Monday, June 15, 2015

Tác động của các nhà máy nhiệt điện do TQ xây dựng

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Theo RFA-2015-06-15
Đường vào nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2
Đường vào nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2-RFA

Bước vào mùa hè, dải đất miền Trung đối mặt với nắng hạn, khô khốc. Đặc biệt, những nơi có người Trung Quốc xuất hiện, nắng hạn càng trở nên khốc liệt bởi những công trình làm tiêu hao quá nhiều nước, thải ra khói bụi làm ô nhiễm các khu dân cư lân cận một cách trầm trọng.
Không riêng gì Bình Thuận, mà hầu hết những nơi nào có người Trung Quốc đến xây dựng nhà máy nhiệt điện đều để lại hậu quả nặng nề. Hiện tại, tình trạng khói bụi gây ảnh hưởng sức khỏe và công việc làm ăn hằng ngày đã làm người dân quanh khu vực nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tổn thất hàng trăm tỉ đồng.
Nhà cửa nhanh chóng xuống cấp
Một người dân ở gần nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thuộc huyện Tuy Phong, Bình Thuận yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Nạn ô nhiễm nặng quá nên dân làm sao sống nổi, phải di tản thôi. Thực sự thì mấy cái vụ bị ô nhiễm thì nhiều khi dân mình chết mới biết. Chính quyền cũng làm mạnh bắt người dân đóng cửa. Dân mình sống thì cũng như chạy đua với lũ vậy thôi! Thì dân Việt Nam ở đâu mà chẳng bị đè đầu cưỡi cổ.”
Theo người này, trong suốt quá trình thi công nhà máy nhiệt điện, kể từ ngày khởi công xây dựng đến nay, đời sống bà con ở khu vực chung quanh nhà máy bị cô lập hoàn toàn bởi khói bụi, tiếng ồn, xỉ than và những trận gió lộc mang theo bụi. Nhà nào cũng phải căng một tấm bạt thật lớn trước cửa, ban ngày thì kéo tấm bạt chắn ngang mặt nhà để tránh bụi. Nhìn vào những căn nhà vốn dĩ ra vào, sinh hoạt hằng ngày của người dân chẳng khác nào một phòng hậu sản theo tập tục cổ của người Việt Nam là che kín gió, tránh ánh sáng mặt trời.
Nạn ô nhiễm nặng quá nên dân làm sao sống nổi, phải di tản thôi. Thực sự thì mấy cái vụ bị ô nhiễm thì nhiều khi dân mình chết mới biết. Chính quyền cũng làm mạnh bắt người dân đóng cửa. Dân mình sống thì cũng như chạy đua với lũ vậy thôi! Thì dân Việt Nam ở đâu mà chẳng bị đè đầu cưỡi cổ
Một người dân Bình Thuận
Mọi việc làm ăn hoàn toàn bị đình trệ trong vòng gần mười năm nay, đặc biệt sự trì trệ này càng nhân lên nhiều lần sau khi nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động. Đó là chưa muốn nói đến tình trạng xuống cấp trầm trọng của nhiều ngôi nhà do quá trình làm đường dẫn vào nhà máy, chở vật liệu xây dựng bằng các loại xe tải hạng nặng và cải tạo mặt đường bằng xe lu. Tất cả quá trình này tạo nên một chuỗi rung chuyển mặt đất, ngồi trong nhà lúc nào cũng nghe tiếng ù ù và mặt đất rung lên. Về lâu về dài, đã xuất hiện khá nhiều vết rạn nứt trên vách tường nhà.
Có nhiều nhà bị nghiêng, lún bởi chịu không nổi sức rung dài hạn. Bên cạnh đó, các lớp sơn tường bị phủ đầy bụi, sau một trận mưa lại bị bong tróc bởi trong các lớp bụi xỉ than có mang theo axit, nhà cửa trở nên nham nhở. Ông này buồn rầu nói rằng đôi khi đời sống ở đây còn tệ hơn cả súc vật, từ chỗ ở luôn bị che chắn bịt bùng, khói bụi mù mịt cho đến tiếng rung mỗi ngày và nhà nào cũng bám đầy bụi, nham nhở. Nếu mô tả đúng bản chất, nó giống một cái chuồng lợn.
Nhưng nếu so sánh ra, cái chuồng lợn vẫn có những ưu điểm của nó, chí ít cũng vì lợi nhuận, người ta luôn giữ môi trường sạch sẽ, dội nước tắm mỗi ngày để tránh bệnh tật, mau phát triển. Còn với người dân, không ai bảo vệ cả, thậm chí vì người dân nơi đây không tạo ra được mối lợi nhuận trực tiếp cho nhà đầu tư nên họ chẳng đoái hoài gì đến, sống chết mặc bây!
Một quán cơm ở gần nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (RFA)
Một quán cơm ở gần nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (RFA)
Bên cạnh đó, mối hiềm khích từ một số công nhân Trung Quốc đối với người dân chung quanh đã làm cho tình hình trở nên khó thở. Từ những năm đầu tiên sau khởi công xây dựng, thái độ hống hách của nhiều công nhân Trung Quốc đã khiến cho bà con sống ở đây không chấp nhận được, bà con đã quyết tâm loại bỏ họ bằng cách không giao du, không bán hàng cho họ. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều khó khăn cho bà con sau này.
