Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-06-15
2015-06-15
Bức tượng đồng của Khổng Tử ở phía trước của Bảo tàng quốc gia của Trung Quốc trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, khánh thành ngày 11 tháng 1 năm 2011- AFP
Bài hát vang dội trên thành Bắc Kinh
Mùa Xuân năm 1989
Và đó là bài hát của tự do
Thiên An Môn
Những câu thơ trên là lời một bài hát trong những ngày thượng tuần tháng sáu của 26 năm về trước, sau khi xe tăng của quân đội giải phóng nhân dân Trung quốc tràn vào quảng trường Thiên An Môn, xéo nát hàng ngàn sinh viên đấu tranh cho một nước Trung Hoa tự do.
Cuộc thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn gần như được truyền hình trực tiếp từ ống kính của nhiều nhà báo quốc tế có mặt ở Bắc Kinh lúc đó. Nó cũng là cuộc thảm sát thực hiện bởi chính người Trung quốc trên đồng bào của mình.
Nhớ về Thiên An Môn, blogger Hoàng Ngọc Tuấn giới thiệu bài viết về thi sĩ Liệu Diệc Vũ, người Trung quốc, cất lên lời thảng thốt qua bài thơ Thảm sát, ngay sau khi ông được tin dữ từ Bắc Kinh.
Một cuộc thảm sát đang xảy ra
Trên quốc gia không tưởng này
……
Bị đánh gục bởi đạo quân hàng ngàn tên
là những người tay không tấc sắt
Blogger Hoàng Ngọc Tuấn giới thiệu cho người đọc cuộc đời gian truân của người thi sĩ, từ nhà tù của đảng cộng sản Trung quốc cho đến những ngày vất vưởng trên đường phố Thành Đô quê hương ông, vì bài thơ Thảm sát. Một cuộc đời hầu như bị lãng quên trên chính quê hương của mình.
Sự kiện Thiên An Môn cho tôi sự hy vọng lẫn nỗi thất vọng. Sự hy vọng là trong một chế độ toàn trị đến mức như ở Trung quốc những người sinh viên vẫn sẳn sàng đứng lên đòi tự do dân chủ. Còn sự thất vọng là nó bị đàn áp trong bể máuNguyễn Anh Tuấn
Không chỉ có cuộc đời thi sĩ bị lãng quên mà ngay cả biến cố Thiên An Môn xem chừng cũng bị lãng quên tại Trung quốc sau một phần tư thế kỷ, một điều trớ trêu đối với một dân tộc từng viết nên những bộ sử trường thiên. Sở dĩ có điều đó là do những nổ lực viết lịch sử theo cách của những người cầm quyền hiện nay tại Trung quốc. Trong bài Nhân dân bao giờ cũng vĩ đại hơn nhà cầm quyền, blogger Tuấn Khanh viết rằng trong tài liệu chính thức dùng để giảng dạy lịch sử tại Trung quốc, giai đoạn Thiên An Môn được ghi nhận với vỏn vẹn một dòng rằng đó là một giai đoạn bất ổn. Và ngay cả những người Trung quốc đang sống ở nước ngoài cũng bị ám ảnh một nỗi lo sợ không dám lên tiếng về Thiên An Môn. Trong một thư kiến nghị gửi nhà nước Trung quốc yêu cầu minh bạch hóa sự kiện Thiên An Môn do các sinh viên Trung quốc ở hải ngoại chủ xướng, chỉ có 11 người ký tên.
Nhìn Thiên An Môn từ Việt nam, tác giả Trọng Thành đặt câu hỏi cho một số trí thức Việt nam về cái nhìn của người Việt nam cũng như những hồi ức về sự kiện này.
Giáo sư Nguyễn Huy Quí, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc, trả lời rằng không có ai ở Việt nam nghiên cứu câu chuyện thảm khốc đó, và một trong những nguyên nhân có thể là do sự nhạy cảm trong quan hệ với Trung quốc.
Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai lại tiết lộ rằng ông biết là vào tháng sáu năm 1989 ấy có nhiều nhà lãnh đạo Việt nam đồng tình với giải pháp bạo lực của đảng cộng sản Trung quốc, trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, gương mặt một thời được coi là khởi đầu cho cải tổ kinh tế xã hội Việt nam vào năm 1986.
