Phóng viên bị công an phường Văn Quán hành hung tập thể?
Vào khoảng 21h30’đêm 18/6, trong quá trình nhập vai tác nghiệp nhằm ghi lại hình ảnh Công an phường Văn Quán (Quận Hà Đông, Hà Nội) lập chốt kiểm tra các phương tiện giao thông tại ngã 3 Nguyễn Khuyến (Hà Đông), phóng viên Tống Văn Đạt của báo Tuổi trẻ Thủ Đô cho rằng đã bị lực lượng này ra tay trấn áp bằng cách dí dùi cui điện vào đầu và hành hung tập thể.
Theo một số nhân chứng có mặt tại hiện trường, vào thời điểm đó, anh Đạt bị người mặc sắc phục công an dùng dùi cui điện dí trực tiếp vào đầu từ phía sau khiến anh bị choáng.
Cùng lúc đó, một nhóm khoảng 7-8 người bao gồm cả Công an phường Văn Quán và một số thanh niên xăm trổ đã lao vào đấm đá anh Đạt, lôi anh Đạt từ ngoài đường lên cabin xe. Sự việc chỉ dừng lại khi có sự ngăn cản của đồng nghiệp và người dân đi đường.
Phóng viên Báo Giao thông bị đánh, cướp khi tác nghiệp
Trước vụ việc phóng viên bị hành hung lúc ghi hình Công an lập chốt kiểm tra trên khoảng 10 ngày (tức ngày 8/6), khi đang tác nghiệp đề tài phản ánh việc các xe chỏ cát gây bức xúc cho người dân, phóng viên Vĩnh Phú và cộng tác viên Linh Hoàng thộc báo Giao thông vận tải (Văn phòng đại diện phía Nam) bị một nhóm khoảng 7 người lạ mặt tới đánh đập, giật máy.
Phóng viên Vĩnh Phú và cộng tác viên Linh Hoàng sau khi bị hành hung
Sau khi bị tấn công, cả hai được đưa vào bệnh viện quận 9 cấp cứu. Cộng tác viên Linh Hoàng bị rách da dầu, phải khâu ba mũi; phóng viên Vĩnh Phú bị chấn thương vùng mặt, đầu.
Đến ngày 10/6, cảnh sát điều tra Công an Q.9 (TP.HCM) đã tiến hành khởi tố vụ án đồng thời tung lực lượng trinh sát đặc nhiệm phối hợp với Công an các phường trên địa bàn truy xét bắt nhóm đối trên.
Phóng viên báo Dân trí bị Giám đốc doanh nghiệp đe dọa, lăng mạ
Cũng trong tháng 6, nhà báo Phạm Quốc Cường (báo điện tử Dân Trí) được cơ quan cử về huyện Chợ Mới tỉnh Bắc Kạn thu thập tư liệu điều tra một số cây cầu dân sinh ở huyện này do xí nghiệp cơ khí Quang Trung (trụ sở tại Ninh Bình) thi công có hiện tượng không đảm bảo chất lượng, dễ xảy ra tai nạn.
Một cầu treo có dấu hiệu xuống cấp tại huyện Chợ Mới (Bắc Kạn)
Nhà báo Phạm Quốc Cường đã chủ động gọi điện thoại liên lạc với giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung để đặt lịch phỏng vấn. Tuy nhiên ông Nguyễn Tăng Cường đã dùng lời lẽ tục tĩu, thiếu văn hóa (tát vào mặt, vả gãy răng) lăng mạ, sỉ nhục nhà báo Phạm Quốc Cường.
Cho rằng đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng nhân phẩm, tính mạng của nhà báo, vi phạm Luật Báo chí, Chi hội nhà báo Báo điện tử Dân trí và Báo Khuyến học & Dân trí đã có công văn gửi Hội Nhà báo Việt Nam và Công an tỉnh Ninh Bình đề nghị các cơ quan này điều tra làm rõ sự việc.
Phóng viên Thông tấn xã bị hành hung khi tác nghiệp tại Tuyên Quang
Ngày 3/10/2014, Cơ quan thường trú TTXVN tại Tuyên Quang đã cử phóng viên Nguyễn Văn Tý xuống địa bàn địa bàn thôn Bình Man, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thu thập thông tin về vụ một số hộ dân lợi dụng việc san ủi, cải tạo mặt bằng đất ở và đất vườn của gia đình để khai thác quặng Cao Lanh trái phép.
Hiện trường khu vực khai thác trái phép.
Sau khi tác nghiệp (quay phim, chụp ảnh) tại gia đình ông Trần Ngọc Sơn (gia đình được UBND huyện Sơn Dương cho phép san ủi, cải tạo mặt bằng theo văn bản số 1063/UBND-TNMT ngày 31/7/ 2014), phóng viên Tý đã đến một số hộ gia đình khác để tìm hiểu thêm thông tin thì bị hai thanh niên đi xe máy dùng mũ bảo hiểm hành hung.
Sau khi được người dân can ngăn một thanh niên đã bỏ đi. Khoảng 10 phút sau, thanh niên này quay lại và cầm theo một con dao dài khoảng 40 cm truy đuổi và dọa giết phóng viên Tý. Dù được nhiều người dân đã can ngăn, nhưng trước sự hung hãn truy sát của đối tượng khiến phóng viên Nguyễn Văn Tý đã phải bỏ chạy vào UBND xã Sơn Nam yêu cầu sự giúp đỡ của chính quyền xã.
Hành hung, đạp máy ảnh của phóng viên
Khoảng 21h30 ngày 26/4/2014, nhận được tin báo có vụ hỏa hoạn xảy ra phía sau gara ôtô Việt Hàn, gần tòa nhà Keangnam, phóng viên Bùi Mạnh Hưng (Báo điện tử Kiến thức) đã tới hiện trường để nắm bắt thông tin vụ việc.
Trong lúc tác nghiệp, bất ngờ phóng viên Mạnh Hưng bị một nhóm 7-8 người gồm cả nam, nữ chạy từ phía bên kia garage ô tô sang và đấm, tát liên tiếp vào đầu, vào mặt; buộc anh Hưng phải xóa hết những hình ảnh đã chụp, cùng các hình ảnh liên quan tới hiện trường của vụ cháy trong máy ảnh.
Chiếc máy ảnh tác nghiệp của phóng viên bị nhóm côn đồ đập hỏng
Khi đang thực hiện thao tác xoá, anh Hưng bị một đối tượng giật chiếc máy ảnh trên tay rồi đó tháo thẻ nhớ cầm đi. Anh Mạnh Hưng cự lại, giải thích thì bị các đối tượng giằng và ném chiếc máy xuống đất. Trước khi anh Mạnh Hưng rời đi, nhóm người hành hung phóng viên còn đe dọa nếu còn thấy anh xuất hiện ở hiện trường thì coi chừng đến tính mạng.
Cần có cơ chế cụ thể bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp tại những điểm nóng
Trên đây chỉ là số ít trong hàng loạt vụ phóng viên bị hành hung đe dọa mỗi năm. Nhìn chung, số vụ việc xảy ra có chiều hướng tăng, tính chất các vụ việc ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, tâm lí, tinh thần của các nhà báo.
Tuy nhiên, hầu hết những vụ việc này chưa được xử lý triệt để, chỉ dừng lại xử lý ở mức phạt hành chính hoặc tự thỏa thuận giải quyết. Điều này đặt ra một vấn đề là cần phải có cơ chế cụ thể hơn để bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp tại những điểm nóng, những nơi nguy hiểm.
05:30 20/06/2015
Hồng Liên (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment