Hoạt động cổ xúy cải cách chính trị và bảo vệ nhân quyền trong khát vọng canh tân đất nước khiến sự nghiệp sụp đổ, công ty bị giải thể, và đẩy anh Trần Huỳnh Duy Thức vào vòng lao lý, trở thành một tù nhân lương tâm theo cách gọi của Ân xá Quốc tế
06.06.2015
Thân nhân một nhà hoạt động đang thọ án 16 năm tù vì các hoạt động cổ súy dân chủ trong nước kêu gọi công luận khắp nơi thúc đẩy Việt Nam cải thiện nhân quyền và phóng thích tù nhân lương tâm.
Nhà bất đồng chính kiến Trần Huỳnh Duy Thức từng là một doanh nhân thành đạt trước khi bị bắt vào tháng 5/2009 cùng với các nhà hoạt động khác là luật sư Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, và Lê Thăng Long với cáo buộc ban đầu là ‘trộm cước viễn thông’ sau chuyển qua ‘tuyên truyền chống nhà nước’ và cuối cùng được đổi thành ‘hoạt động chính trị nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.’
Anh là người đồng sáng lập Nhóm nghiên cứu Chấn tập trung nghiên cứu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam và là đồng tác giả của tập sách Con đường Việt Nam.
Các hoạt động cổ xúy cải cách chính trị và bảo vệ nhân quyền trong khát vọng canh tân đất nước đã khiến sự nghiệp của anh sụp đổ, công ty anh bị phá sản phải giải thể, và đẩy anh vào vòng lao lý, trở thành một tù nhân lương tâm theo cách gọi của Ân xá Quốc tế.
Bản án khắc nghiệt 16 năm tù Hà Nội dành cho anh nhiều năm qua đã bị cộng đồng quốc tế phản đối vì đi ngược lại Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng như cam kết của chính Việt Nam về cải cách và pháp trị.
"Tôi kỳ vọng rất nhiều ở thế hệ trẻ sau này. Các bạn là những người sẽ mang lại những thay đổi cần thiết để Việt Nam được tự do-dân chủ thật sự, để mọi người có quyền đóng góp vào việc chung. Chúng ta nên vượt qua tâm lý sợ. Giới trẻ cần nhận biết quyền của mình là mặc nhiên và phải có trách nhiệm góp phần vào lợi ích chung của cộng đồng, dân tộc, đất nước"Mới hôm 24/5, đánh dấu tròn 6 năm anh bị giam cầm, 36 tổ chức xã hội dân sự trong nước và quốc tế đã ký tên vào bản lên tiếng chung kêu gọi nhà nước Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế bằng cách trả tự do ngay lập tức cho anh.
Nhân dịp này, Tạp chí Thanh Niên VOA có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ anh Thức để cùng nhìn lại Con đường Việt Nam mà nhà hoạt động trẻ này đang trải qua, những cái ‘được’ và ‘mất’, và tình trạng của anh hiện nay.
- Ông Trần Văn Huỳnh: Con tôi đã có sự lựa chọn đúng. Là một doanh nhân thành đạt trong ngành công nghệ thông tin, Thức đã đặt lợi ích chung của dân, của nước trên lợi ích riêng tư và đã dũng cảm dấn thân vào con đường đấu tranh cho tự do-dân chủ thật sự để quyền con người phải được tôn trọng trước hết, cho Việt Nam phát triển bền vững, lâu dài, ngày càng công bằng-văn minh. Cái mất dĩ nhiên là công ty bị phá sản và đóng cửa và cơ hội làm giàu riêng cho bản thân không còn nữa khi vào tù. Thức đã chấp nhận. Cái được thì rất lớn, được đứng vào hàng ngũ những người bênh vực cho lẽ phải, cho chân lý, quyền lợi chung của Tổ quốc. Sự đánh đổi đó có đáng hay không có lẽ mọi người đã nhìn thấy. Cái được là làm những điều thao thức, suy tưởng của mình để đạt đến lý tưởng, lẽ phải.
Trà Mi: Theo ông, cái thao thức, suy tưởng mà anh Thức theo đuổi so với tình hình thực tế ở Việt Nam có viễn vong, huyễn hoặc hay không?
Ông Trần Văn Huỳnh: Con tôi cũng nói đã thấy trước hậu quả của việc mình làm, nghĩa là đối mặt với thực tế ở Việt Nam thì hậu quả là khó tránh khỏi bị bắt, bị kết án. Việc đó Thức và các bạn đã trông thấy nhưng đã quyết tâm thì cứ làm. ‘Việc gì đáng làm thì cứ làm’ đó là câu Thức thường hay nói.
Trà Mi: Việc mà anh cho là đáng làm đó đã không đưa anh tới đích như nguyện vọng của anh mà rẽ sang một con đường khác. Có người thắc mắc trong tình hình ở Việt Nam, những lý tưởng đó có đáng làm lúc này hay chưa? Là thân phụ anh Thức, ông suy nghĩ thế nào?
Ông Trần Văn Huỳnh: Tôi nghĩ nếu chờ thì biết đến bao giờ. Với bản án khắc nghiệt 16 năm tù và 5 năm quản chế, Thức vẫn kiên định, giữ vững ý chí, tinh thần không suy giảm, vững tin vào con đường đã chọn sẽ dẫn tới lẽ phải, sẽ giúp quyền con người lên ngôi.
Trà Mi: Theo ghi nhận của ông, anh Thức có cảm thấy lạc lõng giữa 4 bức tường trại giam trong lúc những người bạn đồng chí hướng đã lần lượt ra tù trước thời hạn?
