Friday, July 24, 2015

Thuyền nhân Việt đối mặt với ‘tương lai mù mịt’ ở Australia

Một nhóm người tị nạn Việt Nam được đưa đến đảo Christmas ở Australia (ảnh chụp ngày 14/4/2013).
Một nhóm người tị nạn Việt Nam được đưa đến đảo Christmas ở Australia (ảnh chụp ngày 14/4/2013).
VOA Tiếng Việt
24.07.2015

Hàng chục người Việt Nam tới Úc xin tị nạn bằng đường biển, và hiện bị giữ trên một chiếc tàu đổ bộ của Hải quân nước này, sẽ vấp phải nhiều khó khăn và tương lai mù mịt, các nhà quan sát nói với VOA Việt Ngữ.

Australia tuần này thông báo đã chặn được một chiếc tàu gỗ chở hàng chục người xin tị nạn Việt Nam, gồm cả phụ nữ và trẻ em, ở ngoài khơi bờ biển miền tây của nước này.

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại tiểu bang Tây Úc, cho VOA Việt Ngữ rằng con đường phía trước của những người đồng hương này còn rất dài.

Ông nói: “Nước Úc, vấn đề chính sách về người tị nạn, nhất là những người vượt biên không qua con đường nộp đơn di dân chính thức thì họ cũng rất là khó khăn. Họ sẽ bị làm khó dễ. Từ xưa tới giờ, những người bị bắt thường âm thầm bị đuổi về Việt Nam. Nhưng mà cộng đồng đã đứng ra hỗ trợ đoàn thể và các nhân vật để bảo vệ họ thì vấn đề bắt đưa ra phi trường vào ban đêm không còn nữa. Họ được thả ra ngoài cộng đồng để sống. Nhưng mà có một số đơn xin ở lại vẫn bị bác vì nhiều lý do khác nhau”.

Ông Dũng cùng với cộng đồng người Việt ở tiểu bang Tây Úc từng giúp đỡ nhiều người Việt hòa nhập với cuộc sống bản địa sau khi đơn xin tị nạn của họ được chấp thuận.

Nhân vật lãnh đạo cộng đồng người Việt, sang Australia tị nạn đầu những năm 80, cho biết rằng đa phần những người Việt tìm đường sang Australia là vì bị “đàn áp tự do tôn giáo và ngôn luận”.

“Đa số các anh em tị nạn ở trong các trại tạm giam mà người Úc họ giữ là những người theo đạo Thiên chúa tại vùng miền Trung. Hà Tĩnh và Nghệ An tương đối là nhiều,” ông Dũng nói.

Lý do 'bất thường'

Dù chính phủ Australia không thông báo cụ thể nhân thân cũng như lý do ra đi của những người trên, báo chí nước này trích các nguồn tin nói rằng một số thuyền nhân Việt đã bỏ nước ra đi sau khi thuyền đánh cá của họ bị tàu hải quân Trung Quốc đâm chìm ở quần đảo Trường Sa ở biển Đông.

"Cũng không lấy làm lạ bởi vì chính phủ Việt Nam hoàn toàn im lặng trước những sự tấn công đàn áp của người Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam. Họ chỉ dám đưa tin ‘tàu lạ’ đâm vào tàu Việt Nam hoặc là gì đó. Tôi nghĩ nếu một chính phủ không đứng ra bảo vệ dân để cho dân bị một nước láng giềng nó xâm nhập như vậy thì ra đi vì tàu Trung Quốc đàn áp họ thì lý do tôi nghĩ cũng đúng thôi."-Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại tiểu bang Tây Úc, nói.

Khi được hỏi về lý do ra đi mà nhiều người cho là “bất thường” này, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng nói:

“Cũng không lấy làm lạ bởi vì chính phủ Việt Nam hoàn toàn im lặng trước những sự tấn công đàn áp của người Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam. Họ chỉ dám đưa tin ‘tàu lạ’ đâm vào tàu Việt Nam hoặc là gì đó. Tôi nghĩ nếu một chính phủ không đứng ra bảo vệ dân để cho dân bị một nước láng giềng nó xâm nhập như vậy thì ra đi vì tàu Trung Quốc đàn áp họ thì lý do tôi nghĩ cũng đúng thôi”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về các trường hợp thuyền nhân Việt bị Australia bắt giữ.

Trong khi đó, ông Peter Dutton, Bộ trưởng đặc trách bảo vệ Biên giới Úc, cho biết sẽ thảo luận với chính quyền Hà Nội về việc đưa các thuyền nhân Việt về nước nếu họ được xác định không phải là người tị nạn thực sự.

Các tổ chức nhân quyền cho biết năm ngoái Australia đã bí mật cầm giữ một nhóm khoảng 46 người xin tị nạn Việt Nam trên một chiếc tàu chiến neo đậu trên biển gần một tháng và bác đơn của họ trong các cuộc phỏng vấn có khi chỉ kéo dài có 40 phút, rồi sau đó đưa trả họ về Việt Nam.

Theo đại sứ quán Australia ở Việt Nam, hầu hết các thuyền nhân Việt Nam bỏ nước sang Úc là người tỉnh Nghệ An.

Trong cuộc tiếp xúc với quan chức Đại sứ quán Australia ở Việt Nam, giới chức tỉnh này cho biết đa số người Nghệ An vượt biên trái phép “theo đạo Thiên chúa, trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh sống hết sức khó khăn, bị đường dây mua bán vận chuyển người dụ dỗ”.

Chính phủ Australia từng tuyên bố sẽ cùng hợp tác với Việt Nam để “bắt giữ và khởi tố những người tổ chức đưa người vượt biên trái phép và ngăn chặn hành vi kinh doanh nguy hiểm dựa trên sinh mạng của con người”.

Tòa án tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm ngoái đã tuyên án tù đối với ba người vì “đã tổ chức đưa 84 người vượt biên sang Úc” năm 2013. Sau hơn chục ngày lênh đênh trên biển, nhóm người này đã bị giới hữu trách Úc bắt giữ.

No comments:

Post a Comment