Friday, July 24, 2015

Âu cũng vì giáo dục mà nên!


Cao Huy Huân
Theo VOA-24.07.2015

Tuần trước báo Tuổi Trẻ phát hiện thông tin “Cua 1 ký 2 lạng, nấu xong chỉ còn 4... lạng”. Sau đó dư luận bắt đầu chia sẻ hàng loạt câu chuyện về “ăn gian” trong chuyện mua gánh bán bưng. Nhiều người gật gù “thời của cua bị đày” (vì cột rất nhiều dây nặng khủng). Có người than vãn về nạn “hô biến cân nhẹ thành nặng, nặng thành nhẹ”, thực hư vô thường, chẳng ai ra chợ mua đồ biết được ai thật ai gian.

Lịch sử Việt Nam dài hơn 4000 ngàn năm và chúng ta vẫn tự hào về những năm tháng hào hùng oanh liệt, nhưng chẳng bao giờ thấy nhắc đến sự gian lận, lừa bịp nhau, mà nhất là toàn người Việt lừa bịp người Việt, vậy mới thấy đau, thấy thấm thía cái câu “môi hở răng lạnh” nhưng “răng cắn môi đau”. Lên Facebook than thở rằng: “Sao người Việt ngày càng tha hóa quá, hôm nay lừa đảo, ngày mai trộm cướp rồi đến thảm sát kinh hoàng”. Ở thời bình mà sao lòng người ai cũng thấy bất an, thấy hoang mang, lo lắng và niềm tin vào ba chữ “người tử tế” chẳng biết tự khi nào bị tiêu hao, mòn mất”. Thế là hàng trăm người bình luận. Có người tích cực thì “Thôi cố chị ơi, đời người có bao nhiêu mà hững hờ. Cứ sống. Có mua sắm thì vào những nơi tử tế mà mua, có đắt chút cũng không sao. Tối về nhà ai nấy rạng, đừng như cái thuở mở cửa chào nhau”. Có người bi quan thì quyết liệt “đừng tin ai cả”. Một người bạn ở Sài Gòn kể lại kèm một cái biểu tượng “mặt khóc”, rằng: “đứa bạn tao từ Mỹ sang chơi, đang đi dạo bộ ở Quận 1 thì bị cướp giật máy ảnh lẫn túi xách. Tiền mất sạch, mất luôn thẻ Visa. May mà tao lo xa, kêu cất hộ chiếu ở khách sạn, không thì khổ. Bước ra đường bây giờ, chẳng biết ai lành ai cướp cả, xã hội riết rồi loạn quá mày ạ. Đóng thuế đầy đủ mà an ninh vẫn cứ nhập nhòe”.

Ngày xưa sang đất Thái Lan du lịch, mấy khu nhà hàng buffet thì ghi bảng tiếng Việt “ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, lấy dư là phạt tiền”. Còn mấy chỗ đông đúc thì cảnh báo bằng tiếng Việt “coi chừng móc túi”. Lúc ở Nhật Bản thì đứa bạn cũng than thở bên này nghe tới người Việt là người bản xứ sợ, nhất là tại cái siêu thị hay bị mất đồ. Nó kể thêm: “Ngân hàng Nhật chẳng cho sinh viên Việt vay tiền nữa, họ bảo có đứa vay rồi lợi dụng lòng tin của họ, về Việt Nam mà không thèm trả một đồng hay xin lấy một câu. Cứ như tiền của họ, xài cho đã rồi thôi. Chán thật!”.

Sở dĩ tính xấu con người ngày nay tăng dần với mật độ dày đặc là bởi giáo dục vẫn còn kém. Hãy nhìn sang Nhật Bản, đất nước bị hủy diệt ghê gớm sau trận động đất-sóng thần 2011, vẫn gượng đứng dậy bằng đôi bàn tay và khối óc một cách bình tĩnh, lương thiện. Họ dạy con người giá trị của cuộc sống – chính là sự thanh thản và hạnh phúc, xuất phát từ lòng lương thiện và đôi bàn tay chăm làm. Chúng ta dạy con em mình về “giá cả” của cuộc sống – một thứ có thể tăng giảm theo thời gian, theo vị thế, địa vị, quyền lực và tiền bạc. Để rồi con người ta chao đảo lên xuống như giá cả của một món hàng.

