Theo Người Việt-06-14- 2015 5:25:21 PM
Phạm Chí Dũng
Vừa có thêm một chứng cứ hiển thị thâm sâu nhất về triển vọng nhà nước Việt Nam sẽ “đóng cửa tôn giáo ngoài luồng” sau khi vào được TPP.
Chùa Liên Trì tại quận 2, Sài Gòn, là tiêu điểm cho tương lai “hồi tố nhân quyền” như thế.
“Để Việt Nam vào TPP Tháng Tám này rồi sẽ xúc chùa Liên Trì”
Tháng Sáu này, Hòa thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì, thổ lộ, “Một số công an 'khuyên' Phật tử đến chùa lấy lại hết hình ảnh và tro cốt của người thân; những công an này còn đe nẹt 'Để nhà nước Việt Nam vào TPP Tháng Tám này rồi sẽ xúc chùa Liên Trì.'”
Tháng Tám nào?
Một số thông tin kinh tế gần đây trên báo chí nhà nước, được dẫn nguồn từ giới chuyên gia và vài cơ quan thuộc chính phủ, đã bắt đầu đề cập đến khả năng Việt Nam có thể được chính thức tham gia vào Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong quý 3 năm nay. Có tin tức còn cho biết “Tháng Tám” là thời điểm khả thi cho việc này.
Theo đó, thời điểm “Tháng Tám” mà một số công an nói với Phật tử kèm đe dọa “sẽ xúc chùa Liên Trì” rất có thể xuất phát từ thông tin nội bộ của cấp trung ương (nằm dưới dạng thông báo, báo cáo hoặc chỉ thị) về dự báo kết thúc đàm phán TPP, để từ đó triển khai thành một chủ trương - âm mưu của chính quyền thành phố về thời điểm sẽ diễn ra cuộc cưỡng chế không khoan nhượng đối với chùa Liên Trì, lấy “đất sạch” phục vụ cho việc phân lô bán nền của các nhà đầu tư cá mập tại dự án khổng lồ khu đô thị Thủ Thiêm.
Trong những năm qua, Liên Trì là nơi tập trung nhiều hoạt động từ thiện xã hội có ý nghĩa. Gần đây, chùa còn thường xuyên trao quà cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa - những người nằm trong hoàn cảnh “triệu người vui nhưng cũng triệu người buồn.” Chùa Liên Trì còn là nơi giao lưu, hội họp của các tổ chức xã hội dân sự độc lập, sau khi cơ sở Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn bị “bứng.” Chính những hoạt động thiện nguyện như thế đã trở thành cái gai trong mắt chính quyền và ngành công an, để cùng với lợi ích đang được cấp bách đòi hỏi bởi các “nhà đầu tư” khu đô thị Thủ Thiêm, dẫn đến kế hoạch “nhổ tận gốc” ngôi chùa Phật giáo trong lành này.
Vào trung tuần Tháng Năm, phái đoàn đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ đã thăm Hòa Thượng Thích Không Tánh và hỏi rất cặn kẽ về tình hình chùa Liên Trì. Trước đó, vào Tháng Bảy, 2014, chùa Liên Trì cũng nằm trong danh sách được báo cáo viên đặc biệt về tôn giáo của Liên Hiệp Quốc nêu ra như một bằng chứng tố cáo nhà nước Việt Nam xâm phạm trầm trọng quyền tự do tôn giáo.
Tiếp sau hàng loạt hành vi vi phạm trầm trọng quyền tự do của hầu hết các tôn giáo chính ở Việt Nam như Phật Giáo, Hòa Hảo, Công Giáo, Tin Lành... vào năm 2014 và đầu năm 2015, âm mưu “xúc chùa Liên Trì” là bằng chứng không thể chối cãi về “lòng thành tâm” của nhà nước Việt Nam từ khi gia nhập Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Tháng Mười Một, 2013 đến nay, và càng chứng minh cảm xúc không hề hồi tâm của nhà nước này trong ván bài dùng tù nhân lương tâm và quyền tự do tôn giáo để mặc cả với Hoa Kỳ nhằm giành lấy một “suất ăn” trên bàn tiệc TPP.
