Friday, June 5, 2015

Trung Quốc 'khuyên' Ấn Độ đừng khai thác dầu ở Biển Đông

BẮC KINH (NV) - Trong một cuộc trò chuyện với các chuyên gia và báo giới Ấn Độ, ông Hoàng Lệ Nhàn, tổng vụ phó Vụ Châu Á, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tiếp tục nhắc nhở như thế.


Một giàn khoan dầu của tập đoàn ONGC Ấn Độ. (Hình: Wikipedia)


Ông Nhàn bảo rằng ông không biết chính xác về việc Ấn Độ có kế hoạch thăm dò dầu khí tại khu vực nào ở Biển Đông nhưng kế hoạch đó sẽ không ổn nếu nằm trong vùng có tranh chấp về chủ quyền.

Báo chí Ấn Độ đã nhấn mạnh sự mâu thuẫn của Trung Quốc về việc khai thác các khu vực đang có tranh chấp chủ quyền.

Mới đây, Ấn Độ phản đối dự án “Hành lanh kinh tế Trung Quốc-Pakistan” với đường bộ, đường sắt, ống dẫn dầu, chạy qua vùng Kashimir, vốn đang có tranh chấp về chủ quyền giữa nước này với Pakistan.

Tuy nhiên ông Nhàn trấn an rằng, dự án đó chỉ nhắm tới các lợi ích kinh tế, không có mục đích chính trị thì chính ông Nhàn lại khuyên Ấn Độ đừng khai thác dầu ở khu vực đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Việt Nam!

Hồi tháng 10 năm ngoái, khi ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam thăm Ấn Độ, Việt Nam và Ấn ký thêm nhiều “thỏa thuận hợp tác.” Trong đó có Thỏa thuận khung hợp tác giữa OVL (một công ty thuộc ONGC - Tập Đoàn Dầu Khí Ấn Độ) và PetroVietnam, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa ONGC và PetroVietnam.

Lúc đó, thủ tướng Việt Nam tuyên bố, Việt Nam đánh giá cao lập trường của Ấn Độ về Biển Đông cũng như việc Ấn Độ tiếp tục hợp tác để khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông.

Thủ tướng Ấn Độ khẳng định, hai quốc gia có cùng lợi ích về an ninh hàng hải, bao gồm cả tự do lưu thông trên biển và tự do thương mại cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải theo luật quốc tế.

Sự kiện và những tuyên bố vừa kể khiến Trung Quốc bất bình. Ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lập tức cảnh báo rằng Việt Nam và Ấn Độ “không nên gây tổn hại tới chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông” vì “chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và vùng nước lân cận” là “không thể tranh cãi.”

Tháng 9 năm ngoái, ông Hồng Lỗi từng đưa ra cảnh báo tương tự sau khi ông Pranap Mukherjee, tổng thống Ấn Độ đến thăm Việt Nam và Việt-Ấn cùng ký một số thỏa thuận liên quan tới việc thăm dò-khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Vài ngày sau, khi tiếp ông Tập Cận Bình, chủ tịch nhà nước Trung Quốc đến thăm Ấn Độ, Ấn Độ khẳng định, việc hợp tác thăm dò-khai thác dầu khí với Việt Nam, khởi đầu từ năm 1998, hoàn toàn vì lý do thương mại. Bảy lô mà Ấn Độ đã nhận từ Việt Nam để khai thác-thăm dò dầu khí hoàn toàn nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Thanh Tân, đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết, chuyến thăm Ấn Độ của ông Dũng sẽ “tạo điều kiện thuận lợi” cho các dự án dầu khí của Ấn Độ tại Việt Nam. Ông Tân khẳng định, các dự án thăm dò-khai thác dầu khí của Ấn ở Biển Đông đều nằm trong lãnh hải của Việt Nam và Việt Nam “có quyền bảo vệ các lợi ích của mình.”

Trong quá khứ, Trung Quốc đã vài lần tỏ ra giận dữ trước quan hệ hợp tác thăm dò-khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Ấn Độ. Hồi 2011, Trung Quốc đã từng gọi các dự án hợp tác thăm dò-khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Ấn Độ là “phi pháp” vì “xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.”

Giữa năm 2013, Trung Quốc phát thông báo mời các tập đoàn dầu khí quốc tế tham gia đấu thầu 9 lô dầu khí ở Biển Đông. Một phần của một trong chín lô được Trung Quốc mời chào nằm trong phạm vi một lô mà Việt Nam đã giao cho công ty dầu khí ONGC Videsh của Ấn Độ.

Tuy nhiên những nỗ lực đó không làm Ấn Độ và các doanh nghiệp nước này nao núng. Trước sự kiện Việt Nam giao thêm một số lô dầu khí để các doanh nghiệp của Ấn Độ thăm dò-khai thác, tờ New Indian Express cho biết, bất chấp răn đe của Trung Quốc, các doanh nghiệp Ấn Độ vẫn cương quyết thực hiện những hợp đồng thăm dò-khai thác dầu khí đã ký với Việt Nam.

Giới quan sát thời sự nhận định, chính Trung Quốc đã thúc đẩy Ấn Độ và Việt Nam xích lại gần nhau. Trước nay, quan hệ Trung-Ấn vốn dĩ đã không hữu hảo cũng vì tranh chấp chủ quyền. (G.Đ)
06-05- 2015 4:19:18 PM

No comments:

Post a Comment