Triết lý của giáo dục phải xuất phát từ nhà trường – nơi có môi trường trong sạch, bình đẳng, lành mạnh, không đố kỵ hay có sự phân biệt đối xử. Ấy thế nhưng môi trường giáo dục Việt Nam, không phải toàn bộ, nhưng phần lớn bị “dính” căn bệnh thành tích, quan liêu. Luật pháp cấm dạy thêm, nhưng báo chí vẫn phản ánh “trẻ lên 4... đã phải đến trường học thêm, học bớt”. Luật cấm mua bằng bán vị, nhưng những dường dây mua bán bằng cấp vẫn cứ nhan nhản ngoài thị trường, trong cả những trường đại học. Luật cấm chạy trường, chạy lớp nhưng năm nào báo chí cũng tốn không biết bao nhiêu giấy mực để phản ánh nạn “ráng lo cho con vào trường điểm”. Luật cấm hành hạ, đánh đập học sinh nhưng nạn “ăn đòn cho hả tức” tại nhà trường vẫn chưa bao giờ là một chủ đề nguội lạnh. Đạo đức giáo dục yêu cầu không bỏ rơi các em học yếu, học kém, hay cả như các em cá biệt, nghịch ngợm, quậy phá... nhưng rồi có bao nhiêu thầy cô, nhà trường đủ kiên nhẫn theo sát, lắng nghe, dìu dắt và vực các em dậy. Hay là bỏ rơi, bỏ mặc, bỏ thí để các em tự bươn chải trên đường đời, vô tình trở thành nạn nhân của những thế lực đen mà chính nhà nước cũng đau đầu khi quản lý. Hậu quả là những tên cướp giật, những người trộm cướp, hay những tay sát thủ trẻ tuổi xuất hiện ngày một nhiều và đáng sợ.
Việc giáo dục còn phải xuất phát từ thực tế, chứ không phải từ sự tưởng tượng hay lười biếng, trục lợi của những người quản lý. Người châu Âu dạy trẻ học lịch sử tại các bảo tàng; dạy trẻ học môi trường tại các khu rừng tự nhiên; dạy trẻ học làm việc tốt tại các trung tâm dưỡng lão; dạy trẻ sự lương thiện bằng những bộ phim, những câu chuyện có thật nghe hay như Kinh thánh khiến người ta chỉ muốn làm cho nhau vui vẻ, hài lòng và hạnh phúc. Còn chúng ta vẫn loay hoay với văn hóa đọc chép và suy diễn; vẫn cố gắng yêu cầu các em nhỏ phải học bằng thiết bị viễn thông hiện đại đắt tiền (như máy tính bảng), làm suy đồi khả năng va chạm thực tiễn của các em. Có người cười “máy tính bảng có hại cho mấy em nhưng có lợi cho người khác”, thế nên yêu cầu người ta học bằng máy tính bảng là phải?!

Tôi lại phải kể lại câu chuyện giáo dục mà tôi rất thích, “Thầy Mạnh Tử”. Khi Thầy Mạnh Tử còn nhỏ, mẹ người phải dời nhà năm lần bảy lượt để con né xa nghĩa địa, chợ búa... đến ở gần trường học, cốt là để con mình gần thầy cô, bạn bè chăm ngoan học tập. Thế nhưng, khi sân trường được cho thuê làm quán nhậu, quán nhậu kề sát nhà trường, thầy cô đua nhau “giải bài tập ở nhà để các em đạt điểm cao trên lớp”, bạo lực học đường và bỏ rơi trẻ học kém... thì chẳng biết nhà trường nói riêng và giáo dục nói chung có thật sự còn là nơi mà người ta cần tìm đến để học “làm người”, hay chỉ là nơi sản xuất theo lối công nghiệp vô tiền khoán hậu những thứ bằng cấp làm mê muội tâm trí những đứa trẻ? Để rồi đứa nào cũng nhanh chóng trở thành những “Chí Phèo” hiện đại, cứ chửi trời, chửi đất, chửi đấng sinh thành, và không quên chửi luôn những người dạy dỗ mình (nhưng toàn bắt mình làm theo ý họ)?

Giáo dục là quốc sách, và vì quốc sách hỏng nên một số lượng lớn người trong xã hội cũng hỏng theo. Thế nên chuyện bịp lừa, chuyện trộm cướp, giết người... âu phần nhiều cũng vì giáo dục.

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


Cao Huy Huân
Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.

No comments:

Post a Comment