Sự đe dọa trên cũng trực tiếp khơi lại hành động “hồi tố” của nhà nước Việt Nam đối với giới bất đồng chính kiến và dân chủ vào thời gian 2008-2012, ngay sau khi nhà nước này được thỏa mãn nhu cầu tham gia vào tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) năm 2007, không những thế còn được người Mỹ nhấc khỏi danh sách Các Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt Về Tôn Giáo (CPC).
Báo ứng CPC
Khác hẳn với năm 2007, nhà nước Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ bị “tái hội nhập” CPC lần thứ hai vào năm 2015 này. Từ nhiều tháng qua, một cuộc vận động trên diện rộng do Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ và các nước Tây Âu thực hiện dẫn đến kết quả là vấn đề đưa Việt Nam vào lại CPC có thể được đặt ra trước Quốc Hội Mỹ năm nay.
Chỉ mới đây, một nhóm dân biểu thuộc Quốc Hội Âu Châu đã nhóm họp và cho rằng “Việt Nam xứng đáng nằm trong CPC.” Nếu triển vọng này xảy ra, có thể nói gần như toàn bộ “thành tích nhân quyền” của nhà nước Việt Nam sẽ tan thành bong bóng. Viện trợ và các nguồn tài trợ khác cũng vì thế sẽ bị co hẹp đáng kể, mà hình ảnh cắt giảm viện trợ ODA của chính phủ Úc ngay trong chuyến công du nước này của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là một tiền lệ rất khó chịu.
Bị cắt giảm đáng kể nguồn viện trợ từ nước ngoài, con tàu nghiêng lật chính thể Việt Nam chỉ còn trông đợi vào phao cứu sinh TPP để “tăng 25% GDP sau 10 năm tham gia” như một dự báo đầy hồng hào của chính phủ quốc gia này.
Thế nhưng khác hẳn với quá khứ gia nhập WTO năm 2007, vào lần này, mọi chuyện không chỉ có được mà luôn phải là bánh ít đi bánh quy lại. TPP đang phụ thuộc mật thiết vào cơ chế đàm phán nhanh (TPA) mà Quốc Hội Hoa Kỳ có thể dành cho Tổng Thống Barack Obama. Nhưng cũng là lần đầu tiên, giới lập pháp Hoa Kỳ thống nhất cao về việc cài đặt điều kiện tự do tôn giáo vào TPA.
Điều đó có nghĩa là tổng thống Mỹ không có toàn bộ thẩm quyền để quyết định TPP cho Việt Nam, nếu như Quốc Hội Mỹ phát hiện nhà nước Việt Nam tiếp tục có những hành vi bách hại và đàn áp nặng nề đối với các tôn giáo ở quốc gia này. Khi đó, không loại trừ khả năng cái ghế TPP cho Việt Nam sẽ bị Quốc Hội Mỹ thẳng tay bác bỏ, cho dù đã được chính phủ Mỹ thông qua.
Được Thượng Viện Mỹ thông qua vào Tháng Năm, TPA còn cần được Hạ Viện Mỹ biểu quyết để tổng thống Mỹ được quyền quyết định những nội dung đàm phán với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy gói dự luật TPA chưa được hoàn tất tại Hạ Viện Mỹ vào ngày 12 Tháng Sáu vừa qua, nhưng nếu cơ quan thông qua trong lần bỏ phiếu lại dự kiến vào ngày 16 Tháng Sáu, nghị trình đàm phán TPP có khả năng sẽ kết thúc trong cuộc đàm phán cuối cùng có thể diễn ra trong tháng này hoặc tháng tới. Theo đó, và nếu không có gì trục trặc, có khả năng nhà nước Việt Nam sẽ được chấp thuận trên nguyên tắc vào TPP trong Tháng Tám.
Thế nhưng không có gì chắc chắn rằng Việt Nam sẽ nghiễm nhiên tham dự vào việc chia phần chiếc bánh TPP nếu nhà nước này vẫn tiếp tục đàn áp tôn giáo. Một chùa Liên Trì hay những bằng chứng khác sẽ là quá đủ để Hà Nội bị đặt trở lại vào CPC.
Để sau đó, câu chuyện cổ tích về “TPP cho Việt Nam” rất có thể sẽ chỉ còn là truyền thuyết.
No comments:
Post a Comment