Ông Trần Văn Huỳnhh: Thức không bao giờ cảm thấy mình lạc lỏng, mà ngược lại, lại có thêm nhiều bạn cùng chí hướng và có những trải nghiệm để học được rất nhiều điều hay, lẽ phải. Do vậy, những tháng gần đây viết thư về nhà, Thức đã nói rất nhiều về những điều học được trong tù. Thức bảo là ‘học không sách’. Thức rất ham đọc sách. Trong tù dĩ nhiên Thức không có được những cuốn sách muốn đọc. Những lá thư hằng tháng Thức gửi về cho gia đình thật sự nói nhiều về những chuyển biến, những sự kiện đang diễn ra trong đất nước.
Trà Mi: Trong số các nhà hoạt động dân chủ nổi bật, anh Thức lãnh án dài nhất. Trong nhóm các nhà hoạt động cùng bị bắt một đợt với anh, anh là người duy nhất không được giảm án. Theo ông, vì sao?
Ông Trần Văn Huỳnh: Vì Thức đã kiên quyết không ‘nhận tội’ cho tới bây giờ. Những chứng cứ đưa ra để kết án Thức không hợp pháp, phiên tòa không tuân thủ theo đúng Bộ Luật Hình sự.
Trà Mii: Họ có yêu cầu anh thỏa hiệp?
Ông Trần Văn Huỳnh: Trong một lần thăm nuôi, Thức cho biết vào dịp lễ 2/9, Thức đã từ chối mọi sự thỏa hiệp. Họ bảo Thức ‘nhận tội’ sẽ được giảm án, Thức đã kiên quyết từ chối một sự thỏa hiệp như thế để bảo vệ chính kiến của mình.
Trà Mi: Trong những dịp thăm nuôi, gia đình thường được anh Thức nhắn gửi những gì?
Ông Trần Văn Huỳnh: Mỗi lần đi thăm thường được gặp 1 giờ đồng hồ, chỉ được nói chuyện về những việc nhà mà thôi. Hễ nói gì ngoài phạm vi gia đình là họ ngăn. Trong 4, 5 tháng qua có sự thay đổi. Hằng tháng, theo quy định trại giam, Thức được gửi thư cho gia đình 2 lần. Một thư như thế có khi dài tới 10, 20 trang hay hơn nữa, trong đó Thức đều nói tới những chuyện thời sự.
Trà Mi: Gia đình có cơ hội cho anh biết anh được sự ủng hộ bên ngoài thế nào không?
Ông Trần Văn Huỳnh: Có, và những điều Thức viết trong thư gửi về, gia đình đều công khai lên mạng để công luận hiểu được việc làm của Thức lẽ ra không phải bị bắt, chứ đừng nói gì tới bị kết tội. Chúng tôi cũng cho Thức biết gia đình vận động cả trong và ngoài nước kêu gọi tự do cho Thức.
Trà Mi: Quốc tế đang áp lực Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm, trong danh sách đó có tên anh Thức. Có nhiều tín hiệu cho phép hy vọng Thức sẽ sớm được trả tự do trong bối cảnh đàm phán TPP giữa Việt Nam với các nước hiện nay hay chăng?
Ông Trần Văn Huỳnh: Rất mong ước sự kiện TPP sẽ góp phần thúc đẩy việc này vì một điều kiện tất yếu, tiên quyết để Việt Nam được vào TPP là cải thiện nhân quyền. Tôi cũng mong rằng sự kiện đó sẽ giúp Thức được ra sớm. Nhưng Thức nói gia đình đừng nôn nóng gì cả vì việc làm của Thức, Thức khẳng định là vô tội và việc trả tự do cho Thức sẽ diễn ra theo quy luật.
Trà Mi: Kể từ khi anh Thức được công luận biết tới sau bản án, gia đình có gặp phải những áp lực thế nào không từ phía chính quyền liên quan đến bản án này?
Ông Trần Văn Huỳnh: Chúng tôi cũng bị theo dõi. Nhiều khi bị mời lên bảo không được làm việc này, việc kia. Tôi bảo ‘Con tôi bị án oan sai, tôi có quyền khiếu nại, và việc tôi làm đúng pháp luật.’
Trà Mi: Từ câu chuyện của con trai minh, ông Huỳnh muốn nhắn gửi gì tới tuổi trẻ Việt Nam, những người quan tâm và yêu chuộng dân chủ?
Ông Trần Văn Huỳnh: Tôi chỉ xin nói là tình hình đất nước, người dân phải được tham gia, góp ý và có trách nhiệm đóng góp với nhà nước. Tôi kỳ vọng rất nhiều ở thế hệ trẻ sau này. Các bạn là những người sẽ mang lại những thay đổi cần thiết để Việt Nam được tự do-dân chủ thật sự, để mọi người có quyền đóng góp vào việc chung. Chúng ta nên vượt qua tâm lý sợ. Giới trẻ cần nhận biết quyền của mình là mặc nhiên và phải có trách nhiệm góp phần vào lợi ích chung của cộng đồng, dân tộc, đất nước. Với tâm thức đó, ước nguyện về một nước Việt Nam dân chủ-tự do sẽ xảy ra, dĩ nhiên không phải ngày một ngày hai, mà nó là quá trình chúng ta phải dấn thân, bắt tay cùng làm.
Trà Mi: Cảm ơn ông Huỳnh rất nhiều đã dành thời gian cho VOA trong cuộc trao đổi này.
No comments:
Post a Comment