Friday, June 5, 2015

Nhận $700 ngàn nhưng 'không phải là tham nhũng'

Vụ quan chức giao thông Việt Nam ăn hối lộ của Nhật

HÀ NỘI (NV) - Công an Việt Nam vừa đề nghị truy tố sáu viên chức liên quan đến vụ nhận hối lộ khoảng 700 ngàn Mỹ kim của JTC về tội... “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”


JTC là tên gọi tắt của Japan Transport Consultants (công ty tư vấn giao thông Nhật Bản).


Minh họa trên báo chí Nhật về vụ đưa hối lộ của JTC cho các viên chức Việt Nam.

Hồi tháng 7 năm ngoái, ba lãnh đạo của JTC là cựu chủ tịch, cựu giám đốc điều hành và một thành viên hội đồng quản trị đã bị buộc tội vi phạm Luật Phòng Chống Cạnh Tranh Bất Bình Ðẳng của Nhật.

Theo cáo trạng của Văn Phòng Công Tố Tokyo, cựu giám đốc điều hành và một thành viên hội đồng quản trị của JTC đã đưa 690,360 Mỹ kim cho các viên chức ngành đường sắt Việt Nam, trong giai đoạn từ 2009 tới đầu tháng 2 năm 2014 để JTC được chọn làm nhà thầu, tư vấn cho dự án phát triển đường sắt ở Hà Nội, thực hiện bằng nguồn vốn ODA do chính phủ Nhật hỗ trợ. Cựu chủ tịch JTC bị truy tố vì phê duyệt việc chi tiền hối lộ này.

Vụ hối lộ của JTC vỡ lở vào năm 2013 sau khi Văn Phòng Thuế khu vực Tokyo tiến hành thanh tra về thuế và phát hiện JTC có nhiều khoản chi bất hợp pháp. Ðến đầu năm 2014, lãnh đạo JTC thú nhận đã đưa hối lộ cho các viên chức Việt Nam để được chọn làm nhà thầu.

Sau khi những thông tin liên quan đến vụ đưa hối lộ của JTC được báo giới Nhật loan tải, chính quyền Việt Nam đã “tạm đình chỉ công tác” của hàng chục viên chức, buộc họ tường trình. Trong số bị buộc tường trình có cả cựu thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải. Ðến đầu tháng 5 năm 2014, công an Việt Nam khởi tố vụ án, tạm giam sáu cá nhân vốn là các viên chức trong lĩnh vực giao thông vận tải vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Sang tháng 6 năm 2014, tại một cuộc họp song phương để thảo luận về việc phòng ngừa tham nhũng trong các dự án sử dụng ODA, ông Kimihiro Ishikane, vụ trưởng Vụ Hợp Tác Quốc Tế của Nhật, loan báo, Nhật tạm ngưng cấp ODA cho Việt Nam vì có dấu hiệu đưa-nhận hối lộ khi Việt Nam thực hiện dự án phát triển đường sắt ở Hà Nội bằng ODA nhận từ Nhật. Hai bên đã tổ chức nhiều cuộc họp sau khi scandal JTC bùng nổ.

Trong kết luận điều tra vụ nhận hối lộ của JTC mà công an Việt Nam vừa công bố, công an Việt Nam xác định, sáu viên chức ngành đường sắt là: Trần Quốc Ðông (cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Ðường sắt Việt Nam, cựu giám đốc RPMU - Ban Quản lý Dự án Ðường Sắt) và các giám đốc RPMU kế nhiệm là: Phạm Hải Bằng, Phạm Quang Duy, Trần Văn Lục, Nguyễn Văn Hiếu, cùng với Nguyễn Nam Thái (cựu trưởng phòng Dự án 3 của RPMU) chỉ “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Công an Việt Nam không xác định JTC đã đưa hối lộ và các viên chức Việt Nam đã nhận hối lộ. Theo kết luận điều tra khoảng tháng 9 năm 2009, khi bàn bạc về hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật với JTC, ông Phạm Hải Bằng (lúc đó là chủ nhiệm dự án “Ðường sắt Ðô thị Hà Nội, tuyến số 1 - giai đoạn I”) đã “kể” cho đại diện của JTC về “một số khó khăn về chi phí triển khai dự án của RPMU” và JTC “đồng ý hỗ trợ một khoản chi phí.” Hai ông Phạm Quang Duy và Nguyễn Nam Thái là những người trực tiếp đi nhận tiền “hỗ trợ” của JTC.

Sau đó, các ông Phạm Hải Bằng, Phạm Quang Duy, Nguyễn Nam Thái đã chia nhau “quản lý, sử dụng” số tiền đó và đã dùng số tiền này vào những “công việc chung” như: Tổ chức lễ ký kết hợp đồng, chi cho các hoạt động đối ngoại, hội họp và đưa các viên chức trong tổ dự án của RPMU đi nghỉ mát...

Cũng theo công an Việt Nam thì khi nhận và sử dụng khoản tiền “hỗ trợ” của JTC, ông Phạm Hải Bằng đều báo cáo với các giám đốc RPMU trong nhiều thời kỳ khác nhau như: Trần Văn Lục, Trần Quốc Ðông, Nguyễn Văn Hiếu.

Dẫu toàn bộ các chi tiêu vừa kể đều không có chứng từ, sổ sách song công an Việt Nam xác định việc “quản lý, sử dụng” số tiền đó không phải là chiếm đoạt làm tài sản cá nhân (nên không có ai bị truy cứu trách nhiệm tội tham ô).

Có một điểm đáng lưu ý là dẫu cả sáu viên chức ngành đường sắt không bị xem là “nhận hối lộ” nhưng kết luận điều tra cho biết, ông Bằng đã tự nguyện nộp lại 970 triệu đồng, 7,000 Mỹ kim và hai sổ tiết kiệm trị giá hơn 900 triệu đồng để “khắc phục hậu quả.” Kết luận điều tra ghi nhận, ông Bằng đã trích tiền mà JTC “hỗ trợ” để đưa cho ông Trần Quốc Ðông 30 triệu, ông Trần Văn Lục 100 triệu đồng và ông Nguyễn Văn Hiếu 50 triệu vào dịp Tết.

Từ trước đến nay, Nhật đã tạm ngưng cấp ODA cho Việt Nam hai lần vì các viên chức Việt Nam lợi dụng những dự án ODA để nhận hối lộ và Việt Nam thiếu minh bạch trong việc điều tra, truy cứu trách nhiệm các viên chức tham nhũng. Hồi 2010, Nhật từng cắt viện trợ do Việt Nam không quyết tâm điều tra vụ nhận hối lộ của PCI - một doanh nghiệp khác của Nhật - để chọn doanh nghiệp này làm nhà thầu đảm trách vai trò tư vấn cho Dự án Ðại lộ Ðông-Tây ở Sài Gòn.

Chưa rõ Nhật có ý kiến nào về kết luận điều tra vừa kể hay không. (G.Ð)
06-04-2015 4:16:54 PM

No comments:

Post a Comment