Nhưng những người Việt nam trẻ tuổi dấn thân cho công cuộc dân chủ hóa Việt nam lại biết nhiều về Thiên An Môn. Trong một lần trao đổi với chúng tôi cựu sinh viên Nguyễn Anh Tuấn nói rằng:
Sự kiện Thiên An Môn cho tôi sự hy vọng lẫn nỗi thất vọng. Sự hy vọng là trong một chế độ toàn trị đến mức như ở Trung quốc những người sinh viên vẫn sẳn sàng đứng lên đòi tự do dân chủ. Còn sự thất vọng là nó bị đàn áp trong bể máu.
Còn nếu đặt trong sự so sánh tương quan giữa Việt nam và Trung quốc đều có cùng chế độ toàn trị và đàn áp giống nhau thì người Trung quốc dù sao cũng có một thế hệ sinh viên để tự hào. Hôm qua khi xem lại các bức ảnh ông Lý Bằng tiếp các lãnh tụ sinh viên thì thấy thái độ của họ rất là tự tin trước một người ở đỉnh cao quyền lực.
Nguyễn Anh Tuấn cũng nói rằng anh cảm thấy buồn lòng vì những người dấn thân vì phong trào dân chủ ở Việt nam còn quá ít ỏi.
Ngày nay toàn cầu hóa, hội nhập chính là áp lực mạnh từ mọi phía khiến các xã hội toàn trị bị vỡ ra nhanh hơn. Đành rằng với người lãnh đạo thông minh, có viễn kiến và bản lĩnh thì việc cải cách Thể chế đúng lúc, đúng hướng sẽ cứu vãn sự sụp đổNhà Khoa học Tô Văn Trường
Chế độ hiện hành, Khổng Tử và Mác lê
Một trong những người ít ỏi đó là blogger nhà báo Đoan Trang nhắc mọi người rằng ngày 5/6 ở Việt nam có thể xem như một ngày lịch sử, vì đó là ngày hàng ngàn sinh viên Việt nam xuống đường chống Trung quốc xâm lược. Ngày 5/6 năm nay, Đoan Trang cùng những người đồng chí hướng viết bản hiến chương 2015 kêu gọi những người dấn thân cho một nước Việt nam dân chủ hợp sức tương trợ nhau trên con đường sắp tới. Cô viết rằng:
Hiến chương 2015 là tuyên bố đoàn kết của những người yêu nước, những người đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam. Hiến chương cũng là lời thách thức và tuyên bố không cúi đầu gửi đến chính quyền công an trị với lực lượng “còn Đảng còn mình” - vốn vẫn bất chấp cả công lý, nhân quyền lẫn luật pháp để bảo vệ chế độ.
Chế độ mà Đoan Trang nhắc tới trong lời tuyên bố của cô là một chế độ có nền tảng là chủ nghĩa Mác Lê Nin mà Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng là một trở ngại lớn nhất cho Việt nam, là nguyên nhân lớn nhất làm cho con người và xã hội Việt nam hôm nay suy đồi. Ông viết những ý tưởng đó trong bài phản biện nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, khi ông Nhàn cho rằng nguyên nhân của sự suy đồi hôm nay vốn từ chiến tranh mà ra.
Nhà Khoa học Tô Văn Trường bình luận tiếp về chế độ đó:
Các chế độ toàn trị đó rất dẻo dai, tồn tại hàng ngàn năm và chỉ bị sụp đổ hoặc buộc phải thay đổi, biến báo để thích nghi khi bị sức ép từ bên ngoài hệ thống toàn trị khép kín đó. Ngày nay toàn cầu hóa, hội nhập chính là áp lực mạnh từ mọi phía khiến các xã hội toàn trị bị vỡ ra nhanh hơn. Đành rằng với người lãnh đạo thông minh, có viễn kiến và bản lĩnh thì việc cải cách Thể chế đúng lúc, đúng hướng sẽ cứu vãn sự sụp đổ, thế nhưng ở Việt Nam hiện nay dường như điều này chưa thấy xuất hiện.
Khi nói về cải cách người ta sẽ nhớ ngay đến bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban tuyên giáo trung ương của đảng cộng sản. Ông Hoàng viết về sự nguy hiểm của hiện tượng nhóm lợi ích, của chủ nghĩa tư bản thân hữu, như là một căn bệnh ung thư sẽ có nguy cơ làm sụp đổ không những đảng cầm quyền mà cả xã hội.
Blogger Trần Minh Khôi bình luận bài viết của ông Hoàng rằng đã là ung thư thì không có thuốc chữa.
