam là một quốc gia có lợi ích trong vụ việc đang được đưa ra toà. Và Việt Nam ủng hộ quyền tài phán của toà, cũng như nêu rõ là Việt Nam phản đối đường lưỡi bò mà Trung Quốc yêu sách là không có cơ sở pháp lý. Việc này thể hiện Việt Nam cũng rất quan tâm vụ này. Và trên thực tế, Việt Nam luôn theo dõi rất sát cái diễn biến của vụ việc này, để có thể kịp thời bảo vệ lợi ích của Việt Nam khi cần thiết. trong vụ việc này nhìn từ góc độ của 1 chuyên gia thì tôi thấy khó khăn nhất của vụ việc này là liệu tòa có quyền xét xử hay không? Tại sao?
Công ước luật biển thì cho phép các quốc gia được hạn chế các thẩm quyền của các cơ chế bắt buộc trong công ước. Nếu như vấn đề đưa ra trước toà là vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền chưa được giải quyết hoặc liên quan đến phân định biển thì toà không có thẩm quyền bởi tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc. Philippines đặt vấn đề là yêu câu toà làm rõ quy chế pháp lý của các thực thể trong biển Đông, không quan trọng là thực thể đó thuộc nước A hay nước B, nhưng quy chế pháp lý của nó là gì theo công ước luật biển. rõ ràng nếu tiếp cận từ góc độ ấy thì vấn đề này không phải nằm trong ngoại lệ và toà có thẩm quyền. Còn vấn đề đường lưỡi bò thì Trung Quốc cũng nói là Trung Quốc cũng yêu cầu toà nói về chủ quyền hay vấn đề nào khác, mà Trung Quốc muốn nói là yêu sách đó là yêu sách không hợp lệ. Theo quy định của công ước luật biển, các quốc gia không được đưa ra các yêu sách như vậy vì nó không có 1 cơ sở nào theo công ước luật biển cả. Do đó ở đây là nói theo tính pháp lý của công ước ấy chứ không phải là giải quyết vấn đề về chủ quyền.
Cát Linh: Xét về chuyên môn thì theo tiến sĩ, vụ kiện này có thể kéo dài bao lâu?
TS Phạm Lan Dung: Tôi nghĩ là sau khi toà đưa ra quyết định, phán quyết đầu tiên liên quan đến thẩm quyền thì phụ thuộc vào quyết định ấy như thế nào? Nếu toà tuyên bố là toà không có thẩm quyền về vụ việc này hoàn toàn (theo tôi thì việc này ít có khả năng xảy ra) thì việc này sẽ chấm dứt ở đó. Còn phương án thứ hai, có hai khả năng. Thứ 1, toà tuyên bố là toà có thẩm quyền với tất cả vấn đề ở đó. Thứ 2, toà tuyên bố là toà có thẩm quyền với 1 số vấn đề mà Philippines yêu cầu. Cả hai vấn đề này đều yêu cầu là toà tiếp tục xem xét vụ việc.
Cuối cùng thì ở những diễn đàn thế này rõ ràng là chúng ta được hoà nhập vào trogn cộng đồng học giả quốc tế và tạo điều kiện rất nhiều để chúng ta có thể bảo vệ lợi ích quốc gia.
Cát Linh: Xin cảm ơn Tiến sĩ Phạm Lan Dung đã dành thời gian cho buổi nói chuyện này.
No comments:
Post a Comment