Theo Người Việt-06-05-2015 6:54:05 PM
Ngô Nhân Dụng
Nước Mỹ nợ nước Tàu hơn ngàn tỷ đô la, nhiều người nghĩ rằng con nợ chắc phải lụy vào chủ nợ. Người ta hiểu lầm vì nghĩ việc nước nọ vay tiền nước kia cũng giống như mình; một bên “xin vay” bên kia “cho vay.”
Bình thường, chúng ta tới ngân hàng trình bày lý do mình cần tiền để làm gì. Ngân hàng sẽ hỏi mình có món của cải nào làm thế chấp hay không, lợi tức của mình trong tương lai có đủ để trả tiền lãi và vốn hay không. Hai bên sẽ mặc cả lãi suất cao hay thấp, cách trả lãi và vốn như thế nào, vân vân. Trong nền kinh tế chậm tiến, ở các nước tham nhũng, người vay còn phải hối lộ người ký giấy cho vay nữa. Nói chung, con nợ ở địa vị “xin,” chủ nợ địa vị “cho.”
Trong kinh tế thị trường, mọi người không “xin và cho” mà chỉ trao đổi. Hai bên bình đẳng, mỗi bên tính toán thiệt hay lợi rồi trao đổi. Các công ty lớn hoặc chính phủ các nước giầu không cần đi tìm người có tiền mà vay. Việc vay nợ có thể diễn ra trong thị trường. Người cần tiền báo cho “công chúng” biết mình muốn vay, ai có tiền cũng xin mời. Họ phát hành các “giấy nợ” (trái khoán), ai muốn cũng mua được. Mua trái khoán tức là cho vay. Trên mỗi trái khoán ghi rõ số tiền vốn và lãi suất là bao nhiêu, thời hạn bao lâu, những chi tiết đó không thay đổi. Trái khoán do các chính phủ phát hành gọi là công trái. Chỉ những nước kinh tế rất yếu mới phải “xin vay tiền” các ngân hàng theo lối người bình thường. Vì nếu họ phát hành công trái, có thể không ai muốn mua. Đi vay trực tiếp như vậy thường phải trả lãi suất cao và chịu nhiều điều kiện ngặt nghèo khác. Chẳng hạn, khi chính phủ Việt Nam đi vay IMF hoặc Ngân Hàng Thế Giới, hoặc vay từ một nhóm các ngân hàng tư nhân, rồi đem tiền về cho quý vị giám đốc các công ty Vinashin, Vinalines dùng làm gì đó, hoặc biến mất luôn.
Việc vay nợ của chính phủ Mỹ khác với việc tư nhân đi vay nợ, nhìn vào thấy có vẻ kỳ cục. Bình thường, khi đang làm ăn khá giả thì chúng ta vay nợ dễ dàng, khi thất nghiệp đi vay rất khó. Mấy năm gần đây, chính phủ Mỹ phát hành công trái mới để vay nợ mỗi năm chừng 650 tỷ cho tới hơn 800 tỷ đô la. Nhưng năm 2010, số nợ vay lên tới 1,565 tỷ, cao gấp đôi thường lệ, với lãi suất vẫn rất thấp. Mà 2010 là năm kinh tế Mỹ đang khủng hoảng. Tại sao người ta vẫn muốn cho chính phủ Mỹ vay tiền giữa cơn khó khăn như vậy? Lý do là khi kinh tế Mỹ yếu đi thì cả thế giới cũng yếu theo. Các công ty giảm bớt đầu tư, người có tiền muốn cho vay họ cũng không cần vay. Nhìn quanh, lại thấy chỉ mua công trái Mỹ là tiện nhất. Khi ai cũng nghĩ như vậy, công trái Mỹ lại được giá, lãi suất ở Mỹ vẫn được giữ ở mức rất thấp.
Mỗi tuần lễ chính phủ Mỹ đều phát hành công trái, có thứ ba tháng đáo hạn, có thứ một năm, có thứ kéo dài hàng chục năm. Khi đáo hạn, ai làm chủ các trái khoán sẽ được trả nguyên số tiền ghi trên đó, thí dụ 10,000 đô la. Giống như trong các thị trường khác, người bán và người mua có thể mặc cả với nhau về giá trái khoán. Sau khi mua, chủ nhân các trái khoán có thể bán lại cho người khác mà người phát hành trái khoán, tức là con nợ, không cần biết tới. Mỗi ba tháng hay mỗi năm, chính phủ Mỹ trả tiền lãi cho người đang làm chủ trái khoán, khi đáo hạn người chủ sau cùng sẽ được hoàn đủ 10,000 đô la.