Có thể là những người cộng sản Việt nam hy vọng chữa căn bệnh ung thư xã hội ấy bằng những lời kêu gọi thi hành đạo đức, như trường hợp từ chức của ông bí thư thành ủy Hội An Nguyễn Sự vừa qua. Ông Sự nổi tiếng như một người thanh liêm, có uy tín trong nhân dân.
Trên trang Luật Học, Nguyễn Anh Tuấn nhận xét về câu chuyện của ông Nguyễn Sự:
Lịch sử rồi sẽ sáng tỏ, bất luận là bao lâu. Lịch sử sẽ chứng minh nhân dân mãi mãi vĩ đại hơn chế độ cầm quyền. Dù cho sự tuyên truyền thổi phồng và che đậy của chế độ Cộng sản có dày công thế nào, cũng như có khác biệt Triều Tiên, Lào hay Việt Nam cũng vậy, chỉ có thất bại với thời gianTuấn Khanh
Diễn ngôn nhân danh ‘nhân dân’ như trên cùng với sự phổ biến của quan niệm quan-dân trong những thảo luận công cộng của chúng ta chứng tỏ khuôn khổ Nho gia, vốn từng đặt nền tảng cho cả ngàn năm khoa cử quan trường Việt Nam, vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa chính trị đương thời. Trong cái văn hóa chính trị đó, người dân được coi như một khối thống nhất chỉ có một quan điểm mà mất đi vẻ đa dạng phong phú về góc nhìn mà họ vốn có; trong khi những người nắm giữ quyền lực vẫn chưa được nhìn nhận như đang hành nghề chính trị chuyên nghiệp mà vẫn còn phảng phất bóng dáng quan quyền khanh tướng với những chuẩn mực khe khắt về đạo đức – dĩ nhiên không xấu, chỉ là chưa đủ, cho một thời đại đòi hỏi mỗi vị trí đều phải được chuyên nghiệp hóa như hiện nay.
Nhà nho vốn là học trò tin thần của Khổng tử, khuôn khổ Nho gia mà Nguyễn Anh Tuấn đề cập cũng là ý của tác giả Bảo Thư bình luận về Khổng tử trên trang blog của nhà văn Nguyễn Xuân diện:
Tư tưởng của Khổng Tử cũng chỉ là những lời thuyết giáo đạo đức bình thường, chỉ là trí thông minh nhỏ, không chứa đựng trí tuệ lớn… Những lời giáo huấn của Khổng Tử chỉ dạy ấy cực kỳ thực dụng, khôn khéo, nhưng không có tính thẩm mĩ hoặc triết lí thâm thúy. Ông cũng không có nhân cách cao quý hoặc tầm nhìn khoáng đạt. Ban đầu ông lang bạt tứ xứ muốn được làm quan, sau thất bại bèn trở thành thày dạy đạo đức.
Lời bình này được đưa ra trong không khí tranh cãi không những trên blog mà còn cả trên báo chí chính thống của nhà nước về việc tỉnh Vĩnh Phúc xuất 300 tỉ đồng tiền công quĩ để lập Văn miếu thờ Khổng tử.
Không ít người so sánh những lời thuyết giáo về đạo đức và tôn ti trật tự của họ Khổng cũng không xa lắm những mực thước về dân chủ tập trung của Lenin mà những người cộng sản dùng cho công cuộc đấu tranh giai cấp thành lập một xã hội mới không giai cấp như họ hình dung.
Một cuộc đấu tranh mà Milovan Djilas, người từng là nhân vật số hai của đảng cộng sản Nam Tư, nhận định là lại đưa đến sự thống trị của một giai cấp mới là giai cấp cộng sản.
Mấy mươi năm sau Djilas, blogger Tuấn Khanh viết bài Ngồi nhớ ân cần. Ông nhận thấy rằng trong xã hội Việt nam ngày nay do những người cộng sản cầm chịch, sự ân cần đáng quí của người Việt nam đã mất đi, và sự chói lọi của những số liệu phát triển lại đi kèm với những khoảng tối đen mù lòa.
Và cuối cùng để tưởng niệm Thiên An Môn, Tuấn Khanh viết rằng:
Lịch sử rồi sẽ sáng tỏ, bất luận là bao lâu. Lịch sử sẽ chứng minh nhân dân mãi mãi vĩ đại hơn chế độ cầm quyền. Dù cho sự tuyên truyền thổi phồng và che đậy của chế độ Cộng sản có dày công thế nào, cũng như có khác biệt Triều Tiên, Lào hay Việt Nam cũng vậy, chỉ có thất bại với thời gian.
No comments:
Post a Comment