Tuy nhiên, cũng có một số người vẫn tin vào người Trung Quốc, đã giao du với các công nhân, kĩ sư người Trung Quốc, hậu quả để lại là có nhiều em bé lai mang dòng máu mẹ Việt Nam cha Trung Quốc ra đời để rồi sau đó khi công trình hoàn thiện, chúng trở thành những đứa trẻ mồ côi cha vì mẹ của chúng bị đứt liên lạc với người đàn ông Trung Quốc kia sau khi anh ta về nước.
Có thể nói rằng hậu quả mà người Trung Quốc để lại trên đất Bình Thuận không nhỏ một chút nào, đặc biệt là với âm mưu tằm ăn dâu trên mỗi khu dân cư của họ. Nghĩa là khi họ có công trình, có đầu tư ở nơi nào, khu dân cư đó nhanh chóng bị Hán hóa hoặc bị đẩy bật đi nơi khác, một diện tích rộng lớn thuộc về họ.
Thủ đoạn “tằm ăn dâu”
Một người đàn ông khác, sống gần nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chia sẻ:“Mùa này thì ở đây khu nào cũng nắng nóng, nhưng mà trong vòng hai năm nay thì ở đây hạn hán. Trong tương lai thì ở đây sẽ trở thành khu chết, cứ tưởng tượng đi, nếu không nghe lời của dân. Đến nỗi bụi, gì bám dày đến 20cm mà. Tình trạng quá kéo dài thế này thì dân không thể sống được. Dân bị đè đầu, chính quyền nó thỏa hiệp hết rồi. Thời tiết miền Trung đã thế này rồi mà còn bụi, xỉ nữa thì không nói được. Nhiệt điện thì của mấy tay Tàu nó làm chứ Việt Nam thì làm được gì. Nó cần tiền, đưa tiền vào miệng nó rồi thì rồi nó nói gì đâu. Đây là thủ đoạn tằm ăn dâu!”.
Về lâu về dài, người dân chịu không nổi, sẽ tự bỏ nhà tìm nơi khác để sinh sống hoặc đứng dậy đấu tranh. Cả hai lựa chọn của người dân đều rơi vào cái bẫy di dời dân.
Theo vị này, chiến thuật “tằm ăn dâu” ở các công trình do người Trung Quốc xây dựng được áp dụng triệt để nhưng không hiểu sao nhà cầm quyền địa phương lại làm ngơ, thậm chí còn tiếp tay cho họ. Đơn cử một ví dụ, ông này nói về vấn đề thâu tóm chủ quyền sử dụng đất lâu dài của người dân.
Để thực hiện thủ đoạn này, thường thì nhà cầm quyền và nhà đầu tư sẽ bắt tay với nhau trong vấn đề xóa sạch khu dân cư và địa chỉ tôn giáo, thậm chí xóa sạch địa nhân chủng học. Ví dụ như trường hợp khu dân cư chung quanh nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thuộc huyện Tuy Phong đây là nơi ở của nhiều người dân từ đời này sang đời khác, họ có khu nghĩa trang dòng tộc, nhà thờ họ, chùa chiền, đền tháp… Các thành tố văn hóa, tâm linh này tạo ra một phức hợp văn hóa của một cộng đồng nhân dân trong một cương vực địa lý nhất định.
Khi nhà máy nhiệt điện xây dựng, thay vì phải bảo vệ đời sống của nhân dân, các chủ đầu tư cố tình thải chất bẩn ra khu dân cư trong sự im lặng, bỏ lơ của nhà cầm quyền. Về lâu về dài, người dân chịu không nổi, sẽ tự bỏ nhà tìm nơi khác để sinh sống hoặc đứng dậy đấu tranh. Cả hai lựa chọn của người dân đều rơi vào cái bẫy di dời dân. Hoặc là người dân tự di dời, hoặc là di dời trong dự án nhà nước với mức đền bù đất rẻ mạt nhưng mua đất ở mới lại quá đắt.
Trong tình trạng này, theo hướng nào nhà đầu tư và nhà cầm quyền địa phương cũng hưởng được một khoản hời từ tiền bán đất, tiền đút lót của nhà đầu tư và khoản đất dư thừa sau khi xóa sạch khu dân cư sẽ là quĩ đất mở rộng xây dựng, kinh doanh nhiều lĩnh vực mới của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư được lợi khổng lồ từ khoản diện tích quá rộng trong khu dân cư, nhà cầm quyền lại có thể xóa đi một phức hợp văn hóa dân cư có bề dày, mở ra một khu dân cư mới mà ở đó yếu tố cộng đồng, tâm linh bị phai nhạt rất nhiều so với trước, quản lý dân, sai khiến dân cũng dễ hơn.
Vị này kết luận, nếu như không có những chiến thuật mang tính thủ đoạn trên, đời sống người dân sẽ dễ thở hơn. Nhưng rất tiếc, một khi người Trung Quốc đã nhúng tay vào đầu tư bất cứ nơi nào, cư dân nơi đó phải xáo trộn, bất an. Đều đó giống như một chân lý!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/impac-cn-invest-therma-elc-plan-06152015083230.html/06152015-impac-cn-invest-therma-elc-plan.mp3

No comments:

Post a Comment