Công trái có thể bán theo lối đấu giá. Chẳng hạn chính phủ Mỹ muốn bán công trái đáo hạn trong một năm với mệnh giá 10,000 đô la; lãi suất trên giấy là 3%. Các nhà đầu tư sẽ hiến giá. Người muốn hưởng lãi suất cao hơn 3% có thể trả giá 9,800, người trả 9,700 còn muốn hưởng nhiều hơn nữa. Có người chịu trả trên 10,000 đô la vì họ chấp nhận hưởng ít hơn 3% cũng được. Lãi suất thực sự được hưởng khác với lãi suất 3% ghi trên trái khoán. Trong thị trường trái khoán, trả giá cao hơn tức là chấp nhận một lãi suất thực thấp hơn lãi suất trên giấy. Khi có nhiều người muốn mua thì họ đẩy giá lên cao, giá lên thì lãi suất thực sẽ giảm. Việc mua đi bán lại trong thị trường trái khoán cũng vậy, một thứ trái khoán tăng giá tức là người mua chấp nhận lãi suất thực của nó bị giảm; hoặc ngược lại.
Khi muốn “cho Mỹ vay,” quý vị không cần đợi tới ngày chính phủ Mỹ phát hành công trái. Bất cứ lúc nào cũng có thể “ra chợ” mua các trái khoán mình thích. Khi muốn bán cũng vậy. Khi một người bán công trái Mỹ, không phải chính phủ Mỹ sẽ trả tiền mà chỉ có người mua trả tiền. Thị trường công trái Mỹ ảnh hưởng trên các lãi suất khác; cũng như giá gạo ở chợ này ảnh hưởng tới giá gạo bán tại chợ khác. Khi lãi suất công trái lên hay xuống thì lãi suất của các món nợ khác cũng tăng hay giảm theo, vì người đầu tư tự do muốn mua, bán thứ chứng khoán nào cũng được.
Thí dụ, trong năm tháng đầu năm 2014, giá công trái chính phủ Mỹ tăng lên một cách bất thường. Lãi suất của các công trái 10 năm giảm từ 3% xuống chỉ còn 2.54% một năm, khiến các lãi suất đều giảm, những người cần vay để mua nhà rất sướng. Các nhà phân tích ở Mỹ tìm cách giải thích tại sao lãi suất chịu áp lực như vậy: Trong năm tháng đầu năm, Bắc Kinh đã mua một số công trái Mỹ lớn nhất trong suốt 30 năm, tổng cộng hơn 107 tỷ đô la. Vào năm 2014, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ cũng đang muốn ghìm cho lãi suất xuống thấp để kích thích kinh tế hồi phục nhanh hơn. Sang đầu năm 2015, Bắc Kinh làm ngược lại, họ bán ra nhiều công trái Mỹ hơn là mua vào. Tình cờ, cùng lúc đó Ngân Hàng Trung Ương Mỹ cũng không muốn cho lãi suất xuống nữa, vì lo sẽ lạm phát.
Trong hai năm liền, chính quyền Trung Cộng đã vô tình hỗ trợ chính sách tiền tệ của Mỹ. Nhưng trong thị trường tài chánh thế giới, chẳng ai giúp ai, cũng không ai có thể nhờ người khác. Mọi người mua, kẻ bán đều chỉ tính toán sao có lợi cho mình thôi.
Đầu năm 2014, Bắc Kinh đang cần nâng số hàng xuất cảng lên cao cho ngành sản xuất bớt trì trệ. Họ cần giảm giá đồng nguyên của họ so với đô la Mỹ. Khi người Tàu bán hàng ra ngoài, hầu hết các nước đều trả bằng đô la Mỹ. Thí dụ, món hàng giá 100 nguyên đang bán ra ngoài với giá 16 đô la. Nếu đồng nguyên xuống, thì món hàng 100 nguyên cũng tự động xuống giá, thí dụ chỉ còn 15 đô la thôi; món hàng của Mã Lai hay Mexico vẫn giữ giá cũ sẽ bị cạnh tranh.
Khi muốn hạ thấp hối suất đồng nguyên, Bắc Kinh cứ đi đô la, tạo áp lực trên thị trường, giá đồng nguyên tự nhiên xuống thấp. Càng muốn ghìm giá đồng nguyên là họ càng mua thêm nhiều đô la. Rồi thế nào cũng phải đem đầu tư vì không ai dại dột giữ hàng trăm tỷ đô la để không trong nhà. Chỗ đầu tư an toàn nhất vẫn là công trái chính phủ Mỹ. Mua công trái Mỹ được hưởng lãi rất thấp, 3% hay 2.5%; nhưng công trái chính phủ Đức cùng thời gian đó còn thấp hơn (1.2%) và công trái Nhật Bản thấp hơn nữa (0.54%) vì dân Nhật để dành rất nhiều tiền mà họ lại thích cho nhà nước vay! Mỗi năm, hàng Trung Quốc bán hàng sang Mỹ nhiều hơn số họ mua vào, cho nên họ dư rất nhiều đô la Mỹ. Số đô la dự trữ đó lại đem đi mua công trái Mỹ, tức là cho chính phủ Mỹ vay nợ.
Tại sao công trái Mỹ lại được chuộng như vậy? Có hai đặc tính, liên can với nhau. Thứ nhất, người ta thích mua một chứng khoán có “thị trường sâu,” tức là có rất nhiều người mua và bán. Những thứ mà cả tuần lễ hay cả tháng mới có người mua hay bán thì mình muốn bán hay mua cũng phải chờ, hoặc chịu hy sinh bán giá rẻ hoặc mua với giá đắt. Trong thị trường sâu, món hàng có “tính lưu hoạt,” tức là dễ mua, dễ bán, nhanh chóng và không phải hy sinh như vậy. Thị trường công trái Mỹ rất lưu hoạt, và rất sâu nếu so sánh với, thí dụ, công trái Nhật Bản hay Đức.
Hiện tượng Trung Cộng mua và giữ hàng ngàn tỷ đô la công trái Mỹ có ảnh hưởng cho cả hai bên, khó nói bên nào lợi, bên nào thiệt. Nhờ Trung Quốc mua nhiều công trái, dân Mỹ được hưởng lãi suất thấp, thấp hơn là nếu người Tàu không đổ tiền vào. Dân Mỹ vay nợ mua xe, mua nhà dễ hơn, kinh tế được kích thích. Nhưng khi nhiều tiền quá, các ngân hàng Mỹ cạnh tranh nhau trong việc cho vay, họ không dám đòi hỏi các con nợ nhiều quá. Một hậu quả là nhiều người thiếu tiêu chuẩn vẫn vay được tiền mua nhà; số người vỡ nợ cũng nhiều hơn. Cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2007 bắt đầu từ thị trường địa ốc, một phần cũng vì tiền Trung Quốc đổ vào Mỹ nhiều quá!
Trong năm năm qua, kinh tế Mỹ từ từ hồi phục và Bắc Kinh vẫn đem tiền tới cho vay, lãi suất vẫn được giữ ở mức rất thấp. Một hậu quả là giới đầu tư ở Mỹ chuyển tiền đi mua cổ phiếu để kiếm lời nhiều hơn. Vì thế, thị trường chứng khoán đã lên đều đều, lên nhanh hơn mức tăng trưởng kinh tế. Giới đầu tư có lợi, nhưng cũng nguy hiểm. Vì giá các cổ phiếu không thể cứ cao quá như vậy, có thể sụp đổ bất ngờ.
Chính phủ Trung Quốc cũng chơi một trò nguy hiểm nếu cứ tiếp tục đem đồng nguyên đổi lấy đô la Mỹ để giữ hối suất thấp, cho xuất cảng được nhiều. Bởi vì mỗi lần họ in thêm tiền để mua đô la, một số đồng nguyên lớn được đưa vào thị trường, số tiền lưu hành tăng lên có thể gây lạm phát. Muốn giảm bớt số đồng lượng tiền lưu hành, phải hút chúng vào bằng cách phát hành công trái, tức là chính phủ vay nợ dân! Số nợ trong nước Tàu đã tăng đến một mức đáng lo ngại, Ngân Hàng Trung Ương phải canh chừng mỗi ngày để cho quả bom nợ không bùng nổ! Muốn cân bằng, chính quyền Trung Cộng cần thay đổi cơ cấu kinh tế, không vụ vào xuất cảng nữa mà phải nâng cao sức tiêu thụ của người dân. Phải mở cửa cho các ngân hàng tư nhân phát triển, cạnh tranh, trả lãi suất cao hơn cho dân gửi tiền. Phải giảm bớt các công ty quốc doanh, để tư doanh phát triển. Một thay đổi cơ cấu như thế cần hàng chục năm, nếu đi chậm sẽ mất một thế hệ. Trong 30 năm nữa, mối lo lớn của nền kinh tế Trung Hoa là số người già ngày lên cao, tỉ số người làm việc xuống thấp, số người lãnh hưu bổng gia tăng!
Trong khi chờ đợi, chính phủ Mỹ cứ tiếp tục thúc giục Bắc Kinh thả nổi cho đồng nguyên lên xuống tự do. Nhưng họ cũng biết rằng nếu kinh tế Trung Quốc suy sụp thì hơn một tỷ người tiêu thụ ở nước Tàu phải thắt lưng buộc bụng, không xài tiền nữa. Tự nhiên, cả thế giới bị ảnh hưởng.
Tóm lại, trong đời sống kinh tế, cả thế giới ràng buộc với nhau. Kinh nghiệm của loài người cho thấy khi mọi người được tự do trao đổi với nhau thì tất cả đều khá hơn. Trong thị trường tự do, hai người chỉ trao đổi với nhau nếu hai bên đều thấy mình có lợi.
No comments:
